Mô hình kinh tế Phát Triển Ca Cao Cần Có Niềm Tin

Phát Triển Ca Cao Cần Có Niềm Tin

Ngày đăng 30/10/2014

Phát Triển Ca Cao Cần Có Niềm Tin

Năm 2013, giải thưởng ca cao tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Paris (Pháp) được trao cho Puratos Grand-Place Việt Nam, 2 đơn vị liên doanh có nhà máy thu mua và lên men ca cao ở Bến Tre.

Theo ICCO - Tổ chức Ca cao quốc tế, nhu cầu sử dụng ca cao tăng mạnh, nhưng nguồn cung thu hẹp nên năm 2014 toàn cầu thiếu khoảng 160.000 tấn ca cao, những năm tới có thể lên cả triệu tấn.

Các tập đoàn nước ngoài kinh doanh và chế biến ca cao đang đổ vào thị trường Việt Nam như Cargill, Mars (Hoa Kỳ), Grand Place, Puratos (Bỉ)… nhằm đón đầu nơi có thể cung ứng nguồn nguyên liệu cho châu Á, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ với hơn 2 tỷ người, những nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Bên ngoài đánh giá cao

Từng là chuyên viên về ca cao của Cargill tại Hà Lan, ông Nguyễn Vĩnh Thành, Giám đốc ngành hàng ca cao thuộc Tập đoàn Cargill Việt Nam cho biết, ca cao Việt Nam được đánh giá tốt nhất châu Á, có thể sánh với khu vực khác như châu Phi, đặc biệt là Bờ Biển Ngà, nước có sản lượng cao nhất, lên tới 1,4 triệu tấn/năm.

Năm 2013, giải thưởng ca cao tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Paris (Pháp) được trao cho Puratos Grand-Place Việt Nam, 2 đơn vị liên doanh có nhà máy thu mua và lên men ca cao ở Bến Tre.

Giải thưởng này là một phần của chương trình ca cao xuất sắc (Cocoa of Excellence), tôn vinh tính đa dạng về hương vị ca cao toàn thế giới và bình chọn ca cao có chất lượng vượt trội trong quy trình lên men và phơi khô.

Điều này cho thấy, dù lượng ca cao hàng hóa sản xuất tại Việt Nam còn rất nhỏ, khoảng 5000 tấn/năm vẫn được các nhà nhập khẩu ca cao hàng đầu thế giới như Mars, Cargill, Puratos Grand-Place… kỳ vọng sẽ là nơi cung ứng nguồn nguyên liệu ca cao chế biến cho châu Á với nhu cầu khoảng 500.000 tấn/năm.

Năm 2012 doanh số về chocolat của Trung Quốc vượt ngưỡng 1 tỷ USD, nếu tính trên đầu người vẫn còn rất thấp, 0,06kg/người/năm, so với các nước châu Âu và Mỹ là 8kg/người/năm. Vì vậy, nhu cầu chocolat khu vực này chắc chắn còn tăng mạnh.

Các nhà kinh doanh thế giới nhận định, đây là khu vực tiêu thụ mới của ngành ca cao. Nhưng nguồn cung ca cao không tăng kịp do Tây Phi, vùng cung cấp chính không thể đảm bảo vì bất ổn chính trị và ca cao già cỗi.

Theo dự báo của Đại học Gent (Bỉ), năm 2020 thế giới có thể thiếu 1 triệu tấn ca cao. Các nhà kinh doanh thế giới nhìn ra vị thế đắc địa của Việt Nam, nơi cung cấp hạt cao mới đầy tiềm năng cho khu vực này.

Điều này cho thấy, cơ hội cho cây ca cao Việt Nam là rất lớn. Vấn đề là cách ứng xử của ta ra sao.

Trong nước chưa có “danh phận”

Trong khi nhiều loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, kể cả cây điều đã có “danh phận” với việc khẳng định vị trí trong cơ cấu cây trồng và xuất khẩu, thì cây ca cao vẫn lận đận, diện tích trồi sụt.

Tiến sĩ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông quốc gia cho rằng, do quỹ đất không còn, ca cao chủ yếu chỉ được trồng xen như là cây trồng phụ.

Điều này làm không ít người bất ngờ khi giá hạt ca cao sau khi sụt giảm còn 35.000 đồng/kg đầu năm 2013 đã tăng trở lại 45.000 đồng/kg vào cuối năm và từ đó đến nay tăng đều, hiện nay trên 60.000 đồng/kg.

Phải chăng vì là “phận” trồng xen nên cây ca cao chưa được đối xử tương xứng với vai trò lẽ ra phải có. Nếu xét trong thời gian dài, ca cao vẫn là trái có giá ổn định so với nhiều loại cây khác.

Theo Cục Trồng trọt, việc đốn bỏ chủ yếu xảy ra ở những diện tích trồng ở nơi bị nhiễm mặn như huyện Giồng Trôm (Bến Tre), thiếu nước tưới (Đông Nam bộ, Tây Nguyên) làm cây kém phát triển, hoặc chưa chăm sóc đúng quy trình nên cây bị nhiễm bệnh.

Những hộ chặt bỏ do chăm sóc chưa đạt yêu cầu nên ít trái, cây lại chưa đến giai đoạn có năng suất cao. Trong khi đó, những hộ nông dân giữ lại cũng trồng với thời gian tương đương hộ chặt bỏ, nhưng có năng suất cao hơn và họ có chung lý do là thu nhập từ cây ca cao khá tốt nhờ chăm sóc khá bài bản.

Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Phú ở xã Phú Túc, huyện Châu Thành hay ông Đặng Văn Phốp ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách, Bến Tre đang có thu nhập gấp đôi so với trồng dừa. Hoặc chị H’Bim B. Krông ở buôn Krông, xã Yang Tao, huyện Lăk, Đăk Lăk nhờ ca cao mà cuộc sống gia đình thay đổi rõ nét.

Sự giống nhau ở những mô hình này là thường xuyên thăm vườn, tỉa cành tạo tán theo khuyến cáo giải quyết sớm sâu bệnh khi phát sinh tránh bị thối trái.

Theo ông Đinh Hải Lâm, Giám đốc Chương trình Phát triển Ca cao của Mars Việt Nam, năng suất 2 kg hạt khô/cây/năm trở lên và trồng ít nhất 200 cây sẽ giúp người trồng ca cao có thu nhập ổn định, nâng tính cạnh tranh.

Ông Lucas Van Maarschalkerweerd, Tổng thư ký Hiệp hội Ca cao châu Á cho biết, ca cao là cây trồng nhạy cảm với môi trường, phân bón, nước tưới. Nếu làm tốt năng suất ca cao đạt từ 1,5 tấn/ha trở lên có lợi nhuận khá.

Như vậy, cần giúp bà con hiểu, cũng như cây cà phê, hồ tiêu hay cao su, trồng ca cao phải đầu tư bài bản, tuân thủ quy trình chăm sóc, không lấy kinh nghiệm cây trồng này để áp dụng cây trồng khác.

Thực tế đã cho thấy, dù là cây trồng xen nhưng thu nhập từ cây ca cao có lúc còn cao hơn cây trồng chính như cây điều, dừa…

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre khẳng định, ca cao xen vườn dừa là mô hình bền vững, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân, nhưng phải tính đến các yếu tố thổ nhưỡng. Điều quan trọng là cần truyền cho được niềm tin người trồng ca cao về khả năng cây này có thể nâng cao đời sống chính họ.

Muốn vậy cần thực hiện đồng bộ từ khâu nghiên cứu, tuyển chọn giống từng vùng, thổ nhưỡng, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho nông dân. Việc phát triển diện tích ca cao cần tập trung, mỗi khu vực tối thiểu 20 ha, thuận lợi cho việc thu mua, sơ chế.


Nhập Trên 18 Triệu Củ Lily Đón Mùa Hoa Tết Nhập Trên 18 Triệu Củ Lily Đón Mùa… Giá Cà Phê Sẽ Do Chúng Ta Giá Cà Phê Sẽ Do Chúng Ta "Định…