Phòng Chống Cúm Gia Cầm (H5N1) Trong Mùa Dịch
Cúm gia cầm do virus Avian Influenza (AI) gây ra. Đây là nhóm virus được phân chia thành nhiều type khác nhau dựa trên kháng nguyên HA (gồm 16 phân type) và NA (gồm 9 phân type) có trên bề mặt capsid của hạt virus.
Sự tái tổ hợp giữa các kháng nguyên HA và NA sẽ tạo ra nhiều phân type khác nhau về độc tính và khả năng gây bệnh. Chủng gây dịch bệnh cúm gia cầm ở Việt Nam là H5N1.
Dịch cúm gia cầm lần đầu tiên bùng phát ở Việt Nam vào cuối năm 2003 đến ngày 15/12/2005 dịch đã được khống chế, tuy nhiên vào năm 2007 thì dịch bắt đầu bùng phát lại và kéo dài đến nay.
1. Sức kháng
Virus gây bệnh cúm gia cầm có sức đề kháng tương đối yếu trong điều kiện nhiệt độ cao, các chất tẩy và các loại thuốc sát trùng. Virus có thể tồn tại trong môi trường nhiệt độ thấp và trong phân tối thiểu là 3 tháng. Trong nguồn nước virus có thể tồn tại khoảng 4 ngày ở nhiệt độ 220C và trên 30 ngày ở 00C. Đối với chủng virus độc lực cao, nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ cần 1g phân từ gà bệnh có thể chứa đủ lượng virus để gây nhiễm một triệu gà (WHO, 2003).
2. Phương thức truyền lây
Động vật cảm thụ đối với bệnh cúm gia cầm bao gồm: gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu, chim cút, đà điểu, các loài chim,... Người và một số loài động vật có vú cũng có thể mắc bệnh.
Sau khi xâm nhập qua đường hô hấp hoặc tiêu hoá, virus nhân lên rất nhanh và xuất hiện trong các chất tiết đường hô hấp như nước mắt, nước mũi hoặc nước bọt, từ đó xâm nhập vào các con còn lại trong đàn. Vì vậy chỉ cần một con mắc bệnh, các con khác sẽ bị lây bệnh rất nhanh.
Giữa các đàn, sự lây lan thường do vận chuyển, bán chạy gia cầm mắc bệnh. Phân, chất độn chuồng, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, sự xâm nhập của chim vào chuồng trại được coi là nguồn lây nhiễm nghiêm trọng.
Theo nhiều tài liệu, virus gây dịch cúm gà có thể sẽ tái tổ hợp với virus gây cúm A trên người thành chủng virus gây bệnh cho người (Perdue, 2000). Đồng thời, cho đến nay chưa có bằng chứng nào về việc lây truyền bệnh từ người qua người.
3. Triệu chứng
Ở nước ta đã xác định virus gây bệnh là H5N1 chủng độc lực cao. Chủng này thường gây thể bệnh rất nặng trên gia cầm, các triệu chứng xuất hiện thường tập trung trên đường hô hấp, mắt, hệ tim mạch và thần kinh do virus xâm nhập và tấn công gây tổn thương nặng các hệ thống kể trên. Trên một cá thể, các triệu chứng thay đổi tùy thuộc vào các cơ quan bị tổn thương nhiều hay ít, tuy nhiên trong một đàn gia cầm mắc bệnh có thể quan sát thấy các triệu chứng sau đây:
+ Một số con chết nhanh trước khi có triệu chứng xuất hiện.
+ Sốt rất cao, tỷ lệ đẻ giảm, tăng trứng non mỏng vỏ.
+ Hắt hơi, ho, khó thở, có âm khò khè lúc thở, một số con há miệng để thở.
+ Mắt sưng phù, chảy nước mắt.
+ Có triệu chứng thần kinh như: quẹo cổ, liệt chân, sệ cánh hoặc đi xoay vòng.
+ Triệu chứng xuất huyết ở mào, tích, nhất là ở chân là rất quan trọng trong chẩn đoán phân biệt.
+ Tỷ lệ mắc bệnh có thể lên đến 100%, tỷ lệ chết trên một số đàn có thể lên đến 100%.
4. Bệnh tích
Xác chết của gia cầm và thủy cầm có các biểu hiện sau đây:
Đầu mặt cổ sưng phù
Phù thủng quanh hốc mắt
Mào, tích bị tụ máu có màu xanh tím
Dạ dày cơ, dạ dày tuyến, cơ tim, cơ ngực, túi Fabricius xuất huyết
Phổi sung huyết, một vài nơi có xuất huyết
Gan, thận, lách, tuyến tụy có những điểm hoại tử
Phòng chống dịch bệnh
+ Điều trị: Bệnh cúm gia cầm không chỉ gây dịch ở gia cầm mà còn có thể lây bệnh cho người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội. Không có thuốc điều trị cho gia cầm, gia cầm bệnh phải xử lý tiêu hủy để tránh lây lan.
+ Phòng bệnh cúm ở gia cầm: Để phòng bệnh đạt hiệu quả cao cần phối hợp nhiều biện pháp:
- Đổi mới phương thức chăn nuôi: Chăn nuôi tập trung; chuồng trại nên cách xa khu dân cư theo qui trình chăn nuôi khép kín là điều kiện hàng đầu trong phòng bệnh. Tuy nhiên, việc nuôi gia cầm thả vườn, nuôi vịt chạy đồng là tập quán chăn nuôi lâu đời của người nông dân vẫn còn rất phổ biến, người nuôi nên biết về bệnh cúm gia cầm và áp dụng chặt chẻ các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ đàn cũng như bảo vệ chính mình.
- Chủ động phòng dịch: Người chăn nuôi nên trình báo việc nuôi gia cầm với cơ quan thú y ngay khi mới bắt con giống về để Trạm thú y quản lý, cấp sổ theo dõi và bố trí tiêm phòng vaccin H5N1 đúng lịch:
Loại gia cầm | Lần đầu tiên | Tái chủng | |||
Liều | Ngày tuổi | Liều tiêm | Định kỳ | Liều | |
Vịt | Liều I | 14 | 0,5 ml/con | ||
Liều II | 42 | 1ml/con | Sau 4 tháng | 1ml/con | |
Gà | Liều I | 14 | 0,3ml/con | Sau 4 tháng | 0.5ml/con |
Cho đến nay vẫn chưa có vacxin phòng cúm gia cầm trên vịt xiêm (ngan), ngỗng, chim cút, bồ câu, gà ác, các loài chim và nhiều loài động vật hữu nhũ khác. Do đó, nguy cơ nhiễm bệnh trên các loài này rất cao. Trước mắt không nuôi chung các loài này với gà vịt, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng bệnh bằng an toàn sinh học, vệ sinh phòng bệnh, tiêu độc sát trùng và tăng cường dinh dưỡng để gia tăng miễn dịch.
- Kiểm soát giết mổ: Xây dựng các lò giết mổ gia cầm tập trung để kiểm soát nguồn gốc và tình hình dịch bệnh của gia cầm giết mổ, áp dụng dây chuyền giết mổ tự động và đóng gói sản phẩm khi đưa ra tiêu thụ.
- Không buôn bán gia cầm sống tại các chợ và khu vực đông dân cư.
- Tăng cường dinh dưỡng: Bổ sung các loại vitamin, khoáng để tăng sức đề kháng bệnh cho gia cầm với một trong những sản phẩm sau:
+ Vime Senic EH: 1g/7 kg thể trọng
+ Vitaral: 1ml/10 kg thể trọng hoặc 1g/1 lít nước uống
+ Vimix plus: 1g/7 kg thể trọng
+ Vime C Electrolyte: 1 g/2-4 lít nước uống
- Tiêu độc sát trùng: Phun thuốc sát trùng 2- 3 lần/tuần (tùy quy mô và mật độ nuôi) bằng một trong các loại thuốc sau để diệt trừ mầm bệnh ở ngoài môi trường, áo quần, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển:
+ VimeIodine: 15 ml/ 4 lít nước
+ Hoặc Vimekon: 100g/20 lít nước
* Chú ý: khi phun thuốc sát trùng cần làm vệ sinh sạch sẽ chuồng trại vì nhiều loại thuốc sát trùng sẽ giảm hoặc mất tác dụng trong môi trường có nhiều chất hữu cơ.
- Giám sát chặt chẽ sức khoẻ đàn gia cầm hàng ngày, phát hiện nhanh những biểu hiện bất thường như giảm ăn, giảm đẻ, gia cầm chết đột ngột đều phải được lấy mẫu xét nghiệm.
- Thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc của gia cầm nuôi và dã cầm đồng thời thực hiện các biện pháp ngăn ngừa lây truyền bệnh qua các nhân tố trung gian như thức ăn, nguồn nước, phương tiện vận chuyển, khách tham quan, …
- Khi có kết quả xác định bệnh cúm phải thực hiện tiêu huỷ toàn đàn và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
* Phòng bệnh cúm gia cầm ở người
Hiện nay, nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ và ngay cả Việt Nam đang nỗ lực nghiên cứu vacxin phòng cúm A H5N1 trên người, hy vọng trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có vacxin phù hợp phòng bệnh cúm gia cầm lây nhiễm ở người. Khi chưa có vacxin, chúng ta cần áp dụng các biện pháp phòng tránh sau đây:
- Hạn chế tiếp xúc với gia cầm, không tiếp xúc gia cầm có biểu hiện bệnh, không nên tự giết mổ và tiêu thụ gia cầm mắc bệnh. Người tham gia chống dịch phải được trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ như: áo, quần, mũ, mặt nạ che mũi, kiếng che mắt, găng tay, ủng.
- Hạn chế mua gia cầm sống, chỉ nên mua gia cầm đã giết mổ và trứng gia cầm đã qua kiểm dịch thú y, được đóng gói bảo quản có ghi rõ nơi giết mổ và hạn sử dụng.
- Chỉ ăn gia cầm và sản phẩm gia cầm đã nấu chín, không ăn tiết canh, trứng sống, trứng ốp la.
- Luôn luôn rửa tay kỹ bằng xà bông trước khi ăn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ