Phòng bệnh trên tôm sú
Hỏi: Tôm sú có biểu hiện yếu ớt, phát triển chậm, quan sát thấy vỏ mềm, mỏng, đã chết rải rác một vài con. Hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục? (Nguyễn Thành Long, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An)
Trả lời:
Theo mô tả, tôm có thể mắc bệnh mềm vỏ. Bệnh mềm vỏ là bệnh thường xảy ra trong các ao nuôi tôm thương phẩm. Biểu hiện của bệnh là sau khi lột xác, vỏ tôm không cứng lại được, vỏ thường bị nhăn nheo, dễ rách nát nên dễ bị cảm nhiễm của các tác nhân gây bệnh, tôm có vỏ mềm yếu, vùi mình dạt bờ. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng mềm vỏ của tôm. Do trong thức ăn dùng nuôi tôm thiếu chất khoáng hoặc thiếu một số vitamin, nhất là Vitamin D thúc đẩy quá trình hấp thụ các chất khoáng. Cũng có thể do thức ăn kém chất lượng, ôi thiu hoặc cho ăn thiếu. Hoặc trong ao có nhiều chất độc, như các khí độc sinh ra do sự phân hủy của các chất hữu cơ, chất độc sinh ra do tảo độc hoặc chất độc do nguồn nước thải công nghiệp, sinh hoạt đặc biệt là thuốc trừ sâu trong nông nghiệp. Nuôi tôm trong điều kiện môi trường có nhiều biến động gây sốc làm rối loạn hoạt động trao đổi chất của tôm cũng gây ra mềm vỏ. Khi kiểm tra phát hiện tôm có dấu hiệu mềm vỏ phải nhanh chóng can thiệp ngay bằng cách tăng cường cung cấp ôxy, đồng thời tạt vôi và Dolomite để đưa pH lên 8,3 – 8,5. Cùng đó, phải sử dụng thức ăn có chất lượng tốt, có hàm lượng P: Ca là 1: 1. Bổ sung một lượng vitamin tổng hợp, không nuôi mật độ quá cao. Tránh nguồn nước thải công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt chảy vào ao nuôi, tránh hiện tượng tảo nở hoa gây biến động điều kiện môi trường. Trong quá trình nuôi tôm, thường xuyên theo dõi đàn tôm để sớm phát hiện dấu hiệu bất thường.
Hỏi: Biện pháp điều trị bệnh phát sáng trên tôm sú? (Trần Văn Đức, Thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau)
Trả lời:
Hiện tượng bệnh phát sáng trong ao nuôi hay bệnh phát sáng ở tôm do nhiều nguyên nhân gây ra như: do hàm lượng lân (phốt pho) trong nước, đất tăng cao; Do có nhóm tảo roi gây phát sáng phát triển mạnh trong ao; Do vi khuẩn phát sáng Vibrio harveyi. Hiện tượng này không làm tôm chết hàng loạt nhưng làm tôm giảm bắt mồi, dễ stress, phát triển không cân đối, nếu bị nặng tôm sẽ bỏ ăn và chết rải rác kéo dài, ảnh hưởng đến năng suất nuôi.
Khi phát hiện tôm bị nhiễm bệnh, người nuôi có thể trị bệnh phát sáng ở tôm bằng việc sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn để ức chế vi khuẩn V.harveyi. Đồng thời bổ sung thêm men vi sinh, Vitamin C và men tiêu hóa vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm. Sau đó diệt khuẩn nước trong ao và khử trùng các loại dụng cụ và thiết bị chuyên dùng.
Trong quá trình nuôi, cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như cải tạo ao theo đúng quy trình, chọn con giống chất lượng, quản lý ao nuôi tốt… Trong quá trình nuôi, thường xuyên kiểm tra sàng ăn để đánh giá khả năng bắt mồi của tôm, kịp thời điều chỉnh thức ăn hợp lý, không để tảo tàn đồng loạt làm mất màu nước và tăng lượng hữu cơ trong ao. Tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi bằng thức ăn giàu dinh dưỡng và vitamin.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ