Mô hình kinh tế Phát Triển Kinh Tế Thủy Sản Theo Hướng Bền Vững

Phát Triển Kinh Tế Thủy Sản Theo Hướng Bền Vững

Ngày đăng 23/12/2013

Phát Triển Kinh Tế Thủy Sản Theo Hướng Bền Vững

Nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ở huyện Bình Đại (Bến Tre) đã và đang phát triển mạnh ở các xã tiểu vùng 3 và 4, mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho người dân địa phương. Những năm gần đây, huyện chủ trương phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, đẩy mạnh đánh bắt, nuôi trồng thủy sản phục vụ mục tiêu kinh tế nhưng không làm tổn hại đến môi sinh, môi trường và nguồn lợi thủy sản.

Năm 2013, tổng diện tích nuôi thủy sản của huyện là 16.920ha, đạt 105,7% kế hoạch, bao gồm nuôi thâm canh và bán thâm canh quay vòng 5.000ha, nuôi quảng canh xen rừng 8.630ha, nuôi quảng canh trên ruộng lúa 45ha, nuôi nghêu 2.060ha, sò huyết 852ha… Năm nay, các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh đạt năng suất bình quân 5 tấn/ha (tôm sú), 7 tấn/ha (tôm thẻ). Nhờ giá tôm ổn định và ở mức cao nên hầu hết các hộ nuôi đều thu được lợi nhuận.

Nghề nuôi nghêu, sò cũng phát triển mạnh. Năm 2013, hai HTX thủy sản Đồng Tâm và Rạng Đông đã khai thác được 1.431 tấn doanh thu 30.27 tỷ đồng. Cùng với nuôi thủy sản nước mặn - lợ, Bình Đại có 264ha nuôi thủy sản nước ngọt như cá da trơn, cá rô phi, cá lóc, tôm càng xanh… Nhờ đó, sản lượng thủy sản nuôi tăng lên 46.380 tấn (trong đó có trên 18.742 tấn tôm nuôi).

Ngoài việc hỗ trợ nhân dân vay vốn đầu tư nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, huyện đã huy động nguồn đầu tư của các thành phần kinh tế trên cơ sở tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cơ chế chính sách ưu đãi ổn định và lâu dài, đảm bảo phát triển và bền vững. Ngân sách địa phương tập trung thực hiện các dự án qui hoạch, đầu tư trang thiết bị cho nuôi thủy sản, sản xuất con giống, dịch vụ hậu cần nghề biển; tăng cường quản lý nuôi tôm ngoài vùng qui hoạch.

Bên cạnh đó, huyện còn phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như: tổ hợp tác, hợp tác xã thủy sản, nghiệp đoàn nghề cá… vừa góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm, vừa tái tạo phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên, nâng cao hiệu quả kinh tế , xóa đói giảm nghèo; tổ chức nuôi thủy sản theo hướng áp dụng những qui trình nuôi sạch, qui phạm thực hành nuôi tốt, dùng chế phẩm sinh học để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vì lợi ích và sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh đó, việc khai thác thủy sản được củng cố về tổ chức, chất lượng phương tiện, năng lực sản xuất, sản lượng đánh bắt được nâng cao. Toàn huyện có 1.075 chiếc tàu, tổng công suất 343.592 CV, trong đó có 544 chiếc đánh bắt xa bờ, tổng công suất 327.637 CV.

Để khắc phục khó khăn do chi phí tăng cao, ngư dân Bình Đại còn cải tiến ngư cụ và thành lập các tổ hợp tác đánh bắt, để hỗ trợ nhau trong việc dò tìm ngư trường, trong hoạn nạn và thay phiên vận chuyển sản phẩm vào bờ. Với cách làm này, hiệu quả kinh tế đem lại khá cao và ngư dân cũng an tâm hơn khi phải đối mặt với sóng to, bão lớn. Trong năm, đoàn tàu của huyện đã khai thác được 54.200 tấn thủy hải sản các loại, đạt 108% kế hoạch.

Đầu ra thủy sản ở Bình Đại cũng khá thuận lợi, sau khi Cảng cá đưa vào hoạt động, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy hải sản để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Nhiều loại hải sản chế biến của huyện được người tiêu dùng tín nhiệm như: khô mực, cá đù, cá bò, tôm khô… góp phần đưa giá trị sản xuất ngành khai thác, chế biến thủy hải sản tăng nhanh.

Ngoài ra, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, cung ứng xăng dầu, ngư cụ cũng phát triển mạnh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động ở các xã ven biển.

Ông Nguyễn Văn Măn - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho biết: Để tạo đà cho kinh tế thủy sản phát triển ổn định và bền vững, UBND huyện đã xây dựng Đề án về chương trình phát triển thủy sản giai đoạn 2010-2015. Theo đó, huyện tập trung đầu tư phát triển kinh tế thủy sản cả về khai thác lẫn nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá như: khuyến khích ngư dân đầu tư vốn nâng cao năng lực khai thác hải sản xa bờ, phát triển đa nghề để tăng hiệu quả kinh tế, nhân rộng các tổ hợp tác đánh bắt trên biển, tập trung phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá, cơ sở chế biến hải sản, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, huyện sẽ mở rộng diện tích nuôi thủy sản ở những vùng có điều kiện và đa dạng con nuôi, hình thức nuôi. Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, tiếp tục triển khai mở rộng Cảng cá giai đoạn II, khuyến khích đầu tư phát triển các cơ sở dịch vụ cung ứng nhiên liệu, vật tư, sửa chữa, đóng mới tàu…

Kết hợp chặt chẽ giữa khai thác tiềm năng phát triển kinh tế với củng cố hệ thống chính trị các xã ven biển giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Tạo cơ hội cho kinh tế biển phát triển với tốc độ nhanh, bền vững, đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của huyện.


Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Gà Bán Chăn Thả Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Gà Bán Chăn… Hiệu Quả Kép Nhờ Sử Dụng Chế Phẩm Sinh Học Xử Lý Môi Trường Nuôi Trồng Thủy Sản Ở Hưng Yên Hiệu Quả Kép Nhờ Sử Dụng Chế Phẩm…