Phát Triển Nghề Nuôi Trồng Thủy Sản
Minh Côi là một trong những xã có diện tích nuôi thủy sản lớn của huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Trong gần 10 năm trở lại đây phong trào nuôi thủy sản ở Minh Côi đã phát triển mạnh mẽ. Trước đây chỉ có một số hộ dân nuôi cá phục vụ đời sống, đến nay toàn xã đã có 230 hộ nuôi thủy sản theo hướng kinh doanh với tổng diện tích 68,87ha, phân bố ở 7 khu hành chính.
Bên cạnh việc đào ao thả cá, người dân Minh Côi còn tận dụng diện tích mặt nước của các đầm lớn để thả cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trên hai đầm nước lớn của xã là đồng Đào và đập Cây Si số lượng lồng cá đã lên tới 85 chiếc. Nuôi cá lồng là cách làm mới có ưu điểm hơn so với đào ao là chi phí ban đầu thấp, lồng cá có thể di chuyển vị trí để thay đổi môi trường giúp cá phát triển tốt.
Chi phí đóng mỗi chiếc lồng cá là khoảng 1,2 đến 1,5 triệu đồng có thể nuôi 100-120 con cá, lồng có thể dùng trong 5 năm với hiệu suất sử dụng 2 lứa cá/năm. Ông Nguyễn Văn Thành- Chủ tịch UBND xã Minh Côi cho biết: Chúng tôi xác định nuôi trồng thủy sản là một trong những hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương, vừa tận dụng được diện tích mặt nước vừa tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân, nhất là trong các khoảng thời gian nhàn rỗi giữa các mùa vụ. Để phát triển hơn nữa nghề nuôi thủy sản xã đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện Hạ Hòa mở lớp tập huấn về nuôi thủy sản cho các hộ dân trong xã.
Để phát triển sản xuất người dân xã Minh Côi luôn tích cực tham gia các lớp tập huấn và chủ động tham khảo sách báo, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về nuôi thủy sản. Cá ở Minh Côi có tiếng trên thị trường và được đưa đi tiêu thụ ở nhiều nơi như: Yên Bái, Việt Trì, Vĩnh Phúc. Bình quân mỗi năm xã Minh Côi bán ra thị trường gần 200 tấn cá thịt. Bên cạnh đó cá đánh bắt từ tự nhiên cũng lên tới 10 tấn mỗi năm. Ở Minh Côi, cá trắm cỏ được nuôi nhiều nhất và đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên như rong đầm, phụ phẩm nông nghiệp là lá sắn, lá ngô, rạ… nên việc nuôi cá khá thuận lợi. Mặt khác, cá thương phẩm trên thị trường lại tiêu thụ tốt nên người dân ngày càng gắn bó với nghề nuôi thủy sản.
Gia đình chị Trương Thị Hương ở khu 1 - xã Minh Côi đã gắn bó lâu năm với nghề nuôi cá. Tổng diện tích ao của gia đình chị trên 8 sào mỗi năm cho thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng. Không chỉ nuôi cá thịt, chị Hương còn làm ao ươm cá giống, vừa đảm bảo nguồn giống chất lượng cho gia đình vừa cung cấp cá giống cho bà con trong xã. Kết hợp thả cá và chăn nuôi lợn, gia đình chị Hương đã tạo được nguồn thức ăn cho cá góp phần nâng cao hiệu quả của mô hình VAC. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang trị giá gần 700 triệu đồng chị Hương tâm sự: Gia đình tôi có được ngôi nhà khang trang này phần lớn là nhờ vào nuôi cá.
Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Thế Lịch khi anh đang chuẩn bị thức ăn cho cá. Vừa xếp từng bó cỏ lên xe anh Lịch vừa cho biết: Nhà tôi nuôi cá lồng đã được năm sáu năm nay. Mỗi lứa cá tôi thả trên 100 con, cá giống khi thả có trọng lượng khoảng 1kg. Sau 6 - 7 tháng chăm sóc đạt 5 - 6 kg/con bán với giá 60 nghìn đồng một kg, một năm nuôi 2 lứa, trừ chi phí thu lãi khoảng 40 triệu đồng.
Không chỉ phát triển nghề nuôi cá lồng, cá ao, từ nhiều năm nay người dân Minh Côi còn chuyển đổi diện tích ruộng một vụ sang thả cá mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay hầu hết các gia đình ở Minh Côi đều có ao hoặc lồng nuôi cá, nhà ít thì một sào, có nhà diện tích ao rộng 7 - 8 sào, cũng có nhà nuôi vài ba lồng cá. Con cá đã gắn bó với người dân Minh Côi và trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ