Tin nông nghiệp Phát triển cây bơ ở Tây Nguyên

Phát triển cây bơ ở Tây Nguyên

Tác giả PGS.TS Nguyễn Minh Châu, ngày đăng 23/07/2020

Phát triển cây bơ ở Tây Nguyên

Tây Nguyên có điều kiện rất thuận lợi về đất đai (đất đỏ Bazan), khí hậu mát mẻ, phù hợp phát triển cây bơ.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu khảo sát các vùng trồng bơ ở Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Sản lượng bơ trên thế giới hiện hơn 3,5 triệu tấn/năm, trong đó có khoảng 20% được mua bán giữa các nước. Nước xuất khẩu bơ lớn nhất là Mexico 380.000 tấn, Chile 100.000 tấn, Peru 45.000 tấn, Nam Phi 40.000 tấn, Israel 32.000 tấn và Kenya 11.000 tấn. Nước nhập khẩu nhiều là Mỹ, rồi đến EU, Úc.

Ở Tây Nguyên, với điều kiện rất thuận lợi về đất đai (đất đỏ Bazan), khí hậu mát mẻ, phù hợp phát triển cây bơ.

Tỉnh Đắk Nông hiện có nhiều vườn bơ tốt như vườn của anh chị Hoàng Ly ở Đắk Mil với giống Booth và Reed, hay vườn bơ của anh Đông ở Gia Nghĩa với giống 034. Đó là những vườn bơ điển hình cho thấy cây bơ có khả năng phát triển rất tốt ở tỉnh Đắk Nông nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung.

Nguồn gốc và phân loại cây bơ

Bơ có xuất xứ từ vùng đồi núi có khí hậu nhiệt đới ở Trung Mỹ. Ngày nay, bơ được trồng từ 23,5 độ Bắc đến 23,5 độ Nam (The Avocado: Botany, Production, and Uses, second edition, CABI, trang 4). Do vậy, cây bơ được phân vào nhóm cây ăn quả nhiệt đới như xoài, nhãn, bưởi, cam, quýt...

Cây bơ được thế giới chia làm 3 nhóm chính, với những đặc điểm nông học của từng nhóm khác nhau:

1. Nhóm West Indian: Là nhóm bơ nhiệt đới (ở khu vực Caribe, trồng các giống bơ nhiệt đới), nhóm này gồm các giống bơ trồng ở vùng đất đồng bằng. Với đặc điểm chung như trái to, vỏ láng và mỏng, hàm lượng dầu thấp, chỉ 6-8%. Tiêu biểu có các giống Peterson, Waldin, Mã Dưỡng, MD2… 

2. Nhóm Guatemala: Nhóm này có các giống bơ được trồng ở vùng đất cao nguyên của vùng nhiệt đới. Các giống thuộc nhóm này có tỷ lệ dầu cao đến khoảng 20%, trái nhỏ, vỏ dày và xanh đậm. Tiêu biểu có các giống như bơ Hass, Sharwin, Reed, Gwen…

3. Nhóm Mexican: Là nhóm tìm thấy ở phía bắc vùng Trung Mỹ, như Mehico, California nên chịu lạnh hơn hai nhóm trên. Các giống tiêu biểu thuộc nhóm này là Duke, Zutano, Topa topa… Đây là nhóm bơ chống chịu lạnh tốt, và chống chịu tốt với nấm Phytophthora hơn hai nhóm khác, hàm lượng dầu cao (25 - 30%) (Tôn Thất Trình, 1995).

4. Nhóm lai tạo tự nhiên giữa các nhóm trên:

- Mexican x Guatemala: Có các đặc điểm tốt về nông học như chất lượng cao, chịu lạnh, có hàm lượng dầu cao, thịt trái không bị xơ, tiêu biểu như: Bacon, Ettinger, Feurte, Pinkerton. 

- Guatemala x West Indie: Có giống Booth rất phổ biến ở Tây nguyên và vùng Caribe.

Trái bơ Hass ở Di Linh - Lâm Đồng đạt kích cỡ xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Minh Châu.

Bơ được trồng nhiều ở đâu trên thế giới?

Có nguồn gốc ở vùng đồi núi nhiệt đới Trung Mỹ, cây bơ ngày nay đã được trồng ở các châu lục, kể cả những vùng thuộc á nhiệt đới như Mexico, California, Florida, hay các nước Châu Âu ở vùng Địa Trung Hải. 

Châu Mỹ: Các nước trồng bơ là Hoa Kỳ, Mexico, Guatemala, Colombia, Equador, rồi xuống các nước Nam Mỹ như Peru, Chile, Brazin. Chile gần đây là nước xuất khẩu bơ thay thế một phần bơ Hass từ Mehico vào Mỹ (EUROFRUIT, 12/2017).

Ở Mỹ trồng bơ trên luống để thoát nước, phòng bệnh nấm hại rễ tốt hơn. Ảnh: Nguyễn Minh Châu.

Châu Âu: Các nước Tây Ban Nha, Pháp, Isreal và một số nước khác ở vùng Địa Trung Hải (Mediterranean)... trồng bơ.

Châu Phi: Nam Phi (nước rất mạnh về phát triển các giống bơ mới như Lamuna Hass, Dusa, Gem), Maroc, Ethiopia, Kenya, đảo Renunion...

Châu Á: Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam, Lào.

Ở miền Nam Việt Nam, cây bơ được chuyên viên nông nghiệp Hoa Kỳ đưa vào trồng thử ở Trường Trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc vào khoảng giữa thập niên 60, đến nay đã trên 50 năm (lời kể của ông chủ quán trà, café Trâm Anh ở thị xã Bảo Lộc, đối diện với trường Bảo Lộc, hiện nay ông vẫn còn sống, và còn nhớ rõ tên người Mỹ đã mang hạt bơ đến Bảo Lộc để trồng thử). Ở miền Bắc, các tỉnh Tây Bắc, đặc biệt là ở Mộc Châu, Sơn La cũng đã trồng nhiều bơ, đa số là từ hạt.   

Châu Úc: Bơ được trồng ở Úc, New Zealand. New Zealand là nước sản xuất và xuất khẩu bơ vào Úc và vài nước ở Châu Á trong đó có Việt Nam.

Bơ Hass nên được trồng ở đâu tại Tây Nguyên    

Như trên tôi đã trình bày, tùy theo điều kiện đất đai, khí hậu như: 

Đất ở vùng đất thấp nhiệt đới, hay ở vùng đất cao nguyên nhiệt đới, hoặc ở vùng đất có khí hậu á nhiệt đới, và định hướng thị trường tiêu thụ mà người trồng sẽ phải chọn giống bơ phù hợp.

Nếu không hiểu biết giống bơ nào phù hợp đối với 3 điều kiện khác nhau trên đây để lựa chọn giống thích hợp, thì khi trồng trái bơ hoặc sẽ nhỏ hơn kích thước tiềm năng của nó, hoặc việc trổ bông sẽ không thuận lợi làm giảm năng suất.  

Thí dụ, bơ Hass khi được trồng ở vùng Đắk Mil, nơi chưa đủ độ lạnh cần thiết cho bơ Hass trổ bông đồng loạt, nên theo nhận định của các chuyên gia Mỹ thì bơ Hass ở đây có kích thước nhỏ hơn ở California, nơi có khí hậu lạnh hơn Đắk Mil. Như vậy nên lưu ý điều kiện nhiệt độ để trồng bơ Hass là phải có nhiệt độ dưới 15oC, trong ít nhất 3 tuần trước khi trổ bông.

Còn ở vùng đất có độ lạnh thấp hơn Đà Lạt, như Gia Nghĩa, Đắk Mil, thì nên chọn các giống thuộc nhóm giống Guatemala, hay nhóm lai Mexican x Guatemala như Reed, Booth, 034.

Đối với vùng đồng bằng nhiệt đới như Đồng Nai, Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre bắt buộc phải trồng nhóm giống West Indie như giống bơ 034, Mã Dưỡng, MD2.

Du nhập các giống bơ tốt nhất trên thế giới vào Việt Nam

Muốn nhập giống mới, chúng ta phải biết giống nào đã hết thời hạn tôn trọng bản quyền, và giống nào còn thời hạn phải tôn trọng bản quyền. Không thể làm như hiện nay, với giống GEM mà chúng ta đang nhân là không được phép, vì vi phạm luật bản quyền, mà Việt Nam là một thành viên của tổ chức UPOV.   

Giống thương phẩm đã hết thời hạn bản quyền gồm có: Hass, Lamb Hass, Pinkerton, Shepard, Reed, Feurte. Đây là những giống chúng ta có quyền nhân giống, sản xuất và xuất khẩu cạnh tranh với các nước khác.

Các giống thương phẩm mới, đang còn bản quyền khai thác như: Gem, Lamuna Hass, HASS - CARMEN, hay những giống gốc ghép có khả năng chống chịu tốt với Phytophthora như Dusa, BOUNTY, BW2 và BW19 thì chúng ta phải liên lạc với chủ sở hữu và xin được quyền khai thác thì mới được sử dụng (JENNY, 2018).

Nếu làm sai, như hiện nay với việc nhân giống Gem, Việt Nam sẽ bị chủ sở hữu khiếu kiện. Tôi biết, các chủ sở hữu các giống trên rất vui lòng chia sẻ quyền sử dụng và đưa giống sang Việt Nam nếu chúng ta có yêu cầu và tôn trọng bản quyền.

Cây giống sạch bệnh

Về việc nhân giống bơ, chúng ta đang ở một khoảng cách xa với thế giới. 

Vì Tây nguyên hiện nay chưa có đơn vị nào sản xuất được cây giống sạch bệnh Phytophthora trên Bơ như ở Úc, Hoa Kỳ, Nam Phi.

Thậm chí, ở các nước đó, họ còn đi xa hơn cây sạch bệnh đó là sản xuất cây giống có gốc ghép vô tính (clonal rootstock) nên khi trồng ra, các cây chẳng những chống chịu tốt với bệnh xì mủ mà còn rất đồng đều về sinh trưởng, và chiều cao… 

Có lẽ phải đi từng bước, nhưng nên có kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng cây giống như đến năm nào Tây Nguyên sẽ sản xuất được cây sạch bệnh Phytophthora, đến năm nào thì sẽ sản xuất được cây giống với gốc ghép vô tính và sạch bệnh như ở các nước tiên tiến. Làm được vậy, chúng ta sẽ không còn phải lo bệnh xì mủ nữa.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu tham quan vườn giống bơ sạch bệnh ở California, Mỹ.


Nông nghiệp thông minh trong thời đại 4.0 Nông nghiệp thông minh trong thời đại 4.0 Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ