Phát hiện và phòng trừ bệnh thối đỏ hại mía
Mía là cây trồng chứa nhiều dưỡng chất rất hấp dẫn đối với sâu bọ và các loài nấm gây hại. Bệnh thối đỏ, do nấm Colletotrichum falcatum Went gây ra. Bệnh này phát triển làm chuyển hóa đường trên mía thành rượu nên còn gọi là bệnh rượu. Nếu bị hại nặng, toàn cây có thể bị khô chết, mía gốc sẽ tái sinh kém. Mía làm nguyên liệu bị bệnh làm cho nước ép dơ, gây khó khăn cho quá trình lắng lọc, chế biến.
Bệnh thối đỏ hại mía
Theo điều tra của Viện Bảo vệ thực vật và Viện Nghiên cứu Mía đường công bố, có tới trên 50 loài sâu và khoảng 30 loại bệnh gây hại trên cây mía ở các vùng sản xuất mía trên cả nước. Trong đó bệnh thối đỏ là một trong những loại dịch hại phổ biến đối với cây mía.
Vụ mía 2009-2010 tại khu vực các tỉnh Nam bộ, bệnh thối đỏ gây hại tới gần 500ha mía nguyên liệu tại Tây Ninh. Vùng mía các tỉnh miền Bắc, bệnh thối đỏ cũng là đối tượng quan trọng gây thiệt hại không nhỏ trong đồng mía.
Trong quá trình trồng, chăm sóc, bà con cần nắm rõ các triệu chứng và đặc điểm phát sinh gây hại của bệnh để bảo vệ tốt ruộng mía nguyên liệu. Sau đây là những hướng dẫn của KS. Ngô Văn Dũng, Viện Bảo vệ thực vật.
Triệu chứng bệnh:
Bệnh thối đỏ có thể gây hại ở nhiều bộ phận của cây mía, từ thân lóng, phiến lá, bẹ lá cho đến mầm non và cả rễ của cây. Tuy nhiên, bệnh thường gây hại nhiều nhất là trong thân cây, phiến lá và bẹ lá của cây mía vào giai đoạn cây mía đã vươn lóng cao.
- Trên phiến lá: Bệnh thường xuất hiện ở gân chính trong lòng máng sống lá. Lúc đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ màu hồng. Sau đó phát triển dần lên phía trên và xuống phía dưới của sống lá thành những vệt dài hình bầu dục (đôi khi chỉ là những vệt dài khoảng 5-7cm) có màu đỏ huyết, giữa vết bệnh có màu nhạt hơn, quanh rìa có màu đỏ nâu. Trên vết bệnh cũng có những hạt đen nhỏ, đó là các ổ bào tử của nấm. Mô bị bệnh dễ bị nứt vỡ, nát ra, làm cho lá dễ bị gẫy gập xuống tại vị trí bị nứt vỡ.
- Trên bẹ lá: Vết bệnh có màu nâu sẫm, bao quanh vết bệnh là đường viền có màu đỏ. Nếu nặng, nhiều vết hoà lẫn vào nhau thành một mảng lớn. Trên vết bệnh về sau cũng xuất hiện những ổ bào tử nhỏ mầu đen.
- Trong thân cây: Nấm bệnh xâm nhập vào bên trong thân cây mía thông qua những lỗ đục của các loài sâu đục vào thân cây mía. Bên trong thân, ban đầu vết bệnh chỉ là một điểm nhỏ màu nhạt, sau đó lan rộng, kéo dài trong lóng mía thành những mảng màu đỏ huyết. Giữa các đốm đỏ có những vệt ngang màu trắng. Do triệu chứng bệnh nằm phía bên trong ruột cây một thời gian dài không lộ ra bên ngoài vỏ, nên lúc đầu rất khó phát hiện cây bị bệnh. Khi lấy dao chẻ thân mía ra thì mới thấy rõ.
Chỗ bị bệnh về sau lên men, thối rữa ra, ruột mía có chỗ hơi rỗng và có mùi rượu, vị chua nhạt. Vỏ thân bên ngoài không còn bóng, chuyển sang mầu vàng đỏ, hơi lõm xuống và tóp nhỏ lại, tạo những vết hằn xuống lóng mía mầu đỏ tía. Trên đó có những hạt nhỏ li ti màu đen, đó là ổ bào tử của nấm. Nếu bị hại nặng phần bị bệnh có thể phát triển hết cả lóng mía hoặc kéo dài sang những lóng khác.
Đặc điểm phát sinh phát triển bệnh
Bệnh thối đỏ mía phát triển mạnh trong điều kiện độ ẩm cao, mưa nhiều, trời nóng ẩm. Tuy nhiên, trong điều kiện nhiệt độ thấp 15-20°C mía sinh trưởng chậm, sức chống bệnh yếu thì nấm vẫn gây hại.
Loại nấm gây bệnh thối đỏ sinh trưởng phát triển tốt ở nhiệt độ 27-32°C, pH 5-6. Khi nhiệt độ quá thấp (dưới 10°C) hoặc quá cao (trên 37°C) nấm sinh trưởng kém.
Nấm xâm nhiễm dễ dàng qua vết thương xây xát, do đó mức độ bệnh còn liên quan tới mức độ sâu đục thân mía phá hại. Nếu sâu đục thân hại mía càng nhiều thì bệnh càng nặng. Mặt khác, mưa gió nhiều, nơi cất trữ mía không thoát nước cũng thúc đẩy sự phát sinh phát triển của bệnh
Mức độ phát sinh gây hại của nấm bệnh có liên quan chặt chẽ với cấu tạo hình thái, sinh lý của từng giống mía. Các giống mía vỏ xanh thường bị bệnh nhiều hơn giống mía vỏ vàng. Thực tế sản xuất cho thấy, Giống Roc.10 và 2714 POJ bị bệnh nặng. Giống 2883 POJ, 2678 POJ, F 103 bị bệnh nhẹ hơn. Các giống mía có hàm lượng phenol cao cũng có khả năng chống chịu bệnh cao hơn.
Nắm được các đặc điểm phát sinh phát triển của bệnh sẽ giúp bà con có biện pháp phòng trừ hữu hiệu nhất. Từ đó tránh được sự suy giảm mật độ cây mía do nấm bệnh phá hại và tăng năng suất chất lượng cây trồng.
Biện pháp phòng trừ
Để hạn chế tác hại của bệnh thối đỏ hại mía, việc quản lý phòng trừ tổng hợp được coi là biện pháp quan trọng nhất, giúp đảm bảo an toàn cao hơn cho cây trồng, cùng lúc chống được nhiều loài sâu bệnh hại.
- Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, thu gom toàn bộ tàn dư của cây mía bị bệnh từ vụ trước đem tiêu huỷ.
- Chọn giống khỏe: loại bỏ những hom giống có triệu chứng nhiễm bệnh. Trước khi trồng nên xử lý hom giống bằng cách nhúng hom giống trong nước nóng 54 độ C trong 20 phút, hoặc nhúng hai đầu hom vào dung dịch thuốc Mexyl MZ72WP hay Vinomyl 72BTN pha nồng độ 0,5%, hoặc Boocđô 1% trong 2 giờ.
- Trồng vào lúc có độ ẩm và nhiệt độ thích hợp.
- Làm đất mịn, lấp và nén chặt trong mùa khô. Kết hợp bón vôi bột xử lý đất.
- Vết đục, cắn của sâu đục thân và chuột là cửa ngõ cho nấm xâm nhập. Vì vậy bà con cần ngắt bỏ lá bệnh và tập trung đốt, trừ sâu đục, để giảm bớt lỗ đục vào thân cây. Từ đó hạn chế cửa ngõ xâm nhập của nấm bệnh vào bên trong thân cây mía
- Bón phân đầy đủ và cân đối giữa đạm, lân và kali, những ruộng thường bị bệnh hàng năm cần tăng cường thêm phân kali để cây có sức chống chịu với bệnh. Những vùng đất bị chua nên bón bổ sung thêm vôi bột để tăng độ pH cho đất.
-Biện pháp bóc lá mía: Trong giai đoạn cây mía phát triển, bà con cần chú ý bóc tỉa những lá chân vô hiệu. Đây là những lá già đã khô héo hay những lá bị sâu bệnh hại, không còn khả năng quang hợp, tổng hợp dinh dưỡng.Những lá mía bị nấm bệnh gây hại, bà con cần thu gom và mang ra nơi cách li để tiêu hủy. Như vậy sẽ giúp ruộng mía thông thoáng, giảm bớt nguồn bệnh trên ruộng.
Thời kỳ cây mía vươn lóng, bà con cần kiểm tra ruộng mía thường xuyên. Khi cây vươn lóng cao, nếu phát hiện thấy bệnh xuất hiện nhiều, bà concần tiến hành phun thuốc hóa học. Một số loại thuốc hiệu quả làMexyl MZ72WP,Ridomil 72WP..Trước khi phun thuốc hóa học bà con cần đọc kỹ hướng dẫn về liều lượng và cách sử dụng có in trên nhãn thuốc.
Với các loại thuốc hoá học có tác dụng nội hấp, phổ rộng, bà con nên phun trực tiếp vào tán lá. Bà con có thể cho thêm 10ml chất bám dính hoặc 5 - 7 giọt nước rửa chén hòa vào 10lít nước thuốc để phun cho cây. Các thành phần này giúp tăng thêm khả năng bám dính trên lá. Từ đó giúp tăng hiệu quả của thuốc hóa học.
Khi sử dụng thuốc hóa học, mỗi loại thuốc nên phun 3 - 4 lần/vụ, rồi chuyển sang loại khác. Mục đích hạn chế khả năng nhờn thuốc của nấm bệnh. Khi bệnh có chiều hướng gia tăng bà con có thể phối hợp hai loại thuốc trị bệnh, hiệu quả trị bệnh sẽ tốt hơn.
Những vùng đã bị bệnh gây hại nặng, bà con cần khoanh vùng dập tắt ổ bệnh, không được đưa hom giống sang những vùng khác để hạn chế lây lan. Những ruộng đã bị bệnh gây hại, bà con nên thu hoạch sớm hơn so với những ruộng khác.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ