Phòng Ngừa Bệnh Đốm Trắng
Mức độ thiệt hại trên tôm nuôi giai đoạn đầu thả giống ở Sóc Trăng đã lên hơn 1.400 ha. Sau gần 2 tháng thời tiết lạnh bất thường, hiện tượng bệnh đốm trắng bùng phát mạnh, gây thiệt hại lớn cho người nuôi, nhiều nhất là thị xã Vĩnh Châu. Xuất phát từ nguyên nhân này mà tiến độ thả nuôi chậm lại để xử lý ao nuôi, thả thăm dò để theo dõi diễn biến thời tiết.
Nhiệt độ giảm thấp là nguyên nhân bệnh đốm trắng bùng phát, điều này cho thấy mầm bệnh luôn tiềm ẩn, khi có điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát thành dịch. Ngành chuyên môn khuyến cáo bà con nuôi tôm không nôn nóng mà thực hiện tốt các biện pháp xử lý ao nuôi, đặc biệt là ao nuôi bị thiệt hại do bệnh đốm trắng gây ra trong thời gian vừa qua, để hạn chế tối thiểu mầm bệnh phát sinh sau khi thả lại.
“Mùa lạnh ngừa đốm trắng, mùa nắng phòng gan tụy” là điều người nuôi tôm đều rất am hiểu khi đã trải qua nhiều năm thất bại và thời điểm lạnh kéo dài vừa qua bệnh đốm trắng bùng phát thành dịch, thiệt hại nặng nhất là các vùng nuôi trọng điểm của thị xã Vĩnh Châu, mức độ thiệt hại trên 30%, cá biệt có vùng thiệt hại đến 70%, như Vĩnh Hiệp, Hòa Đông. Hiện nay, Sóc Trăng cũng chỉ mới thả giống được hơn 4.500 ha, hầu hết bà con đang tập trung cải tạo, xử lý ao nuôi an toàn trước khi thả giống.
Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, đối với ao nuôi bị thiệt hại phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp xử lý, ít nhất hơn 40 ngày sau xử lý mới thả giống lại. Do giá tôm đang ở mức rất cao, nên người nuôi tôm luôn nôn nóng, tuy nhiên mầm bệnh đốm trắng còn tiềm ẩn trên tôm giống nên bà con phải hết sức thận trọng, từ xử lý ao đến chọn giống tôm nuôi an toàn, sạch bệnh.
Trạm khuyến nông các địa phương khuyến cáo bà con nên chọn thời điểm thả giống sau tháng 3, do hiện nay nhiệt độ vẫn còn thấp vào ban đêm, nhưng nóng vào ban ngày, mức chênh lệch nhiệt độ quá cao giữa ngày và đêm sẽ không thuận lợi để thả giống, mà bà con cần tập trung cải tạo ao nuôi.
Ông Trần Minh Trí, Trưởng Trạm khuyến nông thị xã Vĩnh Châu cho biết: Thời tiết quá khắc nghiệt, môi trường ao nuôi, vùng nuôi xuống cấp, khi điều kiện thời tiết thuận lợi thì mầm bệnh bùng phát… Thời gian qua, bệnh đốm trắng qua xét nghiệm ở các vùng nuôi thị xã chiếm đến 90%. Tình hình này, chúng tôi khuyến cáo bà con Vĩnh Châu nên tạm ngưng, theo nhận định thì thả lại vào tháng 3 để nuôi an toàn hơn.
Bà con nuôi tôm có bước chuẩn bị ao nuôi khá tốt, các biện pháp khử độc, sát trùng cũng được thực hiện nghiêm ngặt, nhằm hạn chế bệnh phát sinh như giai đoạn đầu vụ vừa qua. Mặt khác bà con còn ứng dụng nhiều quy trình nuôi an toàn sinh học để giảm áp lực môi trường.
Đây là bước tiến bộ mới ở Sóc Trăng trong tình hình nuôi tôm nước lợ gặp khó khăn trong những năm vừa qua. Nạo vét, khử trùng đáy ao, nuôi nước trước khi thả giống, hay mô hình lấy nước từ ao nuôi cá rô phi vào nuôi tôm để hạn chế sử dụng hóa chất xử lý ao đang từng bước được nhân rộng ở hầu hết các quy trình trong vụ nuôi năm 2014.
Trần Đề là vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh trọng điểm của Sóc Trăng, bà con đã ứng dụng tốt quy trình kỹ thuật chăm sóc tiên tiến, nhưng mức độ thiệt hại cũng chiếm đến 9%.
Huyện đang tập trung nhiều biện pháp đối phó để giữ ổn định cho vùng nuôi sau giai đoạn tác động xấu của biến đổi thời tiết vừa qua. Hiện nay biên độ chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm quá cao, nhiệt độ thấp nhất vào ban đêm dưới 22 độ C vẫn đang giai đoạn mầm bệnh đốm trắng có điều kiện phát sinh, do vậy ngành Nông Nghiệp khuyến cáo người nuôi nên thận trọng.
Yếu tố thời tiết luôn có những biến đổi bất thường, mà đây là nguyên nhân tạo ra nguy cơ mầm bệnh bùng phát, do vậy mà giải pháp thả giống mang tính thăm dò là hướng đi rất phù hợp được nhiều hộ nuôi áp dụng.
Đối với diện tích đang nuôi, bà con cần tập trung nhiều biện pháp kỹ thuật cần thiết để tăng sức đề kháng cho tôm giúp vượt qua giai đoạn biến động xấu của thời tiết. Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp Hội tôm Mỹ Thanh cho biết: Chúng tôi vận động người nuôi nên chú trọng ý thức cộng đồng trong nuôi tôm. Cụ thể là cộng đồng bảo vệ môi trường.
Người nuôi tôm không chỉ ứng phó với mức độ ô nhiễm môi trường vùng nuôi, mà phải ứng phó với nguy cơ dịch bệnh và những biểu hiện cực đoan của biến đổi khí hậu.
Từ năm 2012, người nuôi tôm đã rút ra được nhiều kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh, thận trọng hơn trong nuôi tôm, từ khâu cải tạo, xử lý ao đến biện pháp thả thăm dò, ứng dụng tốt các các quy trình nuôi an toàn sinh học. Đây là biểu hiện tích cực để thích ứng với diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ