Tin thủy sản Phát triển nuôi tôm bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm

Phát triển nuôi tôm bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm

Author Ngọc Thúy - FICen, publish date Tuesday. July 17th, 2018

Phát triển nuôi tôm bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm

Để ngành tôm phát triển hiệu quả và bền vững, Việt Nam đang tích cực tuyên truyền cho các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm xây dựng chuỗi sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, nhân rộng mô hình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng nguồn tôm sạch, chất lượng, an toàn.

Ảnh minh họa

Cuối tháng 4/2018, tại "Hội thảo Phát triển Nuôi tôm Bền vững" được tổ chức tại Bạc Liêu, một số giải pháp đã được đưa ra, đó là: Lựa chọn tôm giống sạch bệnh, có chất lượng; Kiểm tra ao nuôi trước thả giống; Thiết lập hệ vi sinh - tảo cân bằng trước khi thả giống và duy trì suốt vụ nuôi; Thực hiện ương tôm, nuôi 2 giai đoạn; Bổ sung sản phẩm vi sinh đường ruột, thức ăn ngừa bệnh. Trong đó, sử dụng các sản phẩm có chứa dòng vi khuẩn Bacillus được đánh giá là có tiềm năng lớn giúp tăng khả năng chống lại vi khuẩn gây bệnh.

Một số vấn đề chính trong nuôi tôm hiện nay: Phát triển tôm bố mẹ, chủ động sản xuất tôm giống, ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh, áp dụng tiến bộ khoa học, ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết sản xuất...

Để ngành tôm phát triển hiệu quả và bền vững, cần đảm bảo tôm giống sạch bệnh; Phát triển tôm công nghiệp, thâm canh nhưng chú ý đến vấn đề môi trường, cần có những chế tài xử phạt để phát triển hiệu quả; Nuôi tôm sinh thái, quảng canh cải tiến cần được xây dựng là một trong những định hướng ưu tiên trong phát triển tôm Việt Nam.

Một số mô hình nuôi tôm bền vững đang được áp dụng tại Việt Nam

Nam Định: Phát triển nuôi tôm bền vững bằng công nghệ vi sinh

Tôm là một trong những đối tượng nuôi mặn lợ chủ lực của Nam Định. Tuy nhiên, nhiều năm lại đây, người nuôi tôm (nhất là nuôi công nghiệp, thâm canh bán công nghiệp) vẫn gặp rủi ro, thách thức vì dịch bệnh, biến đổi môi trường… Dịch bệnh xảy ra tại Nam Định chủ yếu do các hộ nuôi tôm chưa chú trọng lựa chọn con giống chất lượng, mua tôm giống trôi nổi, không đảm bảo; một bộ phận người nuôi còn thiếu ý thức, xả trực tiếp nước thải, nước trong ao nuôi bị nhiễm bệnh ra môi trường bên ngoài, ảnh hưởng chung đến vùng nuôi khiến dịch bệnh lây lan mạnh, khó kiểm soát. Vì vậy, nuôi tôm bằng vi sinh, chế phẩm sinh học và áp dụng khoa học kỹ thuật được nhiều hộ nuôi lựa chọn.

Tiêu biểu trong việc tích cực tiếp nhận và triển khai có hiệu quả công nghệ nuôi sinh học của các hộ nuôi có thể kể đến các mô hình nuôi tôm bền vững tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Nông trường Bạch Long (Giao Thủy), xã Hải Triều (Hải Hậu), Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Mô hình được Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (USAID) tài trợ từ năm 2017 sau khi kết hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định khảo sát, đánh giá hiện trạng nuôi tôm của người dân còn nhiều bất cập.

So với mô hình nuôi tôm truyền thống thì mô hình nuôi tôm bền vững thuộc Dự án USAID hỗ trợ với nhiều ưu điểm như: Chỉ sử dụng chế phẩm vi sinh, hạn chế sử dụng hóa chất để đảm bảo sản phẩm không có tồn dư hóa chất, kháng sinh gây hại cho người sử dụng. Đặc biệt, các hộ nuôi phải bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào như nguồn nước sử dụng trong quá trình nuôi, thức ăn, con giống nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, bảo đảm yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc của sản phẩm.

Tại Nông trường Bạch Long, các hộ tham gia thực hiện mô hình nuôi tôm bền vững theo công nghệ vi sinh sẽ được hỗ trợ một phần chế phẩm vi sinh và được đội ngũ kỹ sư thủy sản hướng dẫn kỹ thuật nuôi theo công nghệ vi sinh. Mô hình thực hiện nuôi xen canh tôm chân trắng kết hợp với các loại cá nước ngọt như cá điêu hồng, trắm đen, trắm cỏ… Do hạn chế sử dụng kháng sinh và hóa chất nên sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, tiêu thụ ổn định tại các thị trường. 

Nuôi xen canh tôm chân trắng với các đối tượng cá nước ngọt thì các đối tượng sẽ hỗ trợ lẫn nhau để phát triển tốt, giảm thiểu dịch bệnh, môi trường nuôi cũng sạch hơn vì nếu tôm bị dịch bệnh, yếu thì cá sẽ tiêu diệt ngay con tôm bệnh khiến dịch bệnh không thể lan rộng. Bên cạnh đó, thức ăn thừa của tôm và chất thải cũng sẽ được các loại cá dọn sạch giúp đảm bảo môi trường nước. Ngoài ra, các cán bộ kỹ thuật thủy sản thường xuyên hỗ trợ, theo dõi tình hình phát triển của các mô hình, hướng dẫn các cách thức phòng, chống bệnh cho tôm, cá và các quy trình, kỹ thuật cải tạo ao nên người nuôi cũng yên tâm hơn rất nhiều.

Với những ưu điểm mà mô hình mang lại, người nuôi tôm có thể đạt hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với hình thức nuôi tôm truyền thống. So với trước kia, hiệu quả kinh tế đã tăng gấp 2 lần. Chính vì vậy, từ con số 30 hộ tham gia Dự án ban đầu, đến nay đã có thêm khoảng 70 hộ chủ động tham gia, nhân rộng mô hình.

Mô hình nuôi tôm bền vững theo công nghệ vi sinh bước đầu đã có những thành công nhất định, khẳng định được hiệu quả giảm thiểu rủi ro do thời tiết, dịch bệnh gây nên, tạo được sự tin tưởng cho người dân. Quan trọng hơn là mô hình giúp người nuôi yên tâm về sinh kế trước tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời cũng nâng cao ý thức chủ động ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, môi trường toàn cầu.

Để nghề nuôi tôm phát triển hiệu quả và lâu dài, các cơ quan chức năng và địa phương cần tăng cường công tác quản lý quy hoạch vùng nuôi tôm; tăng cường kiểm tra, rà soát các cơ sở nuôi tôm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật; vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia nuôi tôm trong vùng nuôi tập trung, thành lập các tổ hợp tác, hội nghề nghiệp… để cùng liên kết phát triển.

Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về quản lý giống tôm chân trắng, các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, chế phẩm sinh học dùng trong hoạt động nuôi trồng thủy sản. Có như vậy, nghề nuôi tôm mới tương xứng vị trí là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh Nam Định.

Sóc Trăng: Nuôi tôm "sạch" đem lại hiệu quả cao và bền vững

Trước những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng của thị trường xuất khẩu, tỉnh Sóc Trăng đã khuyến khích và tăng cường hỗ trợ người dân triển khai nhiều mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, tôm sinh thái chất lượng cao để nâng giá trị sản phẩm; Trong đó, đặc biệt chú trọng mở rộng mô hình nuôi tôm nước lợ theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu để phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.

Khi nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, các bước tiến hành xuống giống, cải tạo đất, lượng thức ăn sử dụng... phải đúng với quy trình và phải ghi chép đầy đủ. Nuôi tôm "sạch" đem lại nhiều ưu việt. Đầu tiên là vệ sinh an toàn thực phẩm để người tiêu dùng được sử dụng thức ăn có lợi cho sức khỏe. Cùng đó là bảo vệ môi trường, giúp hoạt động nuôi tôm được bền vững, lâu dài; hạn chế và kiểm soát được dịch bệnh. Đặc biệt, sản phẩm bán với giá cao hơn.

Nhân rộng mô hình theo hướng bền vững

Xác định tôm nước lợ là thủy sản chủ lực, với trên 40.000 ha diện tích, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như quản lý vùng nuôi, hỗ trợ vốn sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình liên kết chuỗi và xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, thủy lợi, giống nuôi, nhân rộng mô hình chuẩn VietGAP. Hàng năm, tỉnh hỗ trợ kinh phí tuyên truyền và xây dựng mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Cùng với những mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, Sóc Trăng đã mời đoàn chuyên gia Nhật Bản sang trao đổi về mô hình nuôi tôm bằng công nghệ mới. Theo đó, người nuôi tôm chỉ cần dùng vi sinh dạng nước cho vào ao nuôi mà không cần cho tôm ăn thức ăn, không sử dụng quạt oxy như cách nuôi thông thường. Với 1 ha chỉ cần khoảng 100 lít nước vi sinh; Nước trong ao có thể dùng nuôi liên tục 4 đợt/năm. Mô hình này đã được trường Đại học Tokyo nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm từ nhiều năm nay, cho kết quả khả quan. Cứ 1 ha ao nuôi thu về 70.000 USD, lợi nhuận 45.000 USD, cao gấp 3 lần so với nuôi tôm thông thường.

Rất nhiều mô hình nuôi tôm an toàn khác cũng đang được tỉnh Sóc Trăng quan tâm, nghiên cứu áp dụng và nhân rộng vì đạt hiệu quả tốt như: dự án “Lúa thơm - Tôm sạch” ở vùng tôm lúa Sóc Trăng, mô hình nuôi tôm sinh thái bền vững.

Việc nhân rộng mô hình nuôi tôm nước lợ theo tiêu chuẩn VietGAP, tôm sạch, tôm an toàn vệ sinh thực phẩm đang đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và các hộ nuôi trong việc xây dựng chuỗi sản xuất. Đây là yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu tôm Việt Nam trước những yêu cầu cao của thị trường.


Ngỡ ngàng với mô hình cho chạch quê sinh sản thành công Ngỡ ngàng với mô hình cho chạch quê… Chế phẩm Sinh học (men vi sinh) trong nuôi trồng thủy sản Chế phẩm Sinh học (men vi sinh) trong…