Phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Đắk Lang (Đắk Nông)
Ông Nguyễn Xuân Thường, Trưởng thôn Đắk Lang cho biết, từ năm 2012, nhận thấy nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại thu nhập khá nên một số hộ dân nơi đây đã trồng dâu nuôi tằm. Từ đó đến nay, diện tích trồng dâu trên địa bàn thôn đã tăng lên hàng chục ha.
Trước đây, các hộ này chỉ tận dụng công nhàn rỗi để nuôi tằm thì nay, bà con đã bố trí công lao động để nuôi thâm canh. Do vậy, nghề nuôi tằm đã trở thành nghề chính và mang lại thu nhập cao cho người dân trong thôn.
Là người đi đầu trong việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ở thôn Đắk Lang, gia đình ông Dương Văn Bản hiện có 0,5 ha dâu kết hợp nuôi tằm.
Ông Bản cho biết: Trước đây, tôi đã từng sống bằng nghề trồng nuôi tằm trên 10 năm tại tỉnh Lâm Đồng. Khi chuyển sang huyện Đắk Glong định cư, tôi thấy đất đai, khí hậu cũng phù hợp cho nghề này nên tiếp tục theo nghề. Thời gian đầu, đây chỉ là nghề mang lại thu nhập phụ và thường mỗi lứa tôi chỉ nuôi 1 hộp giống. Giờ có giống mới, cách nuôi cũng được cải tiến nhiều, trung bình mỗi ngày chỉ cần cho ăn 4 lần, trừ giai đoạn tằm ăn rỗi phải cho ăn nhiều hơn.
Hiện nay, ông Bản đã đầu tư xây mới lại nhà nuôi tằm với quy mô trên 70 m2 và đang chuyển dần giống dâu cũ sang giống dâu cao sản để nâng cao năng suất, chất lượng. Ông Bản cũng không ngừng cải tiến cách nuôi, từ nuôi tằm bằng nong chuyển sang nuôi trên sàn xi măng. Tằm giống sau khi mang về 4 ngày đầu được nuôi trên nong và 10 ngày sau nuôi tằm dưới nền nhà.
Hàng ngày, ông cắt cành dâu đậy lên trên, tằm sẽ tự bò lên ăn lá dâu, trung bình mỗi ngày cho ăn 4 lần. Theo ông Bản, áp dụng theo phương pháp nuôi này, tằm ít bị bệnh, lớn nhanh, giảm công chăm sóc, đồng thời rút ngắn thời gian nuôi nên thu hồi vốn nhanh. Sau khi nhặt kén, việc dọn vệ sinh cũng dễ dàng hơn.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hậu, một người nuôi tằm trong thôn, muốn nuôi tằm thì phải trồng dâu trước khi nuôi 6 tháng, phải chọn giống dâu cao sản như giống tam bội để nhanh được thu hoạch và đạt năng suất cao. Nghề trồng dâu nuôi tằm, vốn đầu tư ít và có thể tận dụng được công lao động.
Với 40 m2 nhà nuôi tằm và 0,5 ha dâu, mỗi tháng, gia đình bà có thể nuôi 2 lứa tằm, mỗi ngày bà chỉ mất khoảng 1 tiếng để cắt dâu cho tằm ăn, thời gian còn lại vẫn có thể làm rẫy bình thường. Theo tính toán của bà Hậu, 1 tháng, bà nuôi 2 lứa tằm (1,5 hộp/lứa), mỗi lứa cho thu hoạch 75 kg kén, vậy 2 lứa thu được 150 kg kén.
Với giá bán trên thị trường là 120.000 đồng/kg kén thì bà thu được 18 triệu đồng/tháng, trừ chi phí bà thu lời 15 triệu đồng/tháng. Như vậy, mỗi năm chỉ cần nuôi 11 tháng (đã trừ thời gian vệ sinh nhà nuôi sau mỗi lứa), bà Hậu thu về số lãi khoảng trên 150 triệu đồng/năm.
Theo bà con nơi đây thì khó khăn lớn nhất hiện nay đối với nghề nuôi tằm tại địa phương, đó là thị trường tiêu thụ kén còn nhiều khó khăn. Do đó, giá kén thường bị tư thương ép giá và tiêu thụ cũng không ổn định. Các hộ trồng dâu nuôi tằm thôn Đắk Lang hiện đang rất mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp xúc tiến ký hợp đồng tiêu thụ kén lâu dài cho nông dân trong thôn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ