Mô hình kinh tế Phòng chống dịch bệnh GSGC thời điểm cuối năm không được phép chủ quan, lơ là

Phòng chống dịch bệnh GSGC thời điểm cuối năm không được phép chủ quan, lơ là

Ngày đăng 01/12/2015

Phòng chống dịch bệnh GSGC thời điểm cuối năm không được phép chủ quan, lơ là

Trước tình hình này, Chi cục Thú y tỉnh đang nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC).

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, toàn tỉnh hiện có đàn trâu-bò gần 280 ngàn con, đàn heo trên 760 ngàn con và đàn gà, vịt trên 6,55 triệu con.

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên đàn GSGC tại một số địa phương trong nước diễn biến khá phức tạp.

Ở tỉnh ta, nhờ ngành chức năng và người chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng, chống nên dịch bệnh GSGC được khống chế, không xảy ra các ổ dịch nguy hiểm.

Trên 87% đàn gia súc được tiêm phòng

Ông Lê Ngọc Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y (thuộc Sở NN&PTNT), cho biết: Thời điểm cuối năm, các trang trại, gia trại chăn nuôi trong tỉnh đang nuôi tái đàn với số lượng GSGC khá lớn.

Để bảo vệ đàn an toàn, thời gian qua, được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí, Chi cục Thú y đã hỗ trợ vắc-xin để các địa phương tiêm phòng đợt 2.2015; xem đây là biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả nhất.

Từ cuối tháng 8 đến nay, lực lượng Thú y trong tỉnh đã đồng loạt ra quân tiêm phòng GSGC đợt 2 với kết quả khá cao.

Trong đó, đã tiêm vắc-xin LMLM cho hơn 243 ngàn con trâu-bò, đạt tỉ lệ 87,2% tổng đàn; tiêm vắc-xin LMLM, dịch tả cho đàn heo nái sinh sản, heo đực giống và đàn heo giống hậu bị đạt trên 690 ngàn con; tiêm vắc-xin cúm gia cầm cho gần 2 triệu con gà-vịt tại các trang trại, gia trại.

Tại các huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, nhờ có nguồn hỗ trợ vắc-xin từ Chương trình 30a nên tỉ lệ gia súc được tiêm phòng đạt khá cao so với các năm trước.

Trong đó, tỉ lệ đàn trâu-bò tại huyện Vĩnh Thạnh được tiêm phòng vắc-xin LMLM đạt 93%, Vân Canh 92%, An Lão 87%.

Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC tại các huyện miền núi.

Qua đánh giá, tỉ lệ đàn GSGC được tiêm phòng đợt 2.2015 đạt cao hơn so với yêu cầu của tỉnh đề ra, góp phần đáng kể trong việc phòng, chống dịch bệnh GSGC tái phát.

Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác tiêm phòng.

Việc chuẩn bị nguồn vắc-xin, trang thiết bị, vật tư, nhân lực phục vụ tiêm phòng cũng được Chi cục Thú y chuẩn bị khá chu đáo.

Điều đáng ghi nhận là người chăn nuôi tại các huyện miền núi cũng đã ý thức hơn trong việc tiêm phòng dịch bệnh cho đàn GSGC của mình nên đã hưởng ứng khá tích cực.

Sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương, các hội-đoàn thể, cùng lực lượng Thú y cơ sở đã mang lại kết quả tiêm phòng khả quan; góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Tăng cường giám sát dịch bệnh

Hiện nay, tỉnh ta đã vào mùa mưa lũ, theo cảnh báo của Cục Thú y, thời điểm này, do nền nhiệt độ thấp, các mầm bệnh trên đàn GSGC có nguy cơ tái phát rất cao.

Đáng chú ý là tại một số địa phương ở miền núi, vùng cao, người chăn nuôi còn tập quán thả rông trâu-bò, thiếu kiểm soát, dẫn đến tình trạng gia súc bị rét lạnh, chết nhiều vào mùa đông.

Việc nuôi vịt chạy đồng từ địa phương này đến địa phương khác thiếu kiểm soát trong mùa mưa lũ cũng là nguy cơ có thể làm tái phát dịch bệnh.

Đáng chú ý là tại một số địa phương lân cận tỉnh ta như Quảng Ngãi, Phú Yên, cơ quan Thú y đã phát hiện các ổ dịch cúm gia cầm, LMLM mới phát sinh, nguy cơ lây lan dịch bệnh đến đàn GSGC ở tỉnh ta.

Để chủ động ngăn ngừa, bảo vệ tốt đàn GSGC, Chi cục Thú y vừa có văn bản yêu cầu lực lượng Thú y ở các địa phương trong tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC; chú trọng sửa chữa chuồng trại đảm bảo độ ấm cho đàn gia súc tại các huyện miền núi; dự trữ thức ăn, tiêm phòng vắc-xin...

Tăng cường quản lý, giám sát việc chăn nuôi vịt chạy đồng tại các địa phương trong mùa mưa lũ.

Chi cục cũng đã chuẩn bị thuốc sát trùng để hỗ trợ các địa phương ra quân tiêu độc sát trùng chuồng trại tại các ổ dịch cũ, các chợ đầu mối mua bán GSGC.

Ông Lê Ngọc Pháp cho biết thêm: Từ nay đếm cuối năm, lực lượng Thú y sẽ siết chặt việc kiểm dịch vận chuyển GSGC ra - vào tỉnh; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở buôn bán, giết mổ GSGC, các cơ sở chăn nuôi để xử lý vi phạm trong lĩnh vực thú y.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống DCGC; thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc sát trùng chuồng trại; kiểm dịch nguồn con giống GSGC; thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học…

Theo Cục Thú y, hiện nay, cả nước đã phát hiện 6 ổ DCGC tại 5 tỉnh chưa qua 21 ngày, gồm: Quảng Ngãi có 2 ổ dịch; Hà Tĩnh 1 ổ dịch; Nghệ An 1 ổ dịch; Sơn La 1 ổ dịch; Cà Mau 1 ổ dịch.

Dịch LMLM cũng đang xảy ra ở 5 tỉnh, thành phố: Phú Yên có 3 ổ dịch; Yên Bái 1 ổ dịch; Ninh Thuận 1 ổ dịch; Hà Tĩnh 2 ổ dịch; TP Cần Thơ 1 ổ dịch.

Dịch “tai xanh” trên đàn heo đang có 4 ổ dịch xảy ra tại tỉnh Sóc Trăng.


Ổn định từ nuôi dê Ổn định từ nuôi dê Ðóng tàu to, công suất lớn vươn khơi xa Ðóng tàu to, công suất lớn vươn khơi…