Mô hình kinh tế Phát triển thương hiệu trứng vịt biển Tân Bình

Phát triển thương hiệu trứng vịt biển Tân Bình

Ngày đăng 10/11/2015

Phát triển thương hiệu trứng vịt biển Tân Bình

Vịt nuôi ở đây ăn nguồn thức ăn tự nhiên rất dồi dào như cáy, cua nhỏ, ốc, tép... cho trứng to hơn bình thường và có vị đậm đặc trưng. Vì vậy, trứng vịt biển đã được chọn là sản phẩm OCOP của Tân Bình.

Vệ sinh trứng vịt biển trước khi đóng hộp xuất bán tại HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Tân Hải (xã Tân Bình, Đầm Hà).

Nuôi vịt biển đẻ trứng hiện nay ở Tân Bình do các xã viên HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Tân Hải đảm nhiệm với số lượng không nhiều.

HTX này có 15 thành viên nhưng chỉ còn 2 hộ nuôi vịt biển đẻ trứng với số lượng 1.200 con và hàng ngày cho khoảng 950 quả trứng.

Anh Hoàng Văn Tuấn, Phó Chủ nhiệm HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Tân Hải cho biết: "Các thành viên trong HTX nuôi tôm là chủ yếu.

Trước đây cả 15 hộ này đều nuôi vịt biển đẻ trứng với khoảng 4.000 con và thu được hàng ngày hơn 3.000 quả trứng.

Thế nhưng do trứng không tiêu thụ được, nên các hộ chuyển sang nuôi tôm tiêu thụ dễ hơn, có lãi hơn".

Cũng theo anh Tuấn, HTX hướng người nông dân chuyển sang vật nuôi khác trước mắt là để tăng thêm thu nhập, sau đó là để chờ thời, bởi trứng vịt biển Tân Bình là sản phẩm OCOP nên chất lượng trứng được đặt lên hàng đầu.

Người nông dân có ít vốn, phần lớn họ phải đi vay và trả lãi hàng tháng, nên bà con thường làm các sản phẩm có lãi ngay để kịp thời thu lãi và gốc.

Nếu như bà con tiếp tục duy trì mô hình này, họ sẽ tìm cách cho vịt ăn các loại thức ăn kém chất lượng để có trứng vịt rẻ hơn với mục đích tiêu thụ dễ hơn, do đó ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm OCOP này.

Theo phân tích của anh Tuấn, để nuôi vịt, ngoài việc để chúng tự đi kiếm ăn, người nông dân còn phải cho vịt ăn thóc.

Hiện nay sản phẩm trứng đã được HTX đóng hộp, đăng ký mẫu mã, nhãn hiệu để đưa ra thị trường, thêm những chi phí này đội giá trứng vịt lên hơn 4.500 đồng/quả, không dễ tiêu thụ ở vùng nông thôn Đầm Hà.

HTX đã đưa trứng đi tiếp thị ở các chợ thành phố trên địa bàn tỉnh nhưng cũng chưa được bao nhiêu.

Trước đây, khách hàng lớn tiêu thụ trứng là BigC Hạ Long, nhưng khi sản phẩm được đóng hộp có nhãn hiệu theo yêu cầu thì đơn vị lại đã nhận lời mua trứng ở nơi khác.

HTX cũng đã được giới thiệu với doanh nghiệp của Nhật Bản và nhận được đơn hàng tiêu thụ tới 10.000 trứng vịt biển/ngày.

Song, HTX đành từ chối vì để đáp ứng được số lượng lớn trứng như yêu cầu, HTX phải tăng số hộ với số vịt nuôi lên khoảng 13.000 con, kéo theo đó là một số vốn lớn và khoảng thời gian vài năm.

Thế nhưng, không ai có thể đảm bảo rằng doanh nghiệp Nhật Bản kia sẽ chờ cho đến khi số trứng được đáp ứng đủ, hay họ sẽ tìm bạn hàng khác giống như BigC...

Từ tháng 5-2014, Đầm Hà đã thành lập Ban Điều hành Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) của huyện, từ đó xây dựng kế hoạch tổng thể; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện chương trình ở các xã, thị trấn; tham mưu phân bổ nguồn lực ngân sách cho các xã, thị trấn các dự án trong quá trình triển khai chương trình OCOP.

Đồng thời, phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX tổ chức xây dựng, quản lý bán hàng tại Trung tâm OCOP của tỉnh và gian hàng OCOP của huyện.

Ban cũng đã tích cực vào cuộc giúp HTX đem trứng vịt biển đi tiếp thị ở Lễ hội hoa anh đào, Hội chợ OCOP tỉnh và mới đây nhất là đưa sản phẩm đi tiếp thị tại Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Quảng Ninh 2010-2015 và giới thiệu sản phẩm OCOP chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020.

Qua những dịp này, sản phẩm trứng vịt biển của địa phương đều được khách hàng rất tin dùng.

Tuy thế, đầu ra ổn định cho các sản phẩm OCOP của Đầm Hà vẫn là một vấn đề nan giải.

Anh Đoàn Văn Thành, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, người trực tiếp phụ trách Chương trình OCOP của Đầm Hà cho biết: Để sản phẩm có đầu ra ổn định cần sự cố gắng rất lớn của chính những người trực tiếp làm ra sản phẩm và sự hỗ trợ hơn nữa của các đơn vị chức năng.

HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Tân Hải cũng buộc phải có hướng đầu tư lớn về phát triển đàn vịt để có được bạn hàng lớn, nếu không họ lại tiếp tục mất đi các cơ hội.

Tuy nhiên, để có các bạn hàng lớn cần có các bạn hàng nhỏ theo thế "lấy ngắn nuôi dài"...


Hai mô hình sáng tạo trong nông nghiệp Hai mô hình sáng tạo trong nông nghiệp Những lão nông nuôi hươu Những lão nông nuôi hươu