Phát triển cây màu trên vùng cát Vĩnh Thái
Đến xã Vĩnh Thái, chúng tôi được nghe người dân nhắc nhiều đến một loại cây trồng mới đem lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng truyền thống trước đây, đó là cây ném. Ông Nguyễn Quang Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái nhấn mạnh: “ Trong 3 năm qua, phát huy thế mạnh của vùng cát, địa phương đã đưa vào trồng thử nghiệm cây ném. Từ 6 ha ban đầu, đến năm 2016, diện tích trồng ném toàn xã tăng lên 15 ha. So với lạc, giá trị kinh tế từ cây ném cao gấp 3 lần, so với cây khoai lang, giá trị kinh tế của cây ném gấp 6 lần”.
Để tìm hiểu thêm về hiệu quả kinh tế mà cây ném mang lại, chúng tôi đã tìm gặp anh Nguyễn Văn Nguyên, thôn Thử Luật, người mạnh dạn chuyển đổi từ 3 sào trồng hoa màu hiệu quả thấp sang trồng cây ném. Anh Nguyên cho biết: “ Trồng ném đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các loại cây hoa màu khác. Là loại cây thích hợp với vùng đất cát cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật nên cây ném sinh trưởng và phát triển rất tốt, thu hoạch cả ném tươi và ném củ đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để cây ném tiếp tục phát triển bền vững, tôi rất cần được tập huấn thêm về kỹ thuật, cách phòng chống sâu bệnh để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích”.
Cũng như anh Nguyên, chị Trần Thị Thắm, thôn Thử Luật nhận thấy hiệu quả kinh tế cao sau khi chuyển đổi sang trồng ném. Tuy nhiên, chị Thắm cũng trăn trở đối với việc phát triển bền vững cây ném ở vùng cát khi gần đây sâu bệnh bắt đầu xuất hiện trên cây ném, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. “Do là cây trồng mới, người dân chủ yếu canh tác dựa trên kinh nghiệm sẵn có của địa phương nên việc phòng chống sâu bệnh đối với cây ném còn hạn chế. Chúng tôi rất mong được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để phát triển cây ném tốt hơn”, chị Thắm cho biết thêm.
Là loại cây phù hợp đối với đất cát, đem lại hiệu quả kinh tế cao, để góp phần nhân rộng diện tích trồng ném tại xã Vĩnh Thái, chính quyền địa phương đã tích cực thực hiện chuyển giao tiến bộ KHKT, cách phòng trừ sâu bệnh đến với người dân. Đồng thời có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích cây ném ở những vùng đất có thổ nhưỡng phù hợp. Địa phương đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh, Trung tâm Dạy nghề huyện Vĩnh Linh tổ chức thêm 2 lớp học nghề trồng ném tại các thôn Tân Hòa, Tân Thuận, đã có 52 học viên tham gia tiếp thu những kiến thức KHKT. Trên cơ sở đó, trong năm 2016, xã Vĩnh Thái sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng ném để nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, trong thời gian tới, xã Vĩnh Thái sẽ tiến hành cho thuê đất để sản xuất thử nghiệm 1-3 ha cây ném phục vụ xuất khẩu. Nếu mô hình này thành công hứa hẹn sẽ mở thêm hướng mới trong thị trường tiêu thụ cây ném của địa phương.
Ngoài trồng ném, lạc cũng được xác định là một trong những cây trồng chủ lực ở vùng cát xã Vĩnh Thái, hiện toàn xã có 90 ha diện tích trồng lạc, năng suất đạt khoảng 1,2-1,4 tạ lạc khô/sào. Để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, có 50/90 ha lạc được người dân trồng xen thêm cây sắn để tận dụng chất dinh dưỡng dư thừa từ cây lạc, tăng hiệu quả sử dụng đất. Bên cạnh lạc và ném, cây môn cũng đang được chú trọng phát triển tại xã Vĩnh Thái với diện tích khoảng 50 ha. Để tạo điều kiện cho người trồng môn được hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản xuất, năm 2015, địa phương đã phối hợp với tổ chức Roots of Peace (ROP) thành lập câu lạc bộ trồng môn tại thôn Thử Luật với 30 hộ tham gia. Sau khi câu lạc bộ đi vào hoạt động, tổ chức ROP đã hỗ trợ vật tư, kỹ thuật, giúp người dân trồng, chăm sóc cây môn tốt hơn, cho năng suất cao và giảm trừ sâu bệnh.
Được biết, xã Vĩnh Thái hiện có 175 ha đất trồng cây hàng năm, bên cạnh nguồn thu từ đánh bắt thủy hải sản, mỗi năm các loại cây hoa màu chiếm gần 35% thu nhập của toàn xã. Hiện tại, chính quyền địa phương đang tiếp tục chỉ đạo các thôn giữ vững diện tích gieo trồng, thu hồi các diện tích đất bỏ hoang để cấp lại cho các hộ có nhu cầu sản xuất. Đồng thời, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, phòng trừ sâu bệnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để đa dạng hoá cây trồng, tăng hiệu quả sử dụng đất, cải thiện thu nhập cho người dân địa phương. Tiếp tục thực hiện đổi thửa dồn điền để thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Áp dụng quy trình bón phân cân đối, hợp lý để vừa cải tạo đất, đồng thời tăng năng suất và tiến tới sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững. Với những sự nỗ lực đó, xã Vĩnh Thái phấn đấu trong niên vụ năm 2016 sẽ đạt sản lượng lạc: 220 tấn; môn: 430 tấn; ném: 84 tấn và các loại hoa màu khác như: khoai lang, dưa các loại, mướp các loại, đậu xanh... đạt sản lượng khoảng 1.000 tấn.
Những cây hoa màu đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên vùng cát xã Vĩnh Thái. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, đưa cây màu phát triển bền vững, ngoài việc hỗ trợ phát triển sản xuất, ứng dụng các tiến bộ KHKT, người trồng cây hoa màu cũng cần có đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản, tránh tình trạng “được mùa mất giá” gây ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ