Mô hình kinh tế Phát huy thế mạnh của đất đồi rừng

Phát huy thế mạnh của đất đồi rừng

Ngày đăng 31/08/2015

Phát huy thế mạnh của đất đồi rừng

Tháng Tám, núi rừng Ba Tơ bạt ngàn xanh. Đó là màu xanh của ruộng mía, rẫy keo. Ông Lê Hàn Phong- Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết: “Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Ba Tơ đã tiếp tục phát huy thế mạnh của đất đồi rừng, trồng đa dạng cây nguyên liệu, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân...”.

Già làng Phạm Văn Lân ở thôn Nước Lang xã Ba Dinh cười, nói: “Đất núi đồi bây giờ có giá lắm!. Nhà nào cũng biết tính toán trồng cây nguyên liệu. Trên núi thì trồng keo, dưới vườn, đất nà thì trồng mía. Màu xanh trải dài đến đâu, đói nghèo đẩy lùi đến đó!”. Đúng như lời già Lân nói, không chỉ ở Ba Dinh mà cả huyện Ba Tơ cuộc sống của người dân ngày càng thay đổi, phần lớn nhờ trồng keo nguyên liệu. Bởi từ lúc bén duyên trên đồi, từ cây keo hạt đến cây keo giâm hom, bây giờ manh nha trồng keo cấy mô đều mang lại hiệu quả khá cao.

Nhiều hộ đồng bào từ nhà tranh vách đất, không có xe máy, không phương tiện nghe nhìn, nhưng sau nhiều năm trồng keo, trồng mía cuộc sống đã khác. Ông Phạm Văn Để ở thị trấn Ba Tơ bảo rằng: “Trên sườn đồi ngày xưa chỉ biết trồng lúa rẫy, cây hoa màu ngắn ngày nên thu nhập bấp bênh. Còn bây giờ tôi đã trồng 40.000 cây keo giâm hom xen với cây lâu năm như xà cừ, huỳnh đàn. Phía dưới sườn đồi thì trồng mía, mì.  Hằng năm, thu nhập từ các loại cây nguyên liệu này cùng với chăn nuôi cũng trên trăm triệu đồng”.

Ngoài những hộ có đất, nhiều gia đình thiếu đất sản xuất thì hợp đồng nhận khoán đất với Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ để trồng và chăm sóc cây tạo thêm thu nhập. Hình thức hợp đồng là Công ty đầu tư cho dân từ giống, phát dọn, đào hố đến trồng cây, dân chỉ lo chăm sóc và bảo vệ. Sau một chu kỳ khai thác thì dân có thu nhập 20 – 25 triệu đồng. Bên cạnh phát triển cây keo, Ba Tơ cũng chú trọng phát triển cây mía. Bây giờ từ ruộng chân cao đến ven đồi phủ màu xanh của mía, đem lại nguồn thu khá cho nông dân.

Có được kết quả này là nhờ Nhà máy Đường Phổ Phong triển khai mô hình “trồng mía trên đất dốc”. Theo mô hình, nông dân được Nhà máy Đường hỗ trợ xe cơ giới cải tạo đất, đưa giống mía mới vào trồng nên tích cực tham gia cải tạo vùng gò đồi để trồng mía. Vụ mía đầu tiên trồng theo mô hình đạt năng suất  67 tấn/ha và vụ tiếp theo đạt trên 69 tấn/ha. Trên cơ sở này, huyện Ba Tơ tập trung phát triển vùng nguyên liệu mía lên 1.000ha, trở thành vùng nguyên liệu mía trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi.

Tuy xác định trồng rừng nguyên liệu là một trong các điều kiện để phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo bền vững, nhưng để cây nguyên liệu đạt hiệu quả cao hơn và tránh tình trạng trồng  tràn lan, nhiệm kỳ qua Ba Tơ đã xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh. Qua khảo sát, huyện đã đưa cây mía trồng ở diện tích gò đồi dưới 15o và ruộng một vụ bấp bênh chuyển đổi tập trung thuộc các xã Ba Dinh, Ba Chùa, Ba Tô, Ba Vì... Đối với đất 150 trở lên được bố trí trồng cây keo nguyên liệu, phát triển mạnh và tập trung ở các xã Ba Trang, Ba Khâm, Ba Thành, Ba Vinh, Ba Điền, Ba Bích, Ba Lế...

Với cách phân bổ này đã tạo được nguồn nguyên liệu lớn, hài hòa phục vụ cho 2 nhà máy ván dăm tại xã Ba Động và Nhà máy Đường Phổ Phong. Từ cách làm trên, mỗi cây nguyên liệu đều mang lại hiệu quả kinh tế và diện tích ngày càng mở rộng. Nếu như sản lượng mía năm 2011 đạt gần 32.700 tấn, thì đến năm 2014 sản lượng đạt trên 49.000 tấn, tăng gần 16.400 tấn. Năm 2015, năng suất mía bình quân đạt gần 52 tấn/ha, sản lượng ước đạt 52.200 tấn, tăng so với năm 2011 trên 19.500 tấn.

Đối với mía chưa áp dụng khoa học công nghệ, doanh thu gần 36 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân lãi 12,3 triệu  đồng/ha. Đối với mía  áp dụng khoa học công nghệ trồng trên đất gò đồi năng suất đạt trên 67 tấn/ha, chữ đường gần 10CCS, doanh thu trên 66,8 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí người trồng mía lãi 35,6 triệu đồng/ha. Diện tích cây keo cũng tăng lên đáng kể. Bình quân giai đoạn 2011 - 2014 Ba Tơ đã trồng trên 4.770 ha/năm, khai thác rừng nguyên liệu đạt gần 4.600 ha/năm; sản lượng ước đạt trên 350.500 m3/năm.

Doanh thu từ khai thác lâm sản ước đạt 320 tỷ đồng/năm. Đến nay, diện tích rừng sản xuất trên địa bàn huyện đạt hơn 52.000ha, nâng độ che phủ của rừng từ 66,4% năm 2011 lên 70% năm 2015. Ông Trần Quang Vinh - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Tơ, cho biết: “Ba Tơ đã biết dựa vào lợi thế đất rừng để phát triển cây nguyên liệu phù hợp với điều kiện thời tiết, quy hoạch của địa phương nên đã đáp ứng cho 2 nhà máy ván dăm đóng trên địa bàn huyện và Nhà máy Đường Phổ Phong đã đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần giảm nghèo, vươn lên làm giàu của người dân”.

Còn theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Tơ Phạm Quang Long, nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 50% thì dự kiến đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo còn 22%, phần lớn nhờ trồng cây nguyên liệu. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ba Tơ xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, hoàn thành ổn định việc giao đất, giao rừng cho nhân dân, phát triển kinh tế vườn rừng, xúc tiến đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến lâm sản nhằm tiêu thụ sản phẩm tại chỗ.

Dựa vào thế mạnh miền núi, Ba Tơ tiếp tục áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng cây nguyên liệu, tăng thu nhập cho người dân, từng bước vươn lên xóa nghèo nhanh và bền vững.


Doanh nghiệp vẫn mù mờ thông tin về hội nhập Doanh nghiệp vẫn mù mờ thông tin về… Làm giàu từ kinh tế trang trại Làm giàu từ kinh tế trang trại