Mô hình kinh tế Phát triển chim yến ở Nam Trung bộ

Phát triển chim yến ở Nam Trung bộ

Ngày đăng 15/06/2015

Phát triển chim yến ở Nam Trung bộ

Tại hội thảo Khoa học - công nghệ vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên lần thứ XIII, tháng 5/2015 diễn ra tại Khánh Hòa, có nhiều tham luận, trong đó đáng chú ý nội dung "Quy hoạch, phát triển nghề nuôi chim yến ven biển Nam Trung bộ" của Cty Yến sào Khánh Hòa.

Yến đảo tự nhiên

Theo điều tra thống kê của Cty Yến sào Khánh Hòa, năm 2014 toàn quốc có 237 hang yến tự nhiên, tập trung vùng duyên hải Nam Trung bộ.

Trong đó Khánh Hòa nhiều nhất (169 hang), kế đến là Bình Định 16 hang, Phú Yên 13 hang, Quảng Nam, Ninh Thuận mỗi tỉnh 9 hang, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) 14 hang. Một số tỉnh còn lại từ 3 - 4 hang.

Trong vùng phân bố chủ yếu là chim yến hàng (Aerodramus fuciphagus) thuộc phân loài Aerodramus fuciphagus Germani. Đây cũng là loài chim yến phân bố vùng Đông Nam Á, cũng là loài yến đảo cho tổ chất lượng cao hàng đầu thế giới

Hiện các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận đã có quy hoạch, quản lý, phát triển các đảo yến. Khánh Hòa ngoài việc quản lý, khai thác 32 đảo yến với 169 hang yến, còn quy hoạch thêm 63 đảo và hang yến mới.

Phú Yên cũng đang thực hiện dự án phục hồi phát triển quản lý bảo vệ quần thể chim yến tại các đảo ven biển, và đang thực hiện chương trình dưỡng chim mỗi năm một kỳ.

Ở Ninh Thuận, Quảng Ngãi cũng đã khảo sát, có công tác dưỡng chim và tìm ra các hang đảo mới đủ điều kiện để di thực chim yến đến nuôi. Bình Định tập trung hang yến ở bán đảo Phương Mai, Quảng Nam chủ yếu ở

Cù Lao Chàm, nhưng chưa đầu tư quy hoạch phát triển cụ thể. Ngoài những hang yến đảo tự nhiên có chim yến sinh sống, còn có những hang chưa có chim yến sẽ được cải tạo để đủ điều kiện chim yến đến ở.

Theo ông Lê Hữu Hoàng, GĐ Cty Yến sào Khánh Hòa: Dùng máy áp lực dội rửa sạch bề mặt lòng hang, tái cấu trúc lại lòng hang cho phù hợp để chim yến dễ dàng ra vào, đậu trên vách đá, có chỗ trú ẩn khi bão đến.

Sau đó sử dụng chất dẫn dụ để tạo mùi, lắp đặt tổ mô phỏng, lắp đặt hệ thống âm thanh… để dẫn dụ chim yến vào sinh sống, làm tổ. Cần thiết thì di đàn chim yến, tức là đưa loại chim yến con, do con người cho ấp nở đã biết bay đến các hang đảo mới.

Để bảo vệ hang yến tự nhiên nhiều nơi làm mái che cho hang yến để giảm cường độ ánh sáng vào hang; làm đập chắn sóng hay lắp hệ thống lưới chắn sóng để giảm thiểu tác động của sóng biển làm hư hỏng tổ, mất an toàn cho nơi sống của yến.

Nuôi yến trong nhà

Cũng theo Cty Yến sào Khánh Hòa, hiện cả nước có 2.614 nhà nuôi yến, trong đó nhiều nhất là vùng Tây Nam bộ (962 nhà), Đông Nam bộ 856 nhà, thứ 3 là Nam Trung bộ 730 nhà (số liệu 5/2014). Cty Yến sào Khánh Hòa chuyên SXKD yến sào, gồm cả nghiên cứu quản lý, khai thác, nuôi, cho ấp nở, di đàn quần thể chim yến đến các đảo yến, nhà yến, không những có phạm vi trong tỉnh còn chuyển giao cho các tỉnh khác trong nước...

Từ kết quả điều tra, khảo sát sự phân bố chim yến trên phạm vi cả nước, Cty Yến sào Khánh Hòa đề xuất quy hoạch nuôi chim yến đảo tại vùng duyên hải Nam Trung bộ và nuôi yến trong nhà.

Các tỉnh vùng Nam Trung bộ có tiềm năng phát triển chim yến đảo và yến nuôi trong nhà. Vì vậy cần có nghiên cứu, quy hoạch vùng nuôi yến một cách bền vững nhằm tạo ra nghề mới cho dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương, gắn với việc bảo vệ an ninh biển đảo quốc gia.

Như tỉnh Khánh Hòa, đã quy hoạch phát triển thêm 63 đảo và hang yến mới; Phú Yên cũng có nhiều hang có tiềm năng khôi phục quần thể chim yến đảo và một số hang cần cải tạo để đảm bảo các yếu tố phát triển chim yến; Ninh Thuận có nhiều hang vùng núi Chúa có đặc điểm cấu trúc, diện tích đủ lớn, có thể khôi phục phát triển cho chim yến làm tổ.

Từ Bãi Thùng đến mũi Yến có 9 hang có tiềm năng phát triển thành đảo yến. Tại Bình Định, các hang yến ven biển vùng bán đảo Phương Mai cần quy hoạch để bảo tồn và phát triển bền vững quần thể chim yến...

Hiện vùng duyên hải Nam Trung bộ - Tây nguyên chiếm 1/3 số nhà nuôi yến trên toàn quốc. Qua nghiên cứu, Cty Yến sào Khánh Hòa đề xuất vùng có tiềm năng nuôi yến. Cụ thể Đà Nẵng có huyện Hòa Vang; Quảng Nam có Điện Bàn, Thăng Bình, Duy Xuyên; Quảng Ngãi có Tư Nghĩa, Đức Phổ; Bình Định có An Nhơn, Tuy Phước; Phú Yên có ngoại ô TP Tuy Hòa, Đông Hòa, Phú Hòa…

Để phát triển bền vững cần có nghiên cứu phát triển quần thể chim yến, kỹ thuật ấp nở, nuôi nhân tạo để chủ động nguồn chim yến. Đối với chim yến đảo cũng cần có kỹ thuật phát triển như cải tạo hang, dẫn dụ chim, di đàn chim, làm mái che cho hang, đập chắn sóng lưới chắn sóng…

Nuôi yến trong nhà cũng cần có kỹ thuật tối ưu như chọn vị trí nhà nuôi, thiết kế nhà nuôi, hướng nhà, ánh sáng, hệ thống giá tổ, âm thanh, hệ thống tạo ẩm, thông gió…

Ngoài ra cần có hệ thống giải pháp như quy hoạch, chính sách, nghiên cứu khoa học về chim yến, nguồn thức ăn, bảo vệ quần đàn…


Đậu phộng lãi 30-40 triệu đồng/ha Đậu phộng lãi 30-40 triệu đồng/ha Trước việc trà xuất khẩu bị trả về nghiêm túc xem xét lại Trước việc trà xuất khẩu bị trả về…