Tin thủy sản Phát triển nuôi biển từ hình mẫu Na Uy

Phát triển nuôi biển từ hình mẫu Na Uy

Tác giả Phương Ngọc, ngày đăng 03/02/2020

Phát triển nuôi biển từ hình mẫu Na Uy

Nuôi biển đang là lĩnh vực rất được ngành thủy sản và cả nước quan tâm, đầu tư. Với quan điểm mới, lấy khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá, ngành hàng này đang được kỳ vọng có những đột phá mới, nhất là khi có sự hỗ trợ kinh nghiệm từ Na Uy.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi biển - Ảnh: ST

Định hướng trọng tâm

Với bờ biển dài trên 3.260 km và trên 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế biển, hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều eo vịnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề nuôi biển ở Việt Nam phát triển.

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, diện tích và sản lượng nuôi biển nước ta trong giai đoạn 2010 - 2018 đã có những bước phát triển đáng kể. Năm 2010, diện tích 38.880 ha, sản lượng 156.681 tấn; đến năm 2018 tương ứng là 258.156 ha và 431.600 tấn.

Theo ông Khôi, nghề nuôi biển của Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp như: Chính sách hỗ trợ và các văn bản quản lý hộ nuôi chưa thực sự được ưu đãi; quy hoạch nuôi chưa đạt hiệu quả; ít tiêu chuẩn, quy chuẩn; việc nuôi còn tự phát, thiếu quy hoạch, trình độ kỹ thuật chưa cao nên kém hiệu quả, để xảy ra ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, thiếu bền vững; sản xuất giống hạn chế; một số công nghệ chưa chủ động được; điều kiện tự nhiên khắc nghiệt; công nghệ lồng nuôi chưa đáp ứng…

Cũng theo ông Khôi, Việt Nam đã xây dựng chiến lược nuôi biển, đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi biển sẽ đạt 300.000 ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3, sản lượng đạt 1,75 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hải sản nuôi đạt 4 - 6 tỷ USD. Để làm được điều này, nghề nuôi biển nước ta cũng đã đặt ra những định hướng trọng tâm như: Phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ, quy hoạch và quản lý hiện đại; nuôi cả trên bờ, ven bờ, trên vùng biển xa bờ phát huy sự đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới; tích hợp nguồn lực kinh tế, kỹ thuật từ các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí chế tạo, du lịch, tự động hóa… với nuôi trồng và chế biển hải sản; hệ thống nuôi phải có công nghệ phù hợp, không gây hại cho hệ sinh thái, môi trường và bảo đảm phát triển bền vững; hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu; đẩy mạnh hợp tác quốc tế thu hút công nghệ tiên tiến, nguồn vốn và thị trường.

Kinh nghiệm quý báu từ nước bạn

Ông Erik Hempel, Hiệp hội khai thác Na Uy cho biết, hiện Na Uy là nhà sản xuất cá hồi nuôi lớn nhất thế giới với tổng sản lượng gần 1,4 triệu tấn, gồm tất cả các loài, tập trung nhất là cá hồi và cá trout. Đây là thành quả của một thời gian dài Na Uy triển khai đồng bộ những giải pháp trong phát triển ngành NTTS như: Thực hiện nghiêm túc Luật và quy định về NTTS, quy hoạch vùng bờ và cấp phép nuôi thủy sản; chia sẻ công việc giữa các cơ quan chức năng và ngành công nghiệp; nghiên cứu và phát triển công nghệ nuôi ngày càng hiện đại… 

Từ thành công của ngành cá hồi Na Uy, ông  Erik Hempel cho rằng, để phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp bền vững Việt Nam cũng cần xác định đối tượng nuôi. Ví dụ như Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng có cá chim vây vàng có thể xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường; hay tôm cũng là mặt hàng khá phổ biến, nhiều người nuôi. Một vấn đề quan trọng khác là phải xây dựng khung pháp lý để phát triển nuôi biển; phải có sự phối hợp, chia sẻ giữa các cơ quan chức năng với ngành công nghiệp nuôi biển. Ngoài ra, các yếu tố về công nghệ nuôi cũng rất quan trọng.

Ông Asbjørn Warvik Rørtveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Hội đồng thủy sản Na Uy cũng đã chia sẻ về xây dựng thương hiệu hải sản có nguồn gốc trên thị trường quốc tế của Na Uy. Theo ông Asbjørn Warvik Rørtveit: “Các thế hệ khách hàng tương lai sẽ rất khó tính. Họ không chỉ quan tâm tới chất lượng mà còn quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm có được nuôi trồng bền vững hữu cơ không, vì thế phát triển thương hiệu có ý nghĩa quan trọng”. “Biểu tượng của thủy sản Na Uy mang tính biểu trưng cho quốc gia chứ không phải cho từng sản phẩm cụ thể. Điều đó chứng tỏ chúng tôi đặc biệt chú trọng tới yếu tố nguồn gốc xuất xứ; điều này được xây dựng bởi nhiều yếu tố như thiên nhiên, con người, công nghệ và tính bền vững”, ông Asbjørn Warvik Rørtveit nói thêm. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, các công nghệ, kinh nghiệm và giải pháp phát triển nuôi biển ở Na Uy là bài học, thông tin quý báu để Bộ NN&PTNT và các cơ quan hữu quan nghiên cứu áp dụng. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục được hợp tác với các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp của Na Uy thông qua Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam trong quá trình phát triển nuôi biển công nghiệp và các lĩnh vực khác của ngành thủy sản như khai thác, đóng tàu, nuôi trồng, chế biến… 

Đồng thời nhấn mạnh, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các địa phương xây dựng để khi triển khai nuôi theo đúng quy hoạch, đúng đối tượng, đúng các vùng được khảo sát, đánh giá, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, khẳng định Na Uy đã đúc kết được những bài học thực tế trong câu chuyện phát triển bền vững ngành công nghiệp cá hồi và sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam; qua đó góp phần bảo vệ đại dương và giảm thiểu các rủi ro biến đổi khí hậu, phát triển bền vững ngành thủy sản và nuôi trồng thủy sản.


Phấn ong - Cải thiện màu sắc cá hồi Phấn ong - Cải thiện màu sắc cá… Bangladesh lên kế hoạch xuất khẩu mạnh tôm sú Bangladesh lên kế hoạch xuất khẩu mạnh tôm…