Tin nông nghiệp Phát triển các mô hình nuôi thú rừng

Phát triển các mô hình nuôi thú rừng

Tác giả Lê Bình, ngày đăng 26/04/2017

Phát triển các mô hình nuôi thú rừng

Vài năm trở lại đây, nhiều mô hình nuôi thú rừng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thanh niên ở xã Ta Bhing (Nam Giang).

Trong ảnh: Số kỳ nhông rừng của anh Briu Chéo phát triển ổn định và mang lại thu nhập khá. Ảnh: Lê Bình

1. Những năm trước, anh Briu Chéo (sinh năm 1993) ở thôn Pà Xua (xã Ta Bhing) thường vào rừng bắt kỳ nhông đưa về bán cho các quán ăn để kiếm thêm thu nhập. Nhưng được một thời gian, số lượng kỳ nhông thưa dần, anh lo lắng sẽ có lúc kỳ nhông bị bắt hết dẫn đến tuyệt chủng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh nảy ra ý tưởng là thuần hóa và nhân giống kỳ nhông. Tuy nhiên, công việc thuần hóa giống này cực khó vì hiện nay không có nhiều người nuôi kỳ nhông rừng thành công và tài liệu về vấn đề này cũng rất khó tìm. Tình cờ nhìn thấy một video nuôi kỳ nhông rừng trên mạng nên anh đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và bắt đầu làm chuồng để nuôi hơn 20 con kỳ nhông. Vì là lần đầu tiên nuôi thử nghiệm nên anh không thể tránh khỏi khó khăn, vấp váp ban đầu. Có những khi do không lường trước được ảnh hưởng của thời tiết nên kỳ nhông chết hàng loạt. Anh tâm sự: “Trước khi nuôi kỳ nhông, tôi cũng đã biết được một số kinh nghiệm nhưng tất cả chỉ là lý thuyết suông, chỉ đến khi mình tự làm, có vất vả thì mới tự rút kinh nghiệm cho bản thân được”.

Theo Briu Chéo, kỳ nhông rừng không ăn cám, ăn bột nên việc tìm thức ăn cho chúng không hề dễ. Phải chịu khó tìm nguồn thức ăn, chủ yếu là từ tự nhiên như cá, tôm, động vật nhỏ... để thịt kỳ nhông nuôi được mềm, thơm ngon và có dinh dưỡng cao. Kỳ nhông rừng là loài có sức đề kháng tốt, ít bệnh, nhưng khi trời quá nắng cần che chắn và cho chúng ở gần môi trường có nhiều nước. Để nuôi một con kỳ nhông từ khi còn nhỏ cho tới khi đẻ trứng phải mất khoảng 4 đến 6 tháng. Kỳ nhông sinh sản hoàn toàn tự nhiên, mỗi năm đẻ hai lứa, bình quân mỗi lứa nở được 12 - 15 con, hầu như toàn bộ đều sống tốt, không bị hao hụt. Hiện nay thịt kỳ nhông rừng đang được ưa chuộng như một loại đặc sản giàu dinh dưỡng nên luôn ổn định đầu ra. Cơ sở chăn nuôi của anh trở thành địa chỉ uy tín thu hút nhiều người đến đặt mua. Trên thị trường, thịt kỳ nhông có giá 220 - 250 nghìn đồng/kg (mỗi ký 2 con). Năm qua, từ mô hình nuôi kỳ nhông, anh Briu Chéo có thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn có thêm nguồn thu nhập khá từ nuôi thêm gần 500 con chim cút, hơn 150 con vịt, 100 con gà.

2. Qua nhiều kênh thông tin, anh Zơrâm Đà (thôn Pà Xua) thấy ở nhiều địa phương khác việc chăn nuôi heo rừng đã đem lại hiệu quả cao nên quyết định phát triển kinh tế theo hướng này. Anh cho hay, heo rừng có sức đề kháng tốt, rủi ro thấp, ít dịch bệnh nên rất dễ nuôi. Nếu chăm sóc tốt, thông thường, mỗi năm heo rừng đẻ khoảng 2 lứa, mỗi lứa 5 - 8 con, heo nuôi 4 - 6 tháng có trọng lượng khoảng 15 - 40kg là có thể xuất chuồng. Được biết, nhờ chọn giống tốt cùng thức ăn đảm bảo từ cám, rau và thân chuối nên chất lượng thịt heo rừng anh nuôi ngon, ít mỡ, được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Bình thường, anh nuôi để bán cho khách hàng tiêu thụ nhỏ lẻ ở địa phương, đến dịp tết, anh xuất bán nhiều hơn để phục vụ nhu cầu của thị trường Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Đợt tết vừa qua, đàn heo 10 con của anh xuất bán thương phẩm thu lãi gần 20 triệu đồng. Anh nói: “Tuy mang lại thu nhập cao nhưng việc chăn nuôi giống heo rừng còn khó khăn vì giống này có trọng lượng nhỏ lại lớn chậm. Thời gian tới tôi định mở rộng quy mô nhưng lại băn khoăn đến vấn đề đầu ra ổn định, lâu dài cho sản phẩm”.


Xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc, con dao hai lưỡi Xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc,… Vươn lên từ trồng nấm Vươn lên từ trồng nấm