Phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã phát triển nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) giúp nông dân (ND) giảm chi phí sản xuất (SX), tạo ra sản phẩm NN có năng suất cao, chất lượng tốt, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Hồ Tấn Phong với mô hình trồng dưa lưới trong nhà lưới
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về “Phát triển NNUDCNC giai đoạn 2012 - 2020”, tỉnh đã có nhiều đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học - kỹ thuật được ứng dụng trong SXNN, như: lúa gạo, rau màu, thủy sản, nấm ăn, cây dược liệu, hoa kiểng… đạt hiệu quả cao.
Tại các địa phương trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình SX hiệu quả, từ cơ giới hóa, tự động hóa trong SXNN giúp giảm tiêu hao nguyên - vật liệu đầu vào cũng như giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm chi phí SX, hạ giá thành sản phẩm, nhất là tạo ra nông sản an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Một số mô hình của các địa phương triển khai thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao như: vùng chuyên canh lúa nếp của huyện Phú Tân được bà con ND UDCNC trong khâu canh tác bằng cách giảm phân, thuốc bảo vệ thực vật, chọn giống chất lượng, sử dụng các máy móc hiện đại vào SX, như: san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, sạ hàng, gặt đập liên hợp... Liên kết Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang xây dựng nhà máy sơ chế dược liệu (ấp Tà Dung, xã Lương Phi, Tri Tôn) và phát triển cây dược liệu với diện tích 20ha/năm, chủ yếu là rau tần dày lá.
Điển hình trong mô hình SXNN UDCNC kết hợp tham quan du lịch của ND Hồ Tấn Phong (phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc). Mô hình trồng dưa lưới, dưa lê, cà chua cao sản, dưa leo… trong nhà lưới được ông Phong chia thành từng khu để dễ theo dõi và chăm sóc.
Hiện số lượng dưa lê, dưa lưới do ông Phong trồng được siêu thị Tứ Sơn, siêu thị Co.opmart và Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam thu mua nên có thể yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Do năng động trong nắm bắt xu thế và diễn biến của thị trường, ông Phong đã canh tác các loại hoa cảnh phục vụ người dân đi lễ chùa và tham quan vào dịp lễ, Tết.
Bên cạnh đó, ông Phong còn kết hợp với du lịch sinh thái cho khách đến tham quan mô hình và mua sản phẩm tự hái mang lại lợi nhuận cao. Ông Phong phấn khởi cho biết, hiệu quả canh tác đã tăng lên nhiều lần, có thể canh tác 7 vụ/năm, thay vì 3 vụ/năm như trước. Nếu trồng theo cách truyền thống thì áp lực về sâu bệnh rất nặng, muốn bảo đảm chất lượng an toàn rất khó, nhất là thời gian thu hoạch.
“Đây là mô hình SX mới đòi hỏi sự đầu tư chi phí, công sức rất lớn. Để ND có thể theo đuổi công nghệ là điều rất khó, bởi họ không đủ nguồn vốn và sự kiên nhẫn để chờ thành quả lâu dài... Chỉ có UDCNC mới giúp ND đa dạng cây trồng, bớt phụ thuộc vào thị trường để có nguồn thu nhập ổn định” - ông Phong chia sẻ.
Xuất phát từ niềm đam mê với những mô hình SX mới, chị Ngô Thị Thanh Nhàn (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) đã mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình trồng lan kết hợp trồng rau thủy canh UDCNC. Chị Nhàn cho biết, thấy mô hình trồng rau thủy canh mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cao, chị quyết định học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, sách, báo, Internet… mở rộng diện tích nhà trồng rau thủy canh trong nhà lưới bên cạnh vườn hoa lan rộng 2.000m2, với gần 20 giống lan các loại.
Cách đây 4 tháng, chị Nhàn đầu tư thêm hệ thống tưới phun sương trồng rau thủy canh. Trung bình mỗi tháng, chị Nhàn thu nhập hơn 6 triệu đồng từ việc bán hoa lan và rau thủy canh. Sắp tới, chị Nhàn sẽ tìm thêm những nguồn giống mới cho vườn lan và rau thủy canh để thu hút du khách đến tham quan cũng như đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng…
Với những hiệu quả của việc UDCNC trong SX mang lại đã giúp nâng cao thu nhập cho người ND. Hy vọng rằng, những mô hình NNUDCNC ngày càng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ