Phát Triển Rộng Các Mô Hình Tôm - Lúa
Từ năm 2008, ở Bến Tre, mô hình xen canh tôm - lúa bắt đầu nhen nhóm và rồi mang lại hiệu quả cao, dần dần phát triển thành phong trào. Ở huyện Thạnh Phú, trong số 16.600 ha diện tích nuôi thủy sản thì có đến 6.000 ha nuôi xen canh và luân canh tôm - lúa. Phong trào này phát triển mạnh ở các xã tiểu vùng 2 như An Thuận, An Thạnh, An Quy, An Nhơn, Mỹ An, An Điền và một số xã tiểu vùng 3 như Giao Thạnh, Thạnh Phong, Thạnh Hải…
Từ chỗ điêu đứng vì phong trào nuôi tôm thâm canh, nông dân như vớ được phao khi chuyển sang mô hình luân canh và xen canh tôm - lúa. Nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu khi có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chúng tôi đến Mỹ An, một trong những xã phát triển mạnh mô hình lúa - tôm. Câu chuyện con tôm càng xanh xen canh với cây lúa trung vụ là đề tài luôn được bà con nông dân nơi đây quan tâm. Ông Nguyễn Văn Bạn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, xã Mỹ An có trên 1.560 ha sản xuất theo mô hình tôm - lúa. Mỗi năm, nông dân thả nuôi 1 vụ tôm và 1 vụ tôm xen lúa. Từ tháng 11, bà con thả vụ tôm đầu và thu hoạch vào cuối tháng 4 dương lịch. Sau đó, tiếp tục thả vụ thứ 2 vào tháng 5 hoặc tháng 6, kết hợp với cấy lúa trung vụ.
Do phát triển tốt ở môi trường nước có độ mặn từ 0 đến 12 phần ngàn, nên bà con nông dân thả nuôi tôm càng xanh kết hợp với tôm sú, nuôi với mật độ thấp từ 3 - 5 con/m2, tôm lớn nhanh và cho hiệu quả cao. Năng suất tôm càng xanh bình quân đạt trên 130 kg/ha. Đối với cây lúa, nông dân cấy sạ những giống lúa trung vụ có thời gian sinh trưởng từ 120 - 125 ngày cho năng suất cao như OM 1348, OM 1350, OM 1352, AS 996… năng suất lúa trung vụ đạt từ 5,5 đến 6 tấn/ha. Riêng ấp Thạnh Mỹ, xã Mỹ An có 520 hộ nuôi tôm xen lúa với diện tích 665 ha. Hàng năm, bà con nông dân thu lợi nhuận trên 3,5 tỷ đồng.
Hộ anh Nguyễn Văn Nghĩa, ở ấp Thạnh Mỹ, xã Mỹ An đã phát triển mô hình nuôi tôm xen canh với cây lúa từ năm 2008. Anh cho biết, trước đây, với 1,5 ha đất sản xuất lúa 1 vụ, nhưng rất bấp bênh. Từ khi chuyển sang mô hình nuôi tôm càng xanh và tôm sú xen canh với cây lúa, liên tục trong các năm qua, cả tôm và lúa đều trúng nên gia đình anh thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng/năm. Năm nay, sau khi thu hoạch vụ tôm đầu, anh thu được 120 triệu đồng. Hiện tại, anh tiếp tục thả tôm và chuẩn bị cấy lúa để thu hoạch vào tháng 12. Không chỉ gia đình anh Nguyễn Văn Nghĩa trúng tôm mà các hộ khác như hộ ông Phạm Văn Rái với 3,5 ha, hộ ông Nguyễn Văn Tiến với 2 ha đã thu hoạch tôm vụ đầu với tổng số tiền 400 triệu đồng. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần thành công trong mô hình sản xuất tôm xen lúa là yếu tố kỹ thuật. Bởi vì, cùng lúc, bà con nông dân phải lồng ghép 2 quy trình sản xuất tôm và lúa, đặc biệt, trong canh tác lúa, bà con không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì thế, lúa thương phẩm ở vùng tôm - lúa là lúa sạch nên giá bán cao hơn.
Trong quá trình sản xuất, bà con nông dân đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm hạ giá thành sản phẩm. Một trong các sáng kiến đó là tự chế biến thức ăn dạng viên cho tôm. Từ đó, bà con điều tiết thức ăn cho phù hợp. Cách tự chế biến thức ăn này đã giảm được 1/3 chi phí so với mua thức ăn công nghiệp. Mô hình nuôi xen canh và luân canh tôm - lúa đã trở nên phù hợp trong bối cảnh có nhiều thách thức, khó khăn là điều đáng mừng. Mặt khác, đây cũng chính là mô hình thiết thực và hiệu quả trong công tác giảm nghèo ở các địa phương vùng mặn và lợ của tỉnh Bến Tre
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ