Mô hình kinh tế Phát huy vai trò cây ngô trong cơ cấu lương thực

Phát huy vai trò cây ngô trong cơ cấu lương thực

Ngày đăng 25/05/2015

Phát huy vai trò cây ngô trong cơ cấu lương thực

Ngô là một trong 5 loại ngũ cốc, được trồng nhiều ở nước ta. Cùng với cây lúa, khắp từ Bắc vào Nam, miền xuôi cũng như miền ngược đâu đâu cũng có trồng ngô. Song mấy chục năm qua, trái ngược với cây lúa ngày càng chiếm vị thế lớn, giải quyết vững chắc vấn đề an ninh lương thực, là hàng hóa xuất khẩu chủ lực mỗi năm 6-7 triệu tấn gạo, thì cây ngô vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tự cấp, tự túc. Thậm chí bây giờ mỗi năm Việt Nam còn phải nhập khẩu 3-4 triệu tấn ngô để làm thức ăn gia súc, thực phẩm…

Ở tỉnh ta cây ngô cũng có bước thăng, trầm khá rõ nét. Vào giai đoạn cách đây trên 20 năm (1993-1997) khi sản lượng lương thực  có hạt của tỉnh ta còn ở mức trên dưới 20 vạn tấn năm, thì sản lượng ngô cũng chỉ chiếm dưới 10% tổng sản lượng. Năm 1995 diện tích cây ngô toàn tỉnh có gần 8.500 ha, sản lượng trên 18 ngàn tấn, chiếm 8,5% tổng sản lượng lương thực có hạt. Sau khi tái lập tỉnh Phú Thọ năm 1997, vấn đề an ninh lương thực được đặt lên hàng đầu, trong các giải pháp triển khai, mở rộng diện tích cây ngô đông là một hướng chủ đạo để tăng sản lượng lượng thực. Liên tục 10 năm từ 2000-2010, cây ngô lên ngôi. Hàng loạt giải pháp kỹ thuật như giống, thâm canh, chính sách khuyến khích… được áp dụng đã tăng diện tích trồng ngô từ dưới 10 ngàn ha lên trên 20 ngàn ha.

Năm 2000 diện tích trồng ngô cả tỉnh đạt gần 16,2 ngàn ha, đến năm 2005 tăng lên 20,3 ngàn ha, đỉnh cao năm 2008 là  23,1 ngàn ha. Cùng với mở rộng diện tích các biện pháp kỹ thuật sử dụng giống ngô lai, bón phân cân đối, phòng trừ sâu bệnh… đã đưa năng suất ngô từ trên dưới 20 tạ/ha, tăng lên 26-27 tạ đến năm 2000, đến năm 2005 lên 35-36 tạ/ha; Năm 2012 đạt bình quân 45,3 tạ, năm 2014 đạt gần 46 tạ/ ha. Từ đó đưa sản lượng ngô từ dưới 20 ngàn tấn/năm lên 80-90 ngàn tấn/năm. Năm 2000 sản lượng ngô toàn tỉnh mới có gần 42,5 ngàn tấn, chiếm 13% sản lượng lương thực, năm 2005 tăng lên gần 75 ngàn tấn, chiếm 17% tổng sản lượng, năm 2010 đạt 90,4 ngàn tấn, chiếm 20 % sản lượng lương thực…

Qua số liệu trên cho thấy cây ngô có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế nói chung, sản xuất nông nghiệp nói riêng. Cây ngô làm tăng hệ số sử dụng đất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập; cung cấp khối lượng lớn thực phẩm cho chăn nuôi phát triển. Rõ nhất với chính sách đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn thời gian qua, cây ngô góp phần tăng mức lương thực bình quân đầu người từ 254 kg năm 2010 lên 324 kg năm 2005 và gần 350 kg từ 2010 trở lại đây. Đưa Phú Thọ từ một tỉnh thiếu ăn trở thành địa phương có mức bình quân lương thực đầu người vững chắc, tạo đà để phát triển các ngành kinh tế, xã hội….

Tuy đã đạt được nhiều kết quả, nhưng tình hình phát triển cây ngô thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Quy mô diện tích, năng suất, sản lượng dù tăng, song hình thành vùng hàng hóa tập trung chưa nhiều. Phần đa ngô sau thu hoạch sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, sản lượng làm hàng hóa bán ra ngoài ít; công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch hạn chế. Đặc biệt vài năm gần đây khi nhu cầu sử dụng, cơ cấu lao động trong nông thôn thay đổi, diện tích trồng ngô sụt giảm. Cụ thể năm 2010 diện tích ngô toàn tỉnh đạt trên 20,6 ngàn ha, đến năm 2012 giảm xuống còn 17,4 ngàn tấn, năm 2013 -2014 còn trên 18 ngàn ha.

Nguyên nhân do hiệu quả cây ngô mang lại thấp. Trồng ngô tuy đầu tư công không nhiều như trồng lúa, nhưng  chi phí giống, phân bón cao hơn với năng suất như hiện bình quân 40-45 tạ/ha, thì mỗi sào trồng ngô thu được 160-170 kg, với giá bán 6-7 ngàn đồng/kg, thu về trên 1 triệu đồng/sào; sau khi trừ chi phí… chỉ còn lại 5-6 trăm ngàn. Tính ra giá trị ngày công chỉ đạt 4-5 chục ngàn đồng; chưa kể những ruộng năng suất thấp dưới 30 tạ/ha chỉ đạt vài chục ngàn đồng/ công, không kích thích, hấp dẫn người sản xuất.

Trong khi đó lao động nông thôn làm nông nghiệp ngày càng xút giảm, nhiều người  chuyển làm việc khác thu nhập cao hơn, đồng ruộng manh mún, ít có vùng chuyên canh quy mô lớn, khó hình thành hộ chuyên canh ngô làm hàng hóa cộng với đó nhu cầu sử dụng ngô chủ yếu làm thức ăn chăn nuôi, nay trong nông thôn số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm, nhu cầu trồng ngô tất yếu giảm theo.

Với trở ngại như trên cây ngô mấy năm nay chững lại, chủ yếu trồng trên đất bãi chuyên dùng, trồng trên đất hai lúa thu hẹp dần. Gần đây Chính phủ có chính sách khuyến khích phát triển cây ngô, tiến tới cân đối giảm nhập khẩu, phát triển cây ngô vẫn là lựa chọn quan trọng trong cơ cấu cây trồng.

Ngô là cây lương thực dễ trồng, địa bàn thích nghi rộng, mỗi năm có thể trồng 3-4 vụ. Với tỉnh ta trừ vùng ngập úng, đồi núi cao còn lại đều có thể trồng được ngô, trong đó gồm khoảng 5-6 ngàn ha đất bãi chuyên dụng, vài chục ngàn ha đất trồng lúa, đất ven đồi, đất trồng màu có thể trồng được vài ba chục ngàn ha/ năm.

Về kỹ thuật cây ngô được các Viện KHKT, doanh nghiệp giống cây trồng lai tạo, chọn lựa nhiều giống tốt cho năng suất 70-80 tạ/ha, gần đây nước ta còn tiếp cận nhập nội một số giống đột biến gen cho năng suất hàng chục tấn/ha, nông dân tỉnh ta rất thuần thục kỹ thuật sản xuất loại cây lương thực này. Ngô rất dễ sử dụng, có thể làm thức ăn chăn nuôi, đây là nguyên liệu chủ lực để chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp, làm một số loại thực phẩm, y dược, xăng sinh học...

Thị trường rất thuận lợi, hiện nay mỗi năm nước ta vẫn phải nhập 3- 4 triệu tấn ngô để làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi… Để phát triển, nâng cao vị thế cây ngô thời gian tới các địa phương cần quy hoạch thành vùng sản xuất quy mô lớn. Trên cơ sở đất giao khoán, khả năng sản xuất có thể dồn đổi, cho thầu, thuê mượn đất… để xây dựng vùng chuyên trồng ngô quy mô từ vài chục đến hàng trăm ha. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa, thâm canh cao đưa dần năng suất từ dưới 50 tạ lên 70-80 tạ/ha.

Có chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư thu hút doanh nghiệp tham gia liên doanh, liên kết trồng, thu mua, chế biến ngô. Với biện pháp tích cực, năm 2020 diện tích ngô của tỉnh không chỉ giới hạn 20 ngàn có thể đạt cao hơn, cây ngô phát huy vị thế thay đổi cơ cấu cây trồng.


Vào mùa ép dầu phụng Vào mùa ép dầu phụng Triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông 2015 Triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa,…