Phía sau những ao tôm tiền tỷ
Sau mỗi kỳ thu hoạch tôm thẻ chân trắng, ốc hương thì danh tính của những "chủ hồ tiền tỷ" được người dân khắp nơi bàn tán, ngưỡng mộ và ao ước! Nhưng, nhiều người không biết rằng, phía sau con số "lãi tiền tỷ" ấy là những ngổn ngang lo toan, thậm chí có chủ hồ còn "cược" cả cuộc sống và tương lai của gia đình vào những ao tôm, đìa ốc...
"May mà gia đình này vẫn còn"
Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Nguyễn Văn, ở thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức), chỉ gói gọn: “May mắn là tôi không đánh mất gia đình vì... con tôm!”. Xuất phát từ nghề xây dựng, năm 1999 - 2000 ông Văn được người dân các xã ven biển huyện Mộ Đức thuê san lấp mặt bằng, đắp bờ làm hồ nuôi tôm thẻ chân trắng.
Thời điểm ấy, người dân nuôi đâu trúng đấy, lợi nhuận mỗi hồ lên đến 200 - 500 triệu đồng chỉ sau 3 tháng, nên doanh thu mỗi năm đạt 1 - 2 tỷ đồng là chuyện thường! Nhận thấy việc kiếm tiền từ con tôm quá dễ, nên sẵn phương tiện máy móc, ông Văn cũng nhập cuộc vào phong trào thuê đất xây hồ nuôi tôm. Giai đoạn 2001 - 2007 được xem là thời “hoàng kim” của những chủ hồ tôm như ông Văn. Nhờ con tôm, mà những căn nhà cao tầng hiện đại và tiện nghi, ô tô xịn xuất hiện ngày càng nhiều ở các xã ven biển. Trong đó thôn Thạch Thang, xã Đức Phong từng được người dân trong, ngoài huyện Mộ Đức ngưỡng mộ ví là "làng tỷ phú".
Cuối năm 2007, dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, nhưng vì đang “say” tôm, ông Văn cũng như nhiều chủ hồ không quá lo lắng. Con tôm dịch bệnh rải rác, nhưng giá bán cao, nên diện tích hồ tôm vẫn liên tục được mở rộng. Tuy nhiên, từ năm 2011, dịch bệnh bùng phát và lây lan mạnh, cộng với giá bán giảm, nên ông Văn “vỡ trận” khi gần 20 hồ tôm liên tục rơi vào cảnh “thu không đủ chi”. Càng bám víu vào con tôm, kinh tế gia đình ông Văn càng kiệt quệ, số nợ lên đến hàng chục tỷ đồng.
Cùng tâm trạng với ông Văn, ông Trịnh Công Vương, xã Phổ An (TX.Đức Phổ) cũng từng chạm bước đường cùng, vì vướng nợ nuôi tôm. “Nếu vụ tôm suôn sẻ, không dịch bệnh, được giá thì chủ hồ cũng được lãi cao hơn việc trồng lúa, nuôi heo. Nhưng nếu thất bại thì nợ nần, thậm chí phải bán xe, thế chấp nhà. Bởi chi phí đầu tư nuôi tôm rất lớn, chứ không hấp dẫn như mọi người nghĩ”, ông Vương cho biết. Hơn 15 năm trước, ông Vương không suy nghĩ được như vậy, luôn kỳ vọng “một vụ trúng bù hai vụ lỗ”, nên lao vào đầu tư mở rộng diện tích hồ tôm. Nhưng liên tục từ năm 2011 đến 2018, tôm không chết vì dịch thì cũng rơi vào cảnh được mùa mất giá. Nợ nần chồng chất, gia đình rơi vào cảnh thiếu trước, hụt sau. “Ngân hàng xiết nợ, bạn hàng quay lưng, gia đình túng quẫn, nên tôi đã từng nghĩ đến chuyện dại dột. Rất may, dù mất tất cả, nhưng tôi vẫn còn được gia đình”, ông Vương nhớ lại.
“Nuôi tôm, ốc hương là nghề một vốn bốn lãi. Nhưng vốn phải bỏ xuống hồ nước, có thể bị trôi mất bất cứ lúc nào. Vì vậy, nghề nuôi tôm hoặc ốc hương rất rủi ro, chứ không "dễ ăn" như lâu nay mọi người vẫn đồn thổi".
Ông Nguyễn Văn, ở thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức)
Giữ nghề, nghề không phụ
Thất bại cay đắng, nhưng nghề nuôi tôm như đã ăn sâu vào tâm trí, nên những năm qua, ông Văn, ông Vương vẫn không bỏ các ao tôm. Họ nuôi cầm chừng và đầu tư kiểu “có bao nhiêu làm bấy nhiêu”. Nhờ cẩn trọng tính toán đầu tư và áp dụng kỹ thuật nuôi bài bản, cộng với may mắn nên từ năm 2019 đến nay, cả tôm và ốc hương đều mang lại may mắn cho gia đình ông Văn, ông Vương cũng như nhiều chủ hồ ở khu vực ven biển huyện Mộ Đức và TX.Đức Phổ. Điều này khiến các vùng nuôi tôm trở nên nhộn nhịp, tấp nập hơn. Hầu hết những hồ tôm cũ một thời bị bỏ hoang giờ đã được chủ hồ cải tạo, vệ sinh để thả nuôi tôm hoặc ốc hương.
Vệ sinh hồ, kiểm tra độ pH của nước là một trong những việc quan trọng trong quá trình nuôi tôm hoặc ốc hương.
Bên cạnh các hồ tôm cũ "hồi sinh", nhiều ao hồ mới cũng đang mọc lên san sát. Người dân tận dụng những khu vực đất trống để đắp bờ làm ao mới. “Tôi như thấy bóng dáng của mình 20 năm trước. Chỉ khác là 20 năm trước, tôi đuổi theo con tôm. Còn bây giờ, nhiều người đang đuổi theo ốc hương”, ông Đào Tư Hiền, ở TX.Đức Phổ, bộc bạch.
Từ năm 2019 đến nay, thông tin về những chủ hồ nuôi ốc hương thu về tiền tỷ liên tục được truyền tai nhau. Người dân các xã ven biển vì thế cũng ao ước, rồi bước vào guồng quay “mua đất thuê hồ nuôi ốc hương”. “Ồ ạt quá, dàn trải quá và độc canh quá thì mất nhiều hơn là được”, ông Hiền đúc kết sau 20 năm gắn bó cùng con tôm. Với 20 hồ tôm cũ, ông Hiền không nuôi độc canh tôm thẻ chân trắng, mà xen kẽ giữa các đối tượng, ưu tiên tôm và ốc hương. Dù thừa kinh nghiệm, nhưng ông Hiền vừa áp dụng khoa học kỹ thuật, vừa “chiêu mộ” cán bộ kỹ thuật học hành bài bản, để quản lý và vận hành vùng nuôi, đảm bảo hiệu quả ổn định và bền vững hơn.
Qua nhiều thăng trầm, các chủ hồ như ông Văn, ông Vương, ông Hiền cũng trải lòng chân tình về kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, cũng như những vất vả, rủi ro với nghề nuôi tôm lẫn ốc hương. “Thành bại của nghề nuôi tôm, ốc hương phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nên ai cũng ngại nói trước sẽ bước không qua. Với lại, khi mình trúng tôm, ốc hương thì ai cũng biết; mà lúc thất bại thì chẳng ai hay. Điều này khiến một số đối tác, bạn hàng ngỡ chúng tôi làm ăn hiệu quả mà quỵt nợ!”, ông Văn tâm tình.
Ốc hương, đối tượng mới đang được người dân khu vực ven biển tập trung đầu tư.
Để có được doanh thu 1 - 2 tỷ đồng/hồ, những hộ nuôi tôm, ốc hương đã phải "đổ" trước xuống các hồ tôm từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Suốt thời gian nuôi (từ 3- 9 tháng, tùy đối tượng nuôi), họ cũng không có được giấc ngủ tròn giấc vì lo lắng “sức khỏe” của tôm, ốc hương. Đến kỳ thu hoạch, nếu may mắn giá cao, gia đình sẽ thu được khoản lợi nhuận khá; còn chẳng may giá thấp, lòng họ lại rối bời. Riêng ốc hương, tuy doanh thu mang lại cao gấp 2 - 3 lần tôm thẻ chân trắng, nhưng ngoài thời gian nuôi kéo dài từ 7 - 9 tháng (tôm chỉ 3 - 3,5 tháng), thì suất đầu tư rất lớn, vì đối tượng này chỉ sử dụng thức ăn tươi (các loại cá nhỏ), chứ không có cám tổng hợp. Vì vậy, nếu vụ nuôi suôn sẻ, giá bán dao động từ 200 - 250 nghìn đồng/kg, thì chủ hồ mới có lãi. Mới đây, một số chủ hồ nuôi ốc hương ở xã Đức Phong (Mộ Đức), Phổ An (TX.Đức Phổ) bán được ốc hương với giá 300 nghìn đồng/kg (loại 130 con/kg), thu được 1,5 - 2 tỷ đồng. Nhưng sau khi trừ chi phí, họ lãi được 300 triệu đồng sau 8 tháng cần mẫn, chăm chút hồ nuôi ốc.
Dù không tiếp xúc được với nhiều hộ nuôi tôm, ốc hương, nhưng những ngày này, nhìn cảnh tấp nập, nhộn nhịp của các vùng tôm; hay những mẻ lưới đầy tôm, ốc hương được kéo lên cũng đủ biết, người dân ven biển đang phấn khởi, hồ hởi biết nhường nào. Chỉ mong rằng, sau những biến cố của nghề nuôi tôm, người dân đầu tư nuôi tôm, ốc hương sẽ tỉnh táo hơn, cẩn trọng hơn và chuyên nghiệp hơn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ