Phân bón toàn bùn đất, sao ác quá vậy trời
LTS: Thời gian gần đây, nông dân (ND) nhiều nơi trên cả nước đã phải đau đầu với vấn nạn phân bón giả, phân bón nhái nhãn mác kém chất lượng.
Cho dù Chính phủ đã có Nghị định 163/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón với nhiều chế tài mạnh, nhưng phân bón giả vẫn “nở rộ” làm cho ND và doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính bị thiệt hại nặng.
Vì sao phân bón giả vẫn còn “đất sống”?
Có ổ nhóm dùng đất cao lanh, diatomit và phẩm màu để làm giả phân bón NPK, rồi đóng vào bao bì của nhà sản xuất có thương hiệu.
Có ổ nhóm dùng cả dàn chảo ly tâm (thường dùng sản xuất đường), máy trộn bê tông… để “hòa trộn” phân bón giả với số lượng lớn...
Đó là một vài trong rất nhiều chiêu thức mà những kẻ sản xuất bón giả đã áp dụng.
Ghi nhận thực trạng này ở Phú Yên.
Ngày càng nhiều chiêu thức “ảo diệu”
Sau hàng loạt vụ “dính đòn” phân NPK và kali giả, ông Nguyễn Cao Thành - ND ở xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) nói: “Bà con lúc này đang vừa bón phân vừa run.
Tui mua nợ phân ở đại lý quen, hẹn hết mùa mới trả tiền.
Nếu như năm vừa qua không phát hiện kịp thời phân giả, thì tôi lấy gì để trả đây? Mình mua ở chỗ gần nhà, đâu có biết phân dỏm, bởi nhìn qua bao bì, hạt phân cũng y như phân thiệt! Thấy dưa không phát triển, một số người mới lấy phân pha nước, coi kỹ thì… toàn bùn đất! Sao mà ác quá vậy, trời? Tiền phân bón luôn chiếm khoảng một nửa chi phí sản xuất; nếu lỡ gặp của giả thì bao nhiêu mồ hôi công sức của nông dân coi như đổ sông đổ biển!”.
Ông Đặng Chí Hậu - Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1 cho biết, đầu năm 2014, trên 20 hộ ND đã có đơn phản ánh về việc phát hiện phân NPK và kali giả.
Cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và phát hiện có hàng trăm bao phân giả nhãn hiệu phân bón của một công ty phân bón uy tín ở miền Nam.
Lô phân giả bị phát hiện là do những nông dân người Bình Định mua trực tiếp từ quê chở vào.
Chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc và xử lý tận đầu mối những kẻ sản xuất phân bón giả tại TP.Quy Nhơn (Bình Định).
Tiếp đó, tháng 4.2014, cơ quan hữu trách đã bắt quả tang một ổ sản xuất phân bón giả quy mô lớn tại xã Hòa Kiến, TP.Tuy Hòa, Phú Yên, do Huỳnh Văn Thế (ở Phú Yên) và Đoàn Văn Đán (ở Bình Định) cầm đầu.
UBND tỉnh Phú Yên đã ra quyết định tịch thu, tiêu hủy 35 tấn (700 bao) phân bón giả mạo nhãn hiệu “Phân hữu cơ sinh học tổng hợp Á Châu BIO”.
Cùng với đó, tịch thu và sung công quỹ nhà nước 1 chảo ly tâm có đường kính 2,7m, 1 môtơ điện công suất 2.0HP, 1 máy may bao bì hiệu Newlong và 1 cân đồng hồ...
Quyết định trên cũng xử phạt Thế và Đán mỗi người 100 triệu đồng, do tổ chức sản xuất phân bón giả.
Xử phạt… không kịp
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phạm Ba - Phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Phú Yên cho hay, vấn nạn sản xuất và lưu hành phân bón giả đang ngày càng nhiều “chiêu thức ảo diệu”.
Có ổ nhóm dùng đất cao lanh, diatomit và phẩm màu để làm giả phân bón NPK, rồi “trà trộn” đóng vào bao bì của nhà sản xuất có thương hiệu.
Có cả “chi nhánh” làm riêng một số sản phẩm chưa đầy đủ thành phần (theo quy định ghi trên nhãn hiệu) rồi cung cấp cho “tổng đại lý” pha chế thành phân bón… tiêu chuẩn.
Có ổ nhóm dùng cả dàn chảo ly tâm (thường dùng sản xuất đường), máy trộn bê tông… để hòa trộn phân bón giả với số lượng cực lớn.
Bao bì và hình thức phân giả y như phân thật nên chính nhiều đại lý phân phối cũng không thể nhận ra, huống gì… ND!
Cơ quan QLTT cũng đã tiếp nhận nhiều ý kiến bức xúc về việc xử phạt quá nhẹ những đối tượng làm phân bón giả; ví như vụ bắt quả tang ổ nhóm làm phân giả của Huỳnh Văn Thế và Đoàn Văn Đán ở TP.Tuy Hòa.
Ông Phạm Ba nói: “Theo quy định hiện hành, trường hợp nêu trên chỉ bị phạt hành chính tối đa mỗi người vi phạm đến 100 triệu đồng.
Thời điểm phát hiện vụ việc, cơ quan chức năng đã điều tra kỹ vi phạm nhưng không thể xử lý nặng hơn quy định hiện hành.
Hiện có nhiều ý kiến đề nghị nâng mức phạt và xử lý nặng hơn đối với các trường hợp sản xuất, lưu hành phân bón giả”.
Quy định mà ông Ba nói đến là Nghị định 163/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp; trong đó, mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về sản xuất, gia công không đảm bảo chất lượng.
Trong khi chờ đợi việc sửa đổi thẩm quyền và mức xử phạt, theo ông Ba, cơ quan QLTT đang tăng cường phát huy vai trò của thanh tra chuyên ngành trong việc chủ động phát hiện và xử lý thực trạng phân bón giả.
“Năm 2016, chúng tôi có kế hoạch tăng cường thanh tra đột xuất các địa chỉ sản xuất, kinh doanh phân bón.
Bởi trong năm 2015, việc thanh tra đều được thông báo trước nên có thể nhiều cơ sở đã… chuẩn bị, giấu giếm vi phạm”- ông Ba nói.
Phương thức làm giả ngày càng tinh vi
Ông Trần Đức Tiến- Chi cục trưởng Chi cục QLTT Bình Định cho hay: “Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, phân bón nhập lậu ngày càng tinh vi, khó phát hiện, gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm”.
Từ đầu năm 2015 đến ngày 30.10.2015, cơ quan này đã kiểm tra 97 vụ sản xuất kinh doanh phân bón, phát hiện và xử lý 4 vụ với số tiền phạt hơn 11 triệu đồng.
Tiếp đến ngày 6.11, kiểm tra 2 vụ và tạm giữ 7.915kg hạt rời màu trắng dạng phân bón và đang xem xét xử lý.
Theo ông Tiến, việc kiểm tra xử lý trong kinh doanh phân bón còn rất nhiều khó khăn và vướng mắc, đặc biệt là Nghị định 163/2013 không quy định thẩm quyền xử phạt của lực lượng QLTT.
Tại Phú Yên, từ đầu năm đến nay, Chi cục QLTT đã phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 20 cơ sở kinh doanh phân bón, đã xử lý 3 trường hợp chất lượng phân bón không phù hợp với tiêu chuẩn…
Lực lượng QLTT đã xử lý 1 trường hợp sản xuất phân hữu cơ giả, 6 trường hợp các cơ sở đăng ký sản xuất chất phụ gia phân bón và hợp chất nitơ không đúng quy định, 1 trường hợp vi phạm nhãn hàng hóa và 2 trường hợp không công bố chất lượng sản phẩm theo quy định.
Vai trò của cán bộ Hội Nông dân rất quan trọng
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Huỳnh Văn Dũng - Trưởng ban Kinh tế Hội ND tỉnh Phú Yên cho biết: Trong các vụ phát hiện phân bón giả vừa qua, có sự đóng góp nguồn tin xác đáng từ một số cán bộ Hội ND ở cơ sở.
Ngoài việc tham gia giám sát theo luật định, vai trò chủ động phát hiện của các cán bộ Hội ND cơ sở rất quan trọng.
Bởi chính họ là người gần gũi với đời sống và sản xuất của ND, trong đó có việc mua và sử dụng phân bón.
Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, theo một số cán bộ Hội ND cơ sở phản ánh, một số đại lý phân bón là người có “quan hệ rộng, “thế lực” ở địa phương.
Thế nên cán bộ hội phải khéo léo, dũng cảm và cần cả sự hỗ trợ động viên kịp thời của Hội và cơ quan nhà nước trong việc phản ánh, đấu tranh với vấn nạn phân bón giả…
Phải tăng nặng xử phạt, truy tố nghiêm minh những kẻ làm giả phân bón, vật tư nông nghiệp.
Nếu tình trạng giả mạo này không được xử lý triệt để thì người ND không thể ngóc đầu lên được!
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ