Phát Huy Có Hiệu Quả Mô Hình Tôm - Lúa Ở Mỹ An (Bến Tre)
Tại hội thảo về Chiến lược phát triển bền vững nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Bến Tre do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, ông Lê Phong Hải - nguyên Giám đốc Sở đánh giá cao mô hình nuôi tôm - lúa của ba huyện biển.
Theo ông Hải, các huyện có lợi thế rất lớn, tiềm năng còn khá cao. Mô hình hiện được đánh giá rất bền vững, phù hợp với điều kiện canh tác của biến đổi khí hậu, phù hợp với sức đầu tư của bà con vùng biển nghèo. Thạnh Phú là một trong những địa phương duy trì và phát triển có hiệu quả mô hình này mà Mỹ An là thí dụ điển hình nhất.
Từ xã An Điền, vượt chuyến đò ngang, tôi về Mỹ An khi vụ nuôi tôm - lúa của bà con đang bước vào thời vụ chính. Ông Bùi Hùng Vũ - Phó Chủ tịch UBND xã nói: Anh thấy ruộng lúa đầy nước hay có những “cái vèo” đang cắm là tôm đang được bà con thả hoặc đang ươm.
Thời điểm này đang bước vào vụ tôm - lúa chính trong năm. Thường sau khi thu hoạch lúa, bà con cải tạo ao, cắt bỏ bớt gốc rạ, xử lý đáy ao và lấy nước vào là có thể thả tôm được. Có hộ, khi lúa chuẩn bị thu hoạch thì đã ươm sẵn tôm, có hộ thì đợi thu hoạch xong, cải tạo ao mới thả.
Những hộ ươm tôm giống từ trước, tôm hiện cũng hơn ba tháng tuổi và sẽ thu hoạch sớm vào dịp lễ 30-4, số hộ thả sau sẽ thu hoạch vào tháng 7. Sau đó thì bước vào vụ sản xuất lúa trong năm. Cũng theo ông Vũ, trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương, Đảng bộ xã xác định rõ thế mạnh của ngành nông nghiệp là hai cây, hai con chính là tôm - lúa và bò - dừa.
Diện tích tôm - lúa chiếm hơn 90% diện tích đất nông nghiệp của xã với ba con tôm chính là tôm sú, tôm càng xanh và tôm thẻ chân trắng, trong đó, chủ lực là tôm càng xanh - con tôm rất thích nghi với điều kiện canh tác của vùng nước lợ như Mỹ An, tập trung các ấp như Thạnh Hưng, Thạnh Mỹ và An Bình. Mặc dù nói là mô hình lúa - tôm nhưng không phải “con tôm ôm gốc lúa” mà nuôi tôm mới là chính.
Mỗi năm, bà con làm một vụ lúa, một vụ tôm hoặc vừa lúa, vừa tôm nhưng giá trị kinh tế mang lại lợi nhuận vẫn là con tôm càng xanh. Đây là mô hình được cho là rất bền vững hiện nay, phù hợp với “túi tiền” đầu tư của bà con nghèo, sản phẩm sạch, sức tiêu thụ lớn với giá cả rất ổn định.
Ông Đoàn Văn Thẳng - cán bộ khuyến nông - khuyến ngư xã cho biết thêm: Hàng năm, địa phương tổ chức rất nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi tôm, bò. Trong năm 2013, được sự quan tâm của Sở NN&PTNT, Chi cục Nuôi trồng thủy sản và Chi cục PTNT đã đầu tư mô hình điểm, thành lập Tổ liên kết hợp tác nuôi tôm càng xanh có sáu hộ tham gia ở ấp Thạnh Mỹ.
Tôi đã đến tham quan Tổ hợp tác này khi tôm đã thả nuôi được hơn ba tháng tuổi, bác Nguyễn Văn Toàn ở ấp Thạnh Mỹ, có khoảng 1,2ha đất tham gia vào tổ hợp tác kể lại: Hôm đoàn của Chi cục đến làm việc với bà con, lúc đầu có rất nhiều hộ xin tham gia nhưng vì sợ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích riêng tư nên không ai chịu vào tổ liên kết này.
Tôi về bàn với anh Trần Minh Truyền ngụ cùng ấp và nghĩ rằng, các anh em ở trên xuống muốn giúp đỡ bà con mình, sao lại không chịu làm? Khi đoàn còn ở lại xã, chúng tôi gồm sáu hộ với diện tích đất hơn 3ha đến bàn lại với anh em trong đoàn và được tán thành. Theo đó, Chi cục sẽ hỗ trợ 100% tiền con giống, 30% thức ăn, 50% cơ giới (máy quạt nước), kỹ thuật với tổng mức hỗ trợ hơn 200 triệu đồng. Hiện tôm của các tổ viên phát triển rất tốt.
Tôm của ruộng bác Nguyễn Văn Toàn phát triển tốt nhất, tôm rất to. Bác Toàn cười tươi: Năm rồi, cũng diện tích đó, bác chỉ thả vài chục thiên tôm càng xanh mà có lãi hơn 100 triệu đồng. Vào tổ liên kết, có vốn, năm nay, bác thả 120 thiên. Chắc chắn sẽ có lãi cao hơn. Năm 2013, thời tiết, dịch bệnh, nguồn nước, giá cả… đều rất thuận lợi, đa số vụ tôm vừa rồi bà con Mỹ An mình đều có lãi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ