Mô hình kinh tế Phát Huy Sức Mạnh Kinh Tế Tập Thể Trong Khai Thác Sản Phẩm Thế Mạnh

Phát Huy Sức Mạnh Kinh Tế Tập Thể Trong Khai Thác Sản Phẩm Thế Mạnh

Ngày đăng 04/08/2014

Phát Huy Sức Mạnh Kinh Tế Tập Thể Trong Khai Thác Sản Phẩm Thế Mạnh

Đối với địa phương vùng biên, việc phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với những lợi thế của mình, huyện Hồng Ngự từng bước tiến tới khai thác tạo hướng đi riêng cho nông sản chủ lực.

Sản phẩm chủ lực của huyện là lúa, cá tra và vùng hoa màu tập trung. Những lợi thế này tác động rất lớn đến phát triển kinh tế của địa phương. Khi nhiều thị trường nước ngoài nhận định “mỏ vàng” của Việt Nam là cá tra, thì huyện Hồng Ngự được xem “thủ phủ” cung cấp những con giống cho những vùng nuôi.

Theo ông Nguyễn Trạng Sư, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự, hơn 70% sản phẩm cá tra bột do địa phương cung ứng cho các vùng nuôi cá tra trong và ngoài tỉnh.

Khi địa phương được hỗ trợ thêm con giống cá tra thuần chủng thay thế dần cá tra bố mẹ cận huyết, góp phần vào sản xuất ra cá tra mang tính đồng đều cao, chất lượng, ít bệnh tật. Ngoài ra, nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm cá tra huyện Hồng Ngự được chứng nhận đã tạo hiệu ứng mạnh cho cá tra huyện Hồng Ngự từng bước tìm đến thị trường.

Huyện Hồng Ngự còn sở hữu một trong những vùng rau an toàn tập trung lớn nhất tỉnh với diện tích đạt gần 250ha. Ông Kha Văn Liến, Phó Chủ tịch UBND xã Long Thuận cho hay: “Dù trong thời gian qua, sản phẩm hoa màu ở đây chưa tìm được đầu ra ổn định, tuy nhiên thu nhập từ sản xuất rau màu vẫn cao hơn gấp 2-3 lần so với trồng lúa, nông dân rất phấn khởi”.

Những thuận lợi không nhỏ trên tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế địa phương, song những sản phẩm thế mạnh này chưa ổn định đầu ra là điểm nghẽn của sự phát triển. Theo thống kê sơ bộ của địa phương, hiện số lượng người sản xuất cá tra bột của huyện sụt giảm, do giá cá tra bột giảm.

Theo nhận định của địa phương, giá cá tra giống bị ảnh hưởng lớn từ cá tra thương phẩm, nếu sản phẩm này có giá, nghề sản xuất cá tra giống sẽ nhanh chóng khôi phục thời hoàng kim.

Ông Trương Văn Điền - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Phú Thuận B cho hay: “Số hộ sản xuất cá tra giống của địa phương có sự giảm sút. Nguyên nhân là giá sản phẩm cá tra thương phẩm trên thị trường bấp bênh, người sản xuất cá tra bột thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, khiến họ sản xuất cầm chừng hoặc ngừng sản xuất”.

Còn vùng rau an toàn của huyện nhiều lúc giá nông sản thấp hơn giá thành, nhiều nông dân phải bỏ cả ruộng nông sản do nhãn hiệu hàng hóa chưa có, chưa có sự phân biệt rõ nét giữa rau an toàn và rau sản xuất truyền thống.

Theo ông Nguyễn Trạng Sư, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự, nhu cầu hiện nay của địa phương là tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, đây được xem là hướng đi bền vững. Thời gian qua, huyện cũng có các doanh nghiệp vào thu mua trực tiếp những nông sản của địa phương.

Tuy nhiên, số lượng hợp đồng chính thức rất hạn chế. Trước nhu cầu liên kết sản xuất, huyện sẽ xúc tiến tìm đến những doanh nghiệp đủ tiềm năng và có những chính sách riêng để doanh nghiệp đồng hành với địa phương.

Trong việc tìm hướng đi mới, huyện quan tâm đến xây dựng nội lực bên trong thông qua cơ cấu, sáp nhập lại các HTX, hướng đến xây dựng HTX mạnh và đa dịch vụ.

Thông tin xung quanh vấn đề xây dựng HTX đa dịch vụ, ông Nguyễn Trạng Sư nói: “Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh, địa phương cũng xây dựng tái cơ cấu trên tinh thần những tiềm năng vốn có của mình.

Ngoài việc đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp liên kết thì xây dựng HTX đa dịch vụ, phục vụ đúng nhu cầu sản xuất của địa phương tạo ra khối sản phẩm lớn có chất lượng, đáp ứng liên kết với doanh nghiệp... là đích đến của một địa phương. Tuy nhiên, địa phương phát triển HTX phải có lộ trình nhất định ”.

Vừa qua, huyện tiến hành sáp nhập HTX, đây cũng là một trong những HTX được sáp nhập đầu tiên của tỉnh. HTX đầu tiên mới có tên HTX Phước Tiền sau khi sáp nhập từ 4 HTX cũ ở 2 xã Thường Phước 2 và Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự).

Theo điều lệ, HTX Phước Tiền hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ gồm tưới tiêu, làm đất, cung ứng vật tư phân bón, giống, thu hoạch, sau thu hoạch, tín dụng, chăn nuôi và mua bán nông sản. Với những kỳ vọng vào sự phát triển kinh tế tập thể trong liên kết sản xuất, đưa diện mạo nông nghiệp của địa phương phát triển, trong tương lai gần năm 2015, huyện tiến tới quy hoạch sáp nhập 11 HTX.

Nắm bắt tín hiệu thị trường dựa vào thế mạnh sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng như: đậu nành, mè, bắp... Ngoài ra, huyện khuyến cáo người dân sản xuất lúa chất lượng cao, tạo ra những sản phẩm nông sản đa dạng...


Giải Ngân Trên 500 Triệu Đồng Dự Án Cải Tạo Vườn Xoài Theo Hướng GAP Giải Ngân Trên 500 Triệu Đồng Dự Án… Chế Độ Dinh Dưỡng Cho Heo Nái Chưa Thực Sự Hợp Lý Chế Độ Dinh Dưỡng Cho Heo Nái Chưa…