Tin nông nghiệp Paris – ba dấu ấn về chuyển động nông nghiệp

Paris – ba dấu ấn về chuyển động nông nghiệp

Tác giả Hoàng Lan (tường trình từ Paris), ngày đăng 06/03/2018

Paris – ba dấu ấn về chuyển động nông nghiệp

Paris có những ngày lạnh dưới -2 độ C, nhưng khu Porte de Versailles, nơi đang diễn ra hội chợ triển lãm quốc tế nông nghiệp (rộng 138.000m2) lúc nào cũng đông nghịt.

Hai cha con đứng chào khách tham quan gian hàng của gia đình tại hội chợ quốc tế nông nghiệp Pháp.

Mỗi năm, hội chợ thu hút khoảng 650.000 khách, trên 1.000 nhà trưng bày từ khoảng 22 quốc gia.

1. Đã từng nghe nhưng không hình dung được về những cuộc đấu xảo do người Pháp tổ chức ở Đông Dương hoặc đưa sản phẩm từ thuộc địa về Pháp, để từ đó có xoài cát Hoà Lộc từ cả trăm năm trước; thì tại đây hình ảnh ấy vẫn hiển hiện, vẫn lung linh và cuồng nhiệt. Từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 1870, ý tưởng đấu xảo đến năm 1925 có thay đổi lớn trong cách tổ chức thành trung tâm hội chợ triển lãm, nhưng những nội dung cốt lõi vẫn được duy trì.

Khu đấu xảo đại gia súc, tiếng chuông leng keng khi người quản mục dắt vật nuôi ra sàn, tiếng vọng vẫn tồn tại từ thế kỷ 19 tới nay.

MC xướng danh, thân thế, ưu điểm, nguồn gốc những con bò, ngựa, cừu, dê, lừa… trước những người mua là chủ trang trại. Hình ảnh truyền trên màn hình “đại vĩ tuyến”. Những con bò giống nặng cả tấn, những con ngựa được tết bờm, xén lông hình hoa văn, những loại giống chưa từng thấy ở xứ mình; ngay trong cách chăn dắt, cưng chiều vật nuôi cũng rất khác.

Có loại giống đươc nêu giá 15.000 – 19.000 euro/con, số lượng đặt mua tối thiểu 300 con.Các trang trại ứng dụng công nghệ mới Promo để minh bạch hoá chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và tính an toàn.

Ông Henri Trần Chương, một Việt kiều định cư tại phía bắc Paris, nói rằng hội chợ này phản ánh sức sống của nông nghiệp và lần nào cũng thu hút số đông từ các châu lục tới đây. Chăn nuôi, trang trại và dấu ấn nông nghiệp không giống xứ mình, các hoạt động ở đây là đưa ra gỉải pháp để người mua chọn lựa; con giống cũng là giải pháp, nhưng kèm theo đó là những sản phẩm sinh lợi cho người dùng cuối cùng. Bò cho sữa, phô mai và bao nhiêu thứ khác, do đó gắn với vật nuôi là chuỗi giá trị, điểm nhấn là giá trị tăng thêm. Nó chứng minh hành trình sản phẩm đã tách khỏi gốc tích nguyên liệu rất xa. Những giá trị được kiểm soát từ các trang trại, gia đình chuyên nghiệp và thông điệp tạo sức sống nông nghiệp, hành trình sản phẩm là “bạn không chỉ có một mình”.

2. Những sản phẩm từ châu Phi như dầu ô liu, dừa, khóm, xoài, thanh long, cam, chanh, chuối và cả trái chúc cũng xuất hiện ở các gian hàng thuộc các nước từng là thuộc địa của Pháp. Họ cũng nói về giá trị dược tính, nguồn gốc nhiều loại mỹ phẩm. Một cô gái châu Phi duyên dáng giới thiệu một loại trái, thiên nhiên chỉ ban tặng riêng cho xứ sở của cô để bán những lọ mứt với hệ thống nhận diện chỉn chu. Một người bán hàng khác giải thích những loại cây phối trộn để trị chứng đau khớp gối, thành thạo như thầy thuốc, nhưng kinh nghiệm dân gian châu Phi có sức thuyết phục tới mức nào?

Các nước đưa sản phẩm tới đây nhờ vào sự trợ giúp của các tổ chức tư vấn, dự án hỗ trợ từ lâu lắm, nên suy nghĩ của doanh nhân châu Phi là hễ người châu Âu đã giúp mình phát triển sản phẩm thì hàng hoá đó ưu tiên bán cho EU. Trong các sản phẩm, từ bàn ăn vô tới nhà tắm được du nhập từ các nước châu Phi đều in chữ “Fair Trade”. Một loại dầu gội làm từ mía Kenya với công nghệ châu Âu đã giúp các nguồn tài nguyên bản địa châu Phi có tiếng nói trong sân chơi thế giới.

Các chuyên gia thuộc hội DN.HVNCLC khảo sát hội chợ nhận định rằng, châu Phi đang trỗi dậy và thị trường mới nổi này có rất nhiều sản phẩm có tầm “sát thương”, công phá rất lớn với những sản phẩm có nguyên liệu đồng dạng, nhưng kém về ứng dụng công nghệ và lúng túng dò tìm chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

3. Life & Farms là một ấn bản chi tiết hoá những giá trị hiện thực giữa nông nghiệp, đời sống và văn hoá. Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch hội DN.HVNCL, nói thông điệp của họ rất rõ ràng khi dùng ngữ nghĩa của từ Salon International de L’Agri Culture (nông nghiệp – văn hoá), họ thu hút 32.000 chuyên gia thuộc các lĩnh vực vào việc tổ chức sự kiện này với những giá trị mới. Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Nam, bà Vũ Kim Hạnh và các doanh nghiệp đã trao đổi trực tiếp với tham tán nông nghiệp Pháp tại Việt Nam, để chuẩn bị cuộc làm việc với bộ Nông nghiệp Pháp vào ngày 26/2.

Tạp chí Farms Life (có website), nơi trình bày những ý tưởng tốt hơn cho nông nghiệp, cho kiến thức và thời trang cho lớp trẻ làm nông nghiệp.

Bức tranh nông nghiệp được bật sáng từ những ý tưởng, những đóng góp và ủng hộ “nông nghiệp lịch lãm” chứ không chỉ dàn dựng, trưng bày những sản phẩm mà không mang lại cảm xúc nào như xứ mình vẫn làm.

Cuộc đấu xảo rượu vang và đặc biệt là vang Bordeaux diễn ra sáng chủ nhật 25/2, với 16.801 mẫu. Các loại vang Bordeaux, cũng  như vang Alsace, Beaujolais, Jura, hay Vallée du Rhône, sẽ được nếm mù bởi các giám khảo, những chuyên viên trồng nho; nhưng đồng thời có cả những người tiêu dùng được thành lập bởi cuộc đấu xảo.

Dự thi cả thảy 16.801 mẫu, 3.227 giám khảo thử, ngửi, nếm và… nhổ ra lại, trước khi ghi nhận và đánh giá những mẫu đáp ứng các tiêu chí xuất sắc của cuộc đấu xảo 2018.


Nông nghiệp “sạch” nhờ công nghệ cao Nông nghiệp “sạch” nhờ công nghệ cao Nông dân trẻ đầu tư tiền tỷ nuôi lợn rừng hữu cơ Nông dân trẻ đầu tư tiền tỷ nuôi…