Phát Triển Mô Hình Hợp Tác Xã Thủy Sản Nuôi Cá Lồng Ở Phú Thọ
Phát triển thủy sản đang trở thành ngành kinh tế chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với quá trình phát triển quy mô, hình thức quản lý cũng là vấn đề đáng quan tâm, trong đó mô hình HTX chuyên canh thủy sản đã manh nha, phát triển, đang có cơ hội mở rộng. Mô hình này phù hợp với xu thế sản xuất quy mô lớn, an toàn, bền vững.
Đến hết năm 2012 diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đã đạt gần 10 ngàn ha, năng suất nuôi đạt bình quân xấp xỉ 2 tấn/ha, tổng sản lượng đạt trên 21 ngàn tấn, trong đó sản lượng nuôi là trên 20 ngàn tấn. Theo khảo sát của ngành chức năng hiện nay cả tỉnh có gần 200 mô hình trang trại nuôi thủy sản với diện tích trên 1.400 ha; 7 HTX chuyên canh thủy sản. Về sản xuất con giống, có 1 trại giống thủy sản cấp I; 8 cơ sở sản xuất con giống và 580 hộ ương nuôi, cơ bản đáp ứng đủ số lượng con giống phục vụ trên địa bàn. Cùng với chăn nuôi truyền thống, ở các địa phương đã xuất hiện một số hộ nuôi các loại thủy sản đặc sản như: Nuôi cá lăng, cá chiên, nuôi ba ba... Sau hơn 7 năm đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế trọng điểm, nhiều hộ phát triển nuôi thủy sản trong tỉnh đã đạt thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/ha, doanh thu hàng trăm, cá biệt đến hàng tỷ đồng/năm.
Hiện nay, phát triển thủy sản chủ yếu vẫn do các hộ, nhóm hộ nhỏ lẻ thực hiện. Cả tỉnh mới có 7 HTX và một số doanh nghiệp có nuôi thủy sản phát triển tập trung. So với lĩnh vực khác, loại hình HTX, doanh nghiệp nuôi thủy sản tuy số lượng chưa nhiều song bước đầu đã khai thác được tiềm năng ao hồ đầm mà nếu để hộ, nhóm hộ khó đảm đương hết; tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, tập trung; có cơ hội để các hộ có thu nhập, làm giàu.
Tuy vậy hoạt động của các HTX còn cầm chừng, quy mô nhỏ chưa có sự vượt trội, chưa phát huy được tính ưu việt của mô hình. Nguyên nhân trước hết là định kiến của nhiều nông dân về cách thức làm ăn, quản lý của HTX kiểu cũ vẫn tồn tại nên người dân chưa sẵn sàng tham gia. Hiện nay ở các địa phương đã hình thành HTX nuôi thủy sản, chủ yếu là những nơi có hồ đầm lớn, còn lại ở những nơi có điều kiện khoanh vùng thành hồ, đầm riêng người dân chưa tích cực tham gia. Ngay cả những nơi đã hình thành hội nuôi trồng thủy sản nhưng mô hình HTX vẫn chưa hình thành. Các địa phương chưa có cơ chế, chính sách tác động hữu hiệu để giúp HTX phát triển.
Hầu hết đất nuôi, trồng thủy sản là ruộng sâu, trũng do các hộ tự dồn đổi, đấu thầu của địa phương, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng; trụ sở và vật chất đều do xã viên tự xoay xỏa, do vậy rất khó có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng, xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà xưởng, ao đầm… để vươn lên làm dịch vụ, mở rộng sản xuất. Khả năng bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm hạn chế, chủ yếu bán cho tư thương nên thường bị ép giá, hầu hết HTX gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thiếu vốn, khiến cho vai trò của HTX còn mờ nhạt.
Theo dự báo, sản xuất thủy sản trong những năm tới tuy có nhiều tiềm năng nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng biến đổi khí hậu và các tác động kinh tế - xã hội khác, như dịch bệnh phát sinh, chi phí sản xuất con giống, thức ăn, thuốc chữa trị bệnh tăng lên, thị trường tiêu thụ cạnh tranh…. Do vậy để phát triển thủy sản đòi hỏi cần có sự liên kết kinh tế hộ trong hoạt động nuôi, khai thác, đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm …
Nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi thủy sản theo mô hình tập thể, vừa qua Chi cục thủy sản phối hợp với Liên minh HTX tỉnh triển khai chương trình sản xuất cá lồng và tìm giải pháp quản lý cho nghề nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa đem lại năng suất, hiệu quả cao. Mục tiêu của chương trình là nâng cao giá trị sản xuất, xây dựng mô hình liên kết phát triển sản xuất thủy sản. Bước đầu chương trình triển khai tới hơn 30 hộ với hơn 50 lồng cá quy mô 3.000m3 nuôi theo công nghệ mới- mà trước đó người nuôi được đi tham quan, học tập tại các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng… Dự kiến trong năm 2013, các lồng nuôi này sẽ cho năng suất 1.800 tấn cá, cao gấp 100 lần so với nuôi trong ao trên cùng đơn vị diện tích.
Muốn đạt mục tiêu này, vấn đề đặt ra đối với các hộ nuôi là chất lượng con giống, phòng trừ dịch bệnh và giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Do đó, cần thành lập câu lạc bộ, HTX để xã viên và các HTX hỗ trợ nhau trong quá trình SX, tiêu thụ. Thông qua con đường hợp tác, các hộ nuôi trồng thuỷ sản sẽ giúp đỡ nhau giải quyết vấn đề cơ bản trong thủy sản. Ngoài sự trợ giúp của các đơn vị và ngành có liên quan, HTX cũng huy động vốn góp của xã viên, thành viên để đầu tư sản xuất thức ăn, cá giống cung cấp cho hộ, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng và các hoạt động dịch vụ khác đảm bảo sản xuất bền vững.
Với vai trò chắp nối của Liên minh HTX, Chi cục thủy sản các hộ nuôi cá lồng tại các địa phương bước đầu đã nhất trí thành lập câu lạc bộ nuôi cá lồng. Sau khi hình thành câu lạc bộ, Liên minh HTX tỉnh sẽ hướng dẫn để thành lập các HTX và tổ chức tập huấn nâng cao trình độ quản lý để các HTX hoạt động, phát triển bền vững; Chi cục thủy sản sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét cấp chứng nhận cho các cơ sở, HTX nuôi cá lồng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần đưa cá thương phẩm có chất lượng đến người tiêu dùng và phát triển thủy sản bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ