Mô hình kinh tế Phát triển cây bơ

Phát triển cây bơ

Ngày đăng 22/10/2015

Phát triển cây bơ

Một cơ sở cung cấp cây bơ giống ở Bảo Lâm

Ngoài lợi thế so sánh về cây chè và cây cà phê, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng còn có thêm một lợi thế so sánh nữa là cây bơ ăn trái.

Đến lúc này, nói đến cây bơ, thì hầu như nông dân nào ở Bảo Lâm cũng đã nghĩ đến.

Dù ít, dù nhiều, có người đã trồng, có người chưa trồng nhưng đã định hình trong ý tưởng của họ về loại cây này.

Hàng chục năm về trước, bơ là loại cây ăn trái đã nổi tiếng một thời ở vùng đất Lâm Đồng (cũ).

Sau thời gian khá dài bị “lãng quên”, nay cây bơ bắt đầu “hồi sinh”.

Mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm Trang trại Trung Hiếu của anh Nguyễn Đăng Trung ở thôn Tiền Yên, xã Lộc Đức (huyện Bảo Lâm).

Theo lời anh Trung kể, hiện nay, tổng diện tích trang trại của anh đã có 17 hecta.

Trong số diện tích này, anh đã sản xuất ổn định 3 loại cây trồng: 15 hecta cà phê, 1 hecta tiêu và 1 hecta làm vườn ươm các loại cây giống.

Trong đó, 10 hecta cà phê, anh đã trồng xen cây bơ (giống bơ ghép).

Anh Nguyễn Đăng Trung cho biết, vào năm 2002, anh mua 300 cây bơ giống tại Trung tâm Nghiên cứu, chuyển giao cây công nghiệp và cây ăn quả tỉnh Lâm Đồng để trồng xen với cà phê.

Sau khi trồng thử các giống bơ đầu dòng: BLD/ 04, BLD/05, BLD/06, BLD/07, BLD/034, BLD/036… anh đã chọn và trồng xen đại trà với trên 2.500 cây bơ BLD/05, BLD/034 và BLD/036.

Đến năm 2009, tại Trang trại của mình, anh đã trồng xen cây bơ trên diện tích 10 hecta cà phê, hầu hết là giống BLD/036.

Tuy năng suất chưa ổn định, mỗi năm, anh đã thu được 70 tấn bơ trái và bán với giá trên 40.000 đồng/kg.

Trong khi đó, năng suất cà phê trên diện tích trồng xen cây bơ cũng không thuyên giảm.

Anh Nguyễn Văn Dậu ở tổ dân phố I, thị trấn Lộc Thắng, có gần 1,5 hecta cà phê và 0,5 hecta chè.

Trên diện tích chè và cà phê, anh đã trồng xen 70 cây bơ.

Tuy mới trồng, năng suất chưa cao, riêng vụ bơ vừa qua, anh đã thu được 300 triệu đồng.

Anh Dậu cho chúng tôi biết: “Cây bơ trồng xen trong vườn chè và cà phê (với mật độ thưa) để vừa làm cây che bóng mát, vừa đem lại khoản thu nhập khá lớn.

Với cây bơ ở vườn nhà tôi, từ 4 - 5 tuổi trở lên có thể cho năng suất trên 1 tạ quả/cây.

Trồng xen với cây bơ, nhưng năng suất cà phê và chè của tôi giảm không đáng kể”…

Tại thời điểm hiện nay, ở Bảo Lâm, phần lớn là bà con nông dân trồng xen cây bơ với các loại cây trồng khác.

Hiện tại, chỉ có số ít nông dân trồng bơ đông đặc và mỗi gia đình chỉ trồng khoảng vài sào.

Toàn huyện hiện chỉ có khoảng 15 hecta diện tích bơ trồng đông đặc.

Còn phổ biến là bà con trồng xen cây bơ với các loại cây trồng khác.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, diện tích cây bơ trồng xen với các loại cây trồng khác tại huyện Bảo Lâm gần 1.000 hecta.

Trong những năm vừa qua, bằng nguồn vốn sự nghiệp của địa phương, huyện Bảo Lâm đã hỗ trợ nông dân trồng trên 300 hecta cây ăn trái.

Riêng trong năm 2015, huyện tiếp tục hỗ trợ trồng khoảng 100ha cây ăn trái.

Bằng nguồn kinh phí hỗ trợ này, hầu hết bà con nông dân ở Bảo Lâm đã chọn cây bơ đưa vào trồng xen.

Qua trao đổi với anh Đậu Văn Xuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, chúng tôi được biết: “Huyện Bảo Lâm đã có định hướng phát triển các loại cây ăn trái nói chung, nhưng chưa có quy hoạch và định hướng phát triển riêng cây bơ”.

Tuy nhiên, trong thực tế, bà con nông dân đã bắt đầu “mặn mà” với cây bơ.

Do vậy, ngành nông nghiệp huyện đã kịp thời “vào cuộc” để định hướng, giúp nông dân phát triển loại cây ăn trái này.

Anh Hồ Đình Quảng, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm, cho biết: Quả thật là cây bơ rất thích hợp với vùng đất Bảo Lâm và có lợi thế so sánh.

Chúng tôi đã kịp thời khuyến cáo và hướng dẫn nông dân, nếu trồng xen với các loại cây trồng khác thì cây bơ nên trồng với mật độ thưa (100 cây/hecta).

Đồng thời, bà con phải thận trọng trong việc chọn giống.

Giống bơ hiện nay là những giống đầu dòng (năng suất cao, chất lượng ngon), đã được ngành nông nghiệp tuyển chọn và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cấp giấy chứng nhận cung cấp cây giống đảm bảo chất lượng.

Những giống bơ mà bà con cần lựa chọn để trồng hiện nay là các giống bơ ghép BLD/034, BLD/036, BLD/056…

Một số cán bộ tâm huyết với ngành nông nghiệp cho rằng, loại cây trồng nào phát triển tốt và đem lại hiệu quả cao thì cần khuyến khích phát triển.

Tuy nhiên, về lâu dài và để đảm bảo tính bền vững, nhất thiết là cần phải có sự định hướng, phát triển theo quy hoạch.

Bởi vì “đầu ra” cho sản phẩm là điều quyết định.

Anh Nguyễn Đăng Trung (theo chúng tôi, là người tiên phong trồng bơ ở Bảo Lâm) cho biết, sản phẩm bơ trái của anh chủ yếu là bán tại các nhà hàng và các siêu thị ở địa phương, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Nam.

Thị trường bơ trái cũng bắt đầu mở rộng dần, không chỉ ở trong nước, mà hiện nay ra đến thị trường Nhật Bản, Mỹ và Indonesia… Tuy vậy, điều mà anh Trung còn băn khoăn và quan tâm nhất là làm như thế nào để xây dựng được thương hiệu Bơ.


Giải bài toán điện cho thanh long Giải bài toán điện cho thanh long Có 4 hợp tác xã ca cao chứng nhận UTZ Có 4 hợp tác xã ca cao chứng…