Phòng bệnh trên cá lăng
Hỏi: Cá lăng có biểu hiện nổi trên mặt nước, trên thân xuất hiện lấm tấm trắng. Hỏi nguyên nhân và biện pháp phòng trị?
(Phạm Thị Loan, xã Nhân Huệ, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương)
Trả lời:
Theo mô tả, có thể cá lăng đã bị bệnh trùng quả dưa. Đây là bệnh do một loại ký sinh trùng có tên Ichthyophthirius multifiliis gây ra. Bệnh phát triển nhanh trong điều kiện nhiệt độ 22 – 25 độ C. Trùng quả dưa thường ký sinh vào da, mang, cản trở hô hấp của cá, nên khi bị bệnh cá thường nổi trên mặt nước hoặc tập trung những nơi có dòng nước chảy. Khi cá bị nhiễm bệnh trên thân thường xuất hiện các lấm tấm trắng như vảy nhót, bệnh nặng làm cá loét cả mảng da, cá bệnh có biểu hiện nhào lộn, treo râu, lờ đờ, da nhợt nhạt. Bệnh xảy ra gây chết nhanh, nhiều nếu không xử lý kịp thời.
Để trị bệnh, cần tắm cho cá bằng hỗn hợp H2O2 với lượng 70 ml/m3 và axit acetic lượng 30 ml/m3 trong thời gian 5 – 10 phút, kết hợp với trộn thuốc Praziquantel vào thức ăn cho cá ăn liên tục trong 5 ngày với liều 1 g Praziquantel/20 kg cá/ngày, cho ăn 5 ngày liên tục để tránh bị nhiễm sán gây chết nhanh cho cá do cản trở hô hấp; Hoặc có thể dùng formalin, nồng độ 150 – 200 ml/m3 nước, tắm trong 5 – 10 phút, 2 ngày/lần, liên tục trong 3 ngày. Do vòng đời của trùng quả dưa có giai đoạn bào nang rất khó điều trị nên cần phải tắm nhắc lại để loại bỏ được mầm bệnh. Trong quá trình tắm cần tăng cường ôxy hòa tan và theo dõi tình trạng cá.
Hỏi: Biện pháp phòng, trị bệnh gan thận mủ trên cá lăng?
(Trần Công Quyên, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định)
Trả lời:
Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Edwardsiella tarda, Edwardsiella ictaluri. Vi khuẩn Edwardisella là vi khuẩn gram âm, hình que mảnh, kích thước 1x(2 – 3) mm, không sinh bào tử, chuyển động nhờ vành tiêm mao. Trong nuôi nước ngọt thường gặp hai loài: E. tarda và E. ictaluri. Cá mắc bệnh sẽ mất chức năng vận động do vây đuôi bị tưa rách. Có thể xuất hiện những vết thương bên dưới biểu bì, cơ, các vết thương này bị hoại tử và lây lan rộng sang vùng lân cận. Để điều trị bệnh, cần dùng kháng sinh: Florphenicol hoặc Doxycycline liều lượng 3 – 5 g/100 kg cá/ngày, cho ăn liên tục 7 ngày. Có thể bổ sung thêm Vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cá với liều lượng 2 – 3 g/100 kg cá/ngày, ăn liên tục 5 ngày. Thuốc được trộn vào thức ăn viên có áo dầu hoặc chất kết dính. Trong quá trình nuôi, để phòng bệnh, cần lựa chọn con giống khỏe mạnh, không nhiễm bệnh. Sát trùng các dụng cụ như lưới, vợt, sọt, ống dây bằng Chlorine 10 – 15 g/m3 trong 30 phút, rửa nước sạch và phơi khô sau khi sử dụng. Cá chết được vớt ra khỏi lồng càng sớm càng tốt. Không vứt cá chết bừa bãi ra sông, trên mặt đất, cần được chôn vào hố cách ly có rải vôi bột để tiệt trùng. Vào thời điểm giao mùa, nắng mưa xen kẽ, không nên cho cá ăn cá tạp tươi sống. Thức ăn cần được nấu chín hoặc sử dụng thức ăn viên.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ