Tin thủy sản Phát triển thủy sản Việt Nam: Xử lý 2 điểm yếu cốt tử

Phát triển thủy sản Việt Nam: Xử lý 2 điểm yếu cốt tử

Tác giả Thanh Xuân, ngày đăng 29/12/2015

Phát triển thủy sản Việt Nam: Xử lý 2 điểm yếu cốt tử

Xuất khẩu thuỷ sản giảm hơn 14%

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NNPTNT), ước cả năm, tổng sản lượng thuỷ sản đạt hơn 6,5 triệu tấn, bao gồm sản lượng khai thác hơn 3 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt hơn 3,5 triệu tấn.

Với tổng diện tích nuôi trồng gần 1,3 triệu ha, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng hơn 6,7 tỷ USD, giảm 14,3% so với năm 2014 và 10,4% so với mục tiêu đặt ra của năm 2015.

Bà  Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản đánh giá, mặc dù năm 2014, tình hình sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên nếu tính chung giai đoạn 2011-2015, ngành thuỷ sản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch 5 năm của cả giai đoạn.

Cụ thể, tổng sản lượng thuỷ sản đạt mức tăng trung bình 3,8%/năm, cao hơn 9,3% so với kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tăng trung bình 2,4%/năm.

“Các nước sản xuất tôm đã khôi phục lại sản xuất sau giai đoạn bị dịch bệnh, tạo sức cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm tôm của Việt Nam.

Mức thuế chống bán phá giá đối với cá tra tại thị trường Mỹ chưa có dấu hiệu thay đổi theo hướng tích cực hơn, thậm chí kết quả rà soát POR10 còn cao hơn giai đoạn trước” - bà Nguyệt nói.

Theo nhận định của Tổng cục Thuỷ sản, dù đã đạt được những kết quả khả quan nhưng ngành thuỷ sản vẫn còn nhiều tồn tại ở cả 2 mảng khai thác và nuôi trồng.

Hiện có tình trạng khai thác quá mức, cạn kiệt tài nguyên, do công nghệ lạc hậu, thất thoát sau thu hoạch lớn, bảo quản kém dẫn tới giá trị không cao; chất lượng sản phẩm thuỷ sản cả trong khai thác và nuôi trồng chưa ổn định; tồn dư kháng sinh còn cao, nhất là trong tôm nuôi nước lợ chưa kiểm soát tốt, nguy cơ bị rào cản thị trường xuất khẩu gia tăng...

Hướng tới hiệu quả và bền vững

Ông Nguyễn Quang Hùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản cho biết, hiện cả nước đã có 113.000 tàu, trong đó có 31.000 tàu có công suất từ 90 CV trở lên.

Tuy nhiên, số tàu khai thác nghề lưới kéo hiệu còn rất lớn, lên tới 12.500 tàu.

“Theo nghiên cứu trước đây, Việt Nam có khoảng 12.000 loài hải sản nhưng một báo cáo đang tiến hành nghiên cứu, số loài hải sản đã giảm đáng kể, cần phải tính tới khai thác theo hướng bền vững.

Nếu so với quy hoạch đến 2020, số tàu đạt đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó đặc biệt phải cơ cấu lại nghề khai thác theo hướng giảm, thậm chí là chấm dứt các nghề đánh bắt kiểu tận diệt như nghề lưới kéo để vừa khai thác, vừa bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản”- ông Hùng nói.

Ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y nhận định, năm 2015 thiệt hại từ nuôi trồng thuỷ sản ngoài dịch bệnh thì nguyên nhân từ môi trường bị ô nhiễm chiếm tới 69%.  Dự báo, năm 2016 bệnh vi bào tử trùng (EHP) (gây chậm lớn ở tôm) sẽ tiếp tục phát triển mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, hiện ngành thuỷ sản đang có 2 vấn đề lớn cần phải giải quyết là khả năng cạnh tranh và tính bền vững.

Phải hướng tới nâng cao giá thành và chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và cả khai thác, nuôi trồng đều phải tính đến tính hiệu quả, bền vững, nếu không làm được thì thuỷ sản sẽ tiếp tục thụt lùi. 

Ông Nguyễn Văn Trung – Vụ trưởng Vụ khai thác thuỷ sản Phải quản lý theo hạn ngạch

Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020, đóng mới tàu khai thác xa bờ cả theo Nghị định 67 và không theo 67 chỉ còn 1.500 tàu.

Chúng tôi đề xuất, phải quản lý theo hạn ngạch đối với số lượng tàu đóng mới và theo nghề nghiệp đăng ký.

Ông Dương Tiến Thể - Phó Cục trưởng Cục Thú y: Ưu tiên phát triển tôm sú

Mặt hàng tôm sú tuy nuôi năng suất không cao, chỉ đạt từ 3- 5 tạ/ha, nhưng rủi ro lại không cao, ít dịch bệnh và hầu như rất ít có nước nuôi được tôm sú.

Với kích thước của tôm sú cỡ lớn, nhiều thị trường ưa chuộng, ít dịch bệnh, đã đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân trong năm 2015 vừa qua sẽ là hướng cần được ưu tiên trong những năm tiếp theo.

Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia: Quản lý tốt khâu giống

Khâu con giống hết sức quan trọng nhưng vấn đề quản lý con giống cũng chưa tốt, nếu chỉ riêng lực lượng quản lý thủy sản ở địa phương là không thể làm được.

Đối với tôm nước lợ, con giống hiện chưa được kiểm soát tốt từ kích cỡ khi bán ra cho đến chất lượng.

Đặc biệt, đối với giống thuỷ sản nước ngọt, tôi có tới trung tâm thuỷ sản ở Thái Bình, Sơn La, Hà Giang… toàn những tỉnh được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng hầu như không sản xuất được con giống, rất lãng phí.


Xuất khẩu tôm sú trở lại Trung Quốc Xuất khẩu tôm sú trở lại Trung Quốc Bí quyết khai thác ghẹ bằng lồng bẫy Bí quyết khai thác ghẹ bằng lồng bẫy