Phất Lên Từ Cây Măng Cụt
Lao động cật lực để kiếm được ít đất bưng nhưng lại không thuận lợi cho việc trồng hoa màu. Ông Nguyễn Văn Tỵ ở ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) đã tìm đến cây măng cụt, kết quả là cây măng cụt đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định.
Nguồn thu nhập chính
Năm 2009, khi đến Thanh Tuyền viết về phong trào trồng cây ăn trái, nuôi cá ở đây chúng tôi tình cờ gặp ông Nguyễn Văn Tỵ. Đi qua mấy cánh đồng rộng lầy lội ông dắt chúng tôi vào vườn chỉ cho những cây măng cụt xanh non vừa được một năm tuổi, rồi nói: “Để rồi xem, vài năm nữa vườn này thu bạc triệu cho coi”.
Tưởng ông nói đùa, nhưng vậy mà thật! Chỉ sau hơn 4 năm, trở lại vườn nhà ông chúng tôi đã được mời ăn những trái chín tươi ngon, ngọt lịm; măng cụt của nhà ông từ đó được nhiều người biết đến. Hiện nay, hơn 200 gốc măng cụt trồng trên diện tích 10 ha của gia đình mỗi năm cho thu hoạch gần 4 tấn, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Ông Tỵ chia sẻ, khi về lập nghiệp ở Thanh Tuyền, vợ chồng không có đất cắm dùi, nỗ lực mãi mới mua được ít đất bưng nhưng trồng cây gì cũng thất bát vì năm nào cũng bị ngập trong nước.
Không nản chí, ông chịu khó tìm tòi, học hỏi, rồi ông về Lái Thiêu (TX.Thuận An) - nơi nổi tiếng về măng cụt mua giống măng cụt về trồng. Giờ đây, măng cụt đã trở thành nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình. Năm vừa qua, ông thu được cả tấn trái cho gia đình thu nhập 120 triệu đồng.
Nhân rộng vườn cây
Vườn măng cụt của ông Tỵ giờ là mô hình kiểu mẫu của xã Thanh Tuyền. Đáng chú ý hơn, Thanh Tuyền đang là xã được UBND huyện Dầu Tiếng phê duyệt Đề án phát triển vườn cây ăn trái đặc sản măng cụt gắn với du lịch.
Ông Huỳnh Văn Dưỡng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tuyền cho biết, ông Tỵ là người đi đầu trong phát triển cây măng cụt tại địa phương. Với sức sinh trưởng tốt, năng suất ổn định, vườn măng cụt của ông là vườn điểm cho các hộ khác học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng.
Không chỉ trồng cây đạt năng suất cao, vườn măng cụt của ông Tỵ còn mang lại nhiều tiếng thơm cho cây măng cụt xã Thanh Tuyền nói riêng và huyện Dầu Tiếng nói chung. Năm 2013, ông mạnh dạn đưa măng cụt dự thi Hội thi trái cây ngon - an toàn Nam bộ; kết quả măng cụt của ông đoạt giải nhì. Tại cuộc thi năm 2014 vừa qua, trái măng cụt vườn nhà ông đoạt giải ba.
Kết quả đạt được là thế nhưng ông Tỵ vẫn chưa hài lòng với những kết quả bước đầu. “Tôi mày mò nghiên cứu cách trồng măng cụt theo phương pháp mới, chỉ vài năm là cây cho quả tốt.
Đây là cách trồng rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng 2 xã Thanh Tuyền, Thanh An. Tôi mong muốn ngày càng nhiều bà con phát triển cây măng cụt, đưa Thanh Tuyền thành vùng trồng măng cụt chuyên canh lớn ở khu vực Đông Nam bộ”, ông Tỵ nói.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ