Mô hình kinh tế Phát triển cá lồng bè trên biển

Phát triển cá lồng bè trên biển

Ngày đăng 01/11/2015

Phát triển cá lồng bè trên biển

Kiên Giang có tiềm năng rất phong phú để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là nghề nuôi cá lồng bè

Sở NN-PTNT Kiên Giang đã tổ chức hội nghị quản lý chuỗi nuôi cá biển, với sự tham dự của gần 50 đại biểu đại diện các sở, ngành, các huyện, thị ven biển và ngư dân nuôi cá lồng bè trong tỉnh.

Ông Quảng Trọng Thảo, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, thời gian qua, mô hình nuôi cá lồng bè trên biển phát triển khá mạnh tại các huyện Kiên Hải, Kiên Lương và TX Hà Tiên.

Nếu như năm 2011, toàn tỉnh có 1.346 lồng nuôi, với sản lượng thu hoạch 1.100 tấn cá thương phẩm thì đến nay số lồng nuôi đã tăng gần gấp đôi.

Riêng 9 tháng đầu năm đã thả nuôi được 2.593 lồng, đối tượng nuôi chủ yếu là cá mú và cá bớp.

Nghề nuôi cá lồng bè tập trung chủ yếu tại huyện đảo Kiên Hải, năm 2014 tại 4 xã là Nam Du, An Sơn, Lại Sơn, Hòn Tre có 222 hộ ngư dân nuôi 758 lồng cá trên biển với 61.272 con cá mú và 37.483 cá bớp.

Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng bè trên biển tại Kiên Giang vẫn mang tính tự phát, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào SX, chăm sóc quản lý sức khỏe cá còn nhiều hạn chế và chưa có những quy hoạch cụ thể cho vùng nuôi.

Các lồng nuôi được thiết kế không đúng yêu cầu kỹ thuật, chủ yếu người dân sử dụng dạng lồng bè truyền thống, đa phần bằng gỗ tạp có sức chịu được sóng, gió kém, khung bè không chắc chắn nên cần phải di chuyển theo mùa để tránh sóng gió, việc này dễ làm thất thoát và xây xát cá nuôi.

Với số lượng lồng nuôi hiện nay, mỗi năm ngư dân Kiên Giang cần khoảng 2,3 triệu con cá giống để thả nuôi, trong đó cá mú là 1,95 triệu con.

Nguồn cá giống này một phần khai thác ngoài tự nhiên, còn lại 70% phải nhập khẩu (chủ yếu từ Indonesia, Đài Loan), do năng lực SX giống cá biển trong nước rất hạn chế.

Việc mua bán cá giống theo hình thức giao nhận trực tiếp tại các cơ sở nuôi nên các thương lái không đăng ký kinh doanh, cũng không có trụ sở, cơ sở vật chất để ương dưỡng.

Vì vậy công tác quản lý chất lượng, kiểm dịch cá giống lưu thông, nhất là giống nhập khẩu của các cơ quan chuyên môn gặp rất nhiều khó khăn.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cá nuôi bị chậm lớn, dịch bệnh nhiều.

Cụ thể, năm 2014 đã xảy tình trạng cá nuôi lồng bè trên biển ở huyện đảo Kiên Hải chết hàng loạt, tổng số cá bị chết hơn 18.000 con, trong đó cá mú trên 11.000 con, cá bớp gần 7.000 con do nhiễm khuẩn, ký sinh trùng và sinh vật lạ gây hại.

Một hạn chế khác là hầu hết người nuôi cá lồng ở địa bàn tỉnh Kiên Giang cho cá ăn hoàn toàn bằng cá tạp trong suốt thời gian nuôi (khoảng 10kg cá mồi được 1kg cá thương phẩm).

Để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững thì bên cạnh việc cần chủ động về con giống thì hướng tới sử dụng thức ăn viên sẽ làm giảm áp lực việc khai thác “cá nuôi cá” và hạn chế khả năng gây ô nhiễm môi trường.

Trước mắt là tập trung các giải pháp thúc đẩy SX giống cá biển trong tỉnh đã được quy hoạch nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 đáp ứng 55 - 60% nhu cầu.

Tăng cường công tác kiểm dịch con giống trước khi nhập vào địa phương, quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng giống cho nuôi trồng.

Về lầu dài, sẽ hướng tới quản lý nuôi cá biển theo chuỗi khép kín với sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân, trong đó doanh nghiệp làm đầu mối, hỗ trợ về tài chính, kiểm soát công nghệ… để phát triển chuỗi giá trị khép kín, từ cá giống, đến khâu nuôi, chế biến xuất khẩu, kênh phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng.


Tận diệt sò giá Tận diệt sò giá Nuôi tôm tiên tiến Nuôi tôm tiên tiến