Phòng, Chống Dịch Bệnh Cho Gia Súc Đừng Để Mất Bò Mới Lo Làm Chuồng
Thời điểm này vào tiết giao mùa, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện rải rác dịch bệnh trên đàn gia súc, trong đó nổi bật là bệnh tụ huyết trùng ở trâu bò, gây thiệt hại đáng kể cho người dân.
Gia súc chết bệnh vẫn mổ thịt
Cuối tháng 9 vừa qua, gia đình ông Phạm Văn Báo ở thôn Na Lang, xã Phong Minh (Lục Ngạn) có một con trâu thả rông trong rừng bị chết. Ông mang con trâu này về nhà thịt làm lây bệnh ra 3 con trâu và 6 con lợn của cả gia đình và các hộ cùng thôn.
Qua tìm hiểu thực tế, từ ngày 24 đến 29-9, thôn Na Lang có 44 con trâu, lợn bị mắc bệnh tụ huyết trùng với biểu hiện sốt cao, bỏ ăn, khó thở, kèm theo chướng hơi, trong đó có 13 con chết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Trong đó, riêng gia đình ông Báo thiệt hại khoảng 70 triệu đồng. Đây là một khoản tiền khá lớn đối với hộ dân ở vùng đặc biệt khó khăn.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn tập trung khoanh vùng, thống kê toàn bộ đàn gia súc, tiêm vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi chưa bị bệnh. Đồng thời, cách ly trâu bò, lợn bệnh để điều trị; kết hợp hướng dẫn hộ chăn nuôi đưa gia súc thả rông về nuôi nhốt. Trạm Thú y huyện đã cấp 31 lít hóa chất, UBND xã Phong Minh mua 5 tấn vôi bột tiêu độc khử trùng mầm bệnh xung quanh chuồng trại chăn nuôi và đường làng ngõ xóm.
Với nỗ lực đó, thời điểm này, số trâu bò, lợn bị bệnh tụ huyết trùng được điều trị khỏi, không phát sinh ổ dịch mới. Không chỉ ở Lục Ngạn, trước đó cuối tháng 7 ở thôn Buồng, xã Tiến Dũng (Yên Dũng) có 10 con trâu, bò bị bệnh tụ huyết trùng, trong đó 3 con bị chết.
Nguyên nhân bệnh tụ huyết trùng trâu bò ở Lục Ngạn lây lan nhanh là do người dân ở đây có tập quán thả rông gia súc thành bầy đàn nhưng chưa chú trọng tiêm vắc-xin phòng bệnh. Ông Ngô Văn Thực, Trưởng Trạm Thú y Lục Ngạn cho biết: “Xã Phong Minh có khoảng 3.500 con trâu, bò nhưng trước khi có gia súc bị bệnh tụ huyết trùng, xã mới tiêm được 400 liều vắc-xin phòng bệnh này.
Hiện, Trạm cử cán bộ xuống xã tiếp tục tiêm vắc-xin tụ huyết trùng cho đàn gia súc, dự kiến tiêm xong trong tháng này”. Tương tự ở xã Tiến Dũng (Yên Dũng), nơi có gia súc mắc bệnh tụ huyết trùng, người dân cũng chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Tăng cường kiểm soát dịch bệnh
Không chỉ ở xã Phong Minh, Tiến Dũng, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh cũng chưa chú trọng tiêm vắc-xin tụ huyết trùng cho trâu, bò. Ông Nguyễn Mạnh Hiền, Phó trưởng Phòng Dịch tễ (Chi cục Thú y) cho biết: “Đơn vị luôn dự trữ, cung ứng kịp thời, đầy đủ vắc-xin tụ huyết trùng cho các huyện, TP để tiêm phòng cho đàn gia súc.
Thế nhưng, hằng năm tỷ lệ tiêm vắc-xin này chỉ đạt 50 - 60% tổng đàn. Đặc biệt là ở các huyện Lục Ngạn, Sơn Động có tổng đàn trâu bò nhiều nhưng công tác tiêm phòng đạt kết quả thấp”.
Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng gia súc phải đạt từ 80% tổng đàn trở lên mới bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, hạn chế nguy cơ xảy ra dịch trên diện rộng. Việc tiêm vắc-xin tụ huyết trùng cho đàn trâu bò còn hạn chế trước hết là do người dân chưa nhận thức rõ vai trò của việc tiêm phòng là tự bảo vệ tài sản của mình; chưa tự giác phối hợp với chính quyền và cán bộ thú y nên còn tình trạng bỏ lọt gia súc trong diện tiêm.
Một bộ phận người chăn nuôi có tâm lý chưa có dịch thì không cần tiêm (mặc dù chi phí mỗi liều vắc-xin chỉ từ 8 - 10 nghìn đồng), bao giờ có dịch mới tiêm vì thế việc tiêm phòng không bảo đảm quy định là tiêm đủ số lần, đúng liều lượng và đúng thời điểm.
Theo nhận định của cơ quan thú y, hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột nên rất thuận lợi để vi rút, vi khuẩn phát triển gây bệnh ở đàn gia súc. Do đó, những tháng cuối năm nay, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc rất cao, đặc biệt là bệnh tụ huyết trùng. Để ngăn ngừa, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với các huyện, TP đang tập trung đôn đốc các xã đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin tụ huyết trùng và các loại vắc-xin khác cho đàn gia súc.
Đồng thời yêu cầu các trạm thú y tham mưu cho UBND huyện, TP chủ động trong công tác phòng chống dịch, kịp thời báo cáo dịch bệnh về Chi cục để xử lý kịp thời. Ngoài ra, chính quyền các cấp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng chấn chỉnh lại hoạt động kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, ngăn chặn kịp thời hoạt động vận chuyển trâu, bò, lợn bệnh. Tăng cường kiểm tra tại các điểm giết mổ tập trung, các chợ nhằm phát hiện sớm những trường hợp động vật mắc bệnh.
Các hộ cần xây dựng, che chắn chuồng trại đủ ấm trong mùa đông để nuôi nhốt gia súc, cung cấp đủ thức ăn bảo đảm dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng; đặc biệt là tự giác tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, phát hiện và báo cho cán bộ thú y gia súc mắc bệnh để điều trị kịp thời.
Bệnh tụ huyết trùng tuy không lây sang người nhưng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật bởi có khả năng lây lan nhanh. Gia súc mắc bệnh ở thể cấp tính sẽ chết hàng loạt, khó điều trị. Sự lây lan không chỉ do tiếp xúc trực tiếp giữa động vật mắc bệnh và động vật khoẻ mạnh mà còn lây lan gián tiếp qua nhiều con đường khác”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ