Phát Triển Thủy Sản Trong Mùa Mưa
Thủy sản được đánh giá là một trong những lợi thế góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, phát triển kinh tế hộ. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nguồn lợi này thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lũ, dịch bệnh. Vì vậy, người nuôi thủy sản cần chủ động các biện pháp đối phó để nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững, hiệu quả.
Trắng tay sau lũ
Sau những trận mưa dồn dập do ảnh hưởng của bão số 2 vào cuối tháng 7 vừa qua, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, gần 90ha ao hồ nuôi thủy sản bị tràn, vỡ, thiệt hại trên chục tỷ đồng.
Trong đó, huyện Tuần Giáo - vùng “rốn” lũ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi có tới hơn 32ha ao nuôi thủy sản của người dân bị lũ cuốn trôi. Trong căn nhà sàn nằm sát mép bờ ao, ông Cà Văn Pó, bản Nà Sáy 1, xã Nà Sáy cho biết: Mưa lớn tràn gần 3.000m2 ao thả cá, khiến toàn bộ cá nuôi trong ao trôi theo dòng nước lũ. Hơn chục triệu đồng vay ngân hàng mua cá giống thả đợt đầu tháng 5 đã theo lũ dữ ra đi.
Giờ gia đình tôi chưa biết trông gì để trả lãi ngân hàng chứ chưa nói đến trả gốc. Thả lứa cá này, gia đình tôi hy vọng cuối năm sẽ thu hoạch, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Giờ cá trôi theo nước lũ, bờ ao vỡ lở, lấy gì để trông!
Cũng như gia đình ông Cà Văn Pó, gia đình ông Lò Văn Sơn, Trưởng bản Cón (xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo) cho biết: Tôi thuê lại hơn 1ha đất đấu thầu 5% của xã để cải tạo ao nuôi cá, cuối tháng 4 vừa qua, gia đình tôi đầu tư hơn chục triệu đồng mua cá giống, thức ăn nuôi cá. Bất ngờ lúc dữ đổ về, gần 15 mét bờ ao vỡ toang, cá bị lũ cuốn trôi.
Thiệt hại tiền con giống, thức ăn đã đành, nhưng cả đoạn bờ ao vỡ, sỏi đá tràn về, đến nay, chúng tôi cũng chưa thể cải tạo ao để nuôi thả cá.
Giờ là mùa mưa nên việc vệ sinh môi trường ao nuôi gặp khó khăn. Có nhanh thì đến cuối năm chúng tôi mới có thể cải tạo ao, thả lứa cá mới. Theo nhẩm tính của ông Sơn, tổng công chăm sóc, mua giống, thức ăn thiệt hại trên 30 triệu đồng. Còn tiền thuê đất 2,8 triệu đồng/năm của xã năm 2014 cũng chưa biết trông vào đâu để trả!
Chủ động bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Theo bà Chu Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Chăn nuôi, thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Mùa mưa ở tỉnh ta bắt đầu từ tháng 5 cho đến cuối tháng 9 khiến việc nuôi thủy sản gặp khó khăn trong việc bảo vệ và chăm sóc, do môi trường bị biến động.
Cùng với đó, các trận mưa lớn liên tiếp xảy ra nếu không có biện pháp ngăn ao, hồ, rào chắn dễ gây hiện tượng thủy sản tràn bờ, gây thiệt hại cho người nuôi. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.950ha mặt nước ao, hồ nuôi thả thủy sản, sản lượng khai thác hàng năm hơn 200 tấn.
Với tiềm năng trên, nếu biết cách nuôi trồng và khai thác, chúng ta có thể biến nuôi trồng thủy sản thành hướng đi phát triển kinh tế hiệu quả. Để phát triển thủy sản bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương hướng dẫn các gia đình nuôi thủy sản xây dựng phương án chuẩn bị phòng chống thiệt hại khi mùa mưa đến.
Ngoài các biện pháp kỹ thuật gia cố ao, hồ, chuẩn bị lưới vây xung quanh…, chúng tôi còn khuyến khích bà con ương giống sớm và thu hoạch trước mùa mưa. Đối với trường hợp thu hoạch thủy sản vào mùa mưa, các gia đình nên vây lưới xung quanh ao, hồ, đảm bảo cho thủy sản không lọt ra ngoài qua mắt lưới.
Nhằm giảm thiểu tổn thất bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong mùa mưa, cùng với việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc phòng tránh, chính quyền địa phương cần thông báo kịp thời tình hình mưa lũ đến những người dân, nhất là các hộ nuôi thủy sản để bà con sớm có phương án bảo vệ thủy sản. Trên cơ sở hướng dẫn và thông báo kịp thời từ chính quyền địa phương, các hộ nuôi trồng thủy sản cần tích cực kiểm tra, tu sửa, gia cố ao, hồ, chuẩn bị lưới mắt cáo để rào quanh ao trước khi mưa lũ xảy ra.
Ông Trần Văn Yên, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thanh Chăn (huyện Điện Biên) cho biết: Toàn hợp tác xã có hơn chục héc ta ao nuôi thủy sản, chủ yếu là nuôi thủy sản thương phẩm.
Để phát triển thủy sản ổn định, bền vững, nhất là trong mùa mưa, chúng tôi chú trọng khâu xử lý môi trường nước, các biện pháp kỹ thuật phòng bệnh cho cá hạn chế thấp nhất tình trạng dịch bệnh lây lan, xã viên cùng nhau kiên cố hệ thống bờ, kè và chuẩn bị lưới vây xung quanh ao. Nhờ đó, nhiều năm qua, cá phát triển ít dịch bệnh, mưa lớn cũng không sợ tràn, vỡ ao, cá trôi theo dòng nước lũ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ