Tin nông nghiệp Phát triển nền nông nghiệp: Hiện đại, bền vững là mục tiêu hàng đầu

Phát triển nền nông nghiệp: Hiện đại, bền vững là mục tiêu hàng đầu

Tác giả Trần Quang, ngày đăng 25/02/2017

Phát triển nền nông nghiệp: Hiện đại, bền vững là mục tiêu hàng đầu

Ngày 23.2, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã có buổi làm việc với Bộ NNPTNT về định hướng và chiến lược phát triển của ngành; các biện pháp thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ.

Trong ảnh: Người dân thu hoạch chuối bán cho lái buôn trên đường thuộc xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ảnh: Trần Quang

Tại buổi làm việc, Bộ NNPTNT đã có nhiều kiến nghị với Quốc hội, đặc biệt là việc cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai 2013 để tập trung tích tụ ruộng đất.

Vận hành chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Năm 2016, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song với quyết tâm cao, Bộ đã nỗ lực bám sát thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu gắn với xây dựng NTM. Vì vậy, ngành nông nghiệp đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh. Nhiều chỉ tiêu của ngành đã tăng trưởng, dần được cải thiện, cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với định hướng tái cơ cấu và thích ứng với biến đổi khí hậu…”.

Ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, chăn nuôi trong năm qua vẫn duy trì được tốc độ tăng khá cao (5,4%) do dịch bệnh được khống chế tốt, tình trạng sử dụng chất cấm và buôn lậu qua biên giới được quản lý chặt, xử lý nghiêm. “Riêng năm 2016, sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 5,06 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2015; sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ước đạt 16,8 triệu tấn, tăng khoảng 6%” – ông Vân cho hay.

Kiến nghị bổ sung 9.000 tỷ đồng tái cơ cấu nông nghiệp

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chiến lược của ngành nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất.

Tuy nhiên, trong giai đoạn mới ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Do đó, Bộ NNPTNT đã kiến nghị với Quốc hội, cho phép Chính phủ rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành, phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Đặc biệt, cần sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 theo hướng tạo thuận lợi hơn cho tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Bộ NNPTNT cũng kiến nghị Quốc hội, ưu tiên phân bổ tăng nguồn lực cho ngành trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Cụ thể, xem xét bổ sung vốn đầu tư công trung hạn cho ngành nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phục hồi sản xuất sau thiên tai và chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định: Trọng tâm của ngành nông nghiệp hiện nay là phải tổ chức lại sản xuất, cương quyết chọn hướng đi là sản xuất sạch, hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu. “Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT cũng phải đổi mới cơ chế quản lý nhà nước theo hướng là bà đỡ thôi, chứ không phải bao cấp nữa”- ông Hiển nhấn mạnh. 

Giảm nợ đọng xây dựng NTM

Về tình hình nợ đọng trong xây dựng NTM, theo báo cáo của Bộ NNPTNT, các địa phương có nợ đọng trong xây dựng NTM đã chủ động và từng  bước có giải pháp xử lý. Đã có 17/25 địa phương có số nợ lớn (trên 100 tỷ đồng vào thời điểm 31.1.2016) đã giảm được số nợ với tổng mức giảm là 5.624 tỷ đồng, chiếm 36,8%. Tổng số nợ còn lại đến tháng 12.2016 khoảng 9.654 tỷ đồng (tại thời điểm 31.1.2016 là 15.277 tỷ đồng).


Hộ nuôi gà “hái lộc” nhờ “bầu sô” Khương Hộ nuôi gà “hái lộc” nhờ “bầu sô”… Khá lên từ nuôi 200 đàn ong, 30 con hươu sao Khá lên từ nuôi 200 đàn ong, 30…