Phát triển chăn nuôi hàng hóa bền vững
Qua đó đẩy mạnh phát triển bền vững chăn nuôi hàng hóa bền vững.
Hỗ trợ sản xuất
Theo quan sát của phóng viên Báo Quảng Nam, nhiều mô hình chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đã cho hiệu quả thiết thực ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vào thời điểm này.
Đầu năm 2015, hộ ông Lê Văn Hiền (thôn 1, xã Quế Lưu, Hiệp Đức) nuôi 30 con heo nái kết hợp với nuôi heo lấy thịt.
Ông Hiền đã huy động được nguồn vốn 1 tỷ đồng để đầu tư mô hình này.
“Rất may là chúng tôi đã tiếp cận được hỗ trợ heo nái hậu bị giống Móng Cái của ngành nông nghiệp để chăn nuôi.
Gia đình đã xây dựng hầm biogas để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường vừa tận dụng chất thải làm nhiên liệu đốt” - ông Hiền nói.
Với việc đầu tư thấu đáo từ con giống tốt, chuồng trại đảm bảo cho đến thức ăn chất lượng, từ đầu năm đến nay, gia đình ông Hiền đã thu được hơn 500 triệu đồng tiền lãi sau khi đã trừ chi phí.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Đức Viên - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 290 mô hình chăn nuôi quy mô lớn.
Nhiều mô hình chăn nuôi có mức đầu tư đến 1 tỷ đồng.
Bình quân mỗi năm, 1 mô hình chăn nuôi hàng hóa thu về 150 - 700 triệu đồng tiền lãi.
Chăn nuôi hàng hóa bền vững sẽ hạn chế phát triển tự phát, manh mún của ngành chăn nuôi.
Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, triển khai Nghị quyết số 57/2012/NQ-HĐND tỉnh về cơ chế khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh giai đoạn 2012 - 2015 (gọi tắt là Nghị quyết 57), ngành nông nghiệp đã xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ chất lượng giống heo.
Cụ thể, có 25 mô hình hỗ trợ heo nái hậu bị giống Móng Cái cho các địa phương miền núi với 250 con; 80 mô hình hỗ trợ heo nái ngoại cấp bố mẹ hậu bị được xây dựng với 1.780 con; hỗ trợ 30 con heo đực giống cho 2 huyện Quế Sơn và Thăng Bình.
Đối với chăn nuôi bò, tỉnh đã hỗ trợ 168 con bò đực giống Zêbu, qua đó cải tạo chất lượng đàn bò, nâng tổng số đàn bò lai lên 71.087 con.
“Hỗ trợ nâng cao chất lượng giống lợn bằng các mô hình trực tiếp đã tạo nên mạng lưới cung cấp giống heo chất lượng cao, giải quyết tại chỗ con giống nuôi thịt có tỷ lệ nạc cao cho các hộ chăn nuôi.
Việc hỗ trợ bò đực giống và phối giống nhân tạo đã cho ra đời 13.500 con bê lai.
Số bê lai dự kiến sắp ra đời trong thời gian đến là khoảng 3.500 con, góp phần nâng đàn bò lai lên 71.087 con năm 2015, chiếm tỷ lệ 47%, cao hơn 2% so với mục tiêu nghị quyết HĐND tỉnh đề ra” - ông Muộn nói.
Hướng phát triển bền vững
Theo Sở NN&PTNT, do không có kinh phí tổ chức thông tin, tuyên truyền về cơ chế của Nghị quyết 57 đến người dân nên quá trình triển khai thực hiện ở một số địa phương còn hạn chế, các hội, đoàn thể chưa vào cuộc.
Hầu hết địa phương không chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57 cho năm sau đã ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện các mục tiêu đề ra.
Ông Lê Muộn đánh giá việc triển khai cơ chế hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hóa trên địa bàn tỉnh có nhiều lỗ hổng qua 3 năm thực hiện.
Năm 2013, kết quả giải ngân quá thấp, mới chỉ đạt 41,53% kế hoạch.
Nguyên nhân là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở chưa nghiên cứu kỹ, chưa đầu tư đúng mức nên tham mưu không tốt cho chính quyền và lúng túng triển khai nhiều nội dung.
Năm 2014, kế hoạch vốn được triển khai tốt hơn, đạt gần 94%, tương đối cao nhưng vẫn chưa rốt ráo.
Bởi vậy, hỗ trợ lãi suất vay để đầu tư chăn nuôi hàng hóa chưa đạt.
Cả tỉnh mới chỉ có 17 trường hợp nông hộ tiếp nhận cơ chế khuyến khích để đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi.
Toàn tỉnh mới chỉ có 11 gia trại được đầu tư từ cơ chế hỗ trợ là quá ít.
Một số địa phương như Hiệp Đức, Quế Sơn, Hội An trong năm đầu tiên thực hiện cơ chế đã không triển khai được nội dung nào.
Đáng kể hơn, Tây Giang đã không triển khai nghị quyết đến thời điểm này.
Rõ ràng, việc tiếp cận cơ chế ở các địa phương còn chậm.
Nhiều địa phương thiếu sự kiểm tra giám sát thực hiện cơ chế, đánh giá kết quả.
“Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết số 57 của HĐND tỉnh.
Để ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, đề nghị HĐND tỉnh cho phép được lồng ghép, tiếp tục triển khai một số nội dung trong thời gian đến.
Hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ tập trung nên được đưa vào nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020.
Hỗ trợ phát triển dịch vụ thú y trọn gói nên được đưa vào nội dung triển khai thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 4.9.2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020” - ông Muộn đề xuất.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Quang phân tích những chuyển biến của việc phát triển chăn nuôi hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2012 - 2015.
Những tín hiệu tích cực đáng ghi nhận là năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi đều tăng.
An toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm bước đầu được bảo đảm.
Khối lượng sản phẩm lớn được tạo ra cho xã hội đã giúp cho các nông hộ, đặc biệt là người dân miền núi tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, do đầu tư lớn khi chăn nuôi hàng hóa nên người dân chủ động tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi hiệu quả hơn.
Việc thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất nhỏ lẻ cũng đáng ghi nhận.
Nông hộ đã biết lấy nhu cầu tiêu thụ của thị trường để tìm hướng đi cho phù hợp.
Bởi vậy, sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ tập trung trong cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020.
Hỗ trợ phát triển dịch vụ thú y trọn gói được lồng ghép vào triển khai hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ