Tin nông nghiệp Phòng trị bệnh đóng dấu trên lươn

Phòng trị bệnh đóng dấu trên lươn

Tác giả Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam, ngày đăng 09/07/2020

Phòng trị bệnh đóng dấu trên lươn

Hỏi: Lươn nuôi xuất hiện những vết hình tròn hoặc bầu dục màu đỏ xen lẫn các vùng da lở loét, bơi lội khó khăn, đầu lươn thường ngóc lên khỏi mặt nước, yếu. Xin hỏi lươn bị bệnh gì và điều trị? (Bùi Văn Hoàng, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An)

Trả lời:

Theo mô tả, lươn đang bị bệnh đóng dấu. Bệnh thường xảy ra khi lươn bị xây xát, khi đó các vi khuẩn, ký sinh trùng sẽ bám vào vết thương và sinh sống, phát triển dần thành những vết loét lớn. Nếu bệnh nặng, đuôi lươn sẽ bị rụng, bơi lội khó khăn, đầu lươn thường ngóc lên khỏi mặt nước để thở, lươn mệt mỏi, yếu dần rồi chết, bệnh này thường xảy ra vào tháng 5 - 9 hàng năm. Phòng bệnh bằng cách nuôi với mật độ thích hợp, tắm lươn bằng muối ăn với nồng độ 200 - 300 g/10 lít nước trong 15 - 20 phút trước khi thả. Thường xuyên thay nước trong quá trình nuôi hoặc định kỳ 5 - 7 ngày tắm lươn bằng KMnO4, liều lượng 3 - 5 g/m3 và hạn chế những tác động trực tiếp đến lươn, đặc biệt trong những thời điểm nắng nóng. Trị bệnh bằng kháng sinh Streptomycin, trộn vào thức ăn với liều lượng 50 - 70 mg/kg lươn hoặc tắm với liều lượng 250 - 300 g/100 m3 nước, xử lý liên tục trong 5 - 7 ngày.

Hỏi: Tôi muốn nuôi cá trắm giòn, xin hỏi về loại đậu nuôi cá hiệu quả? (Nguyễn Văn Mạnh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương)

Trả lời:

Một số thông tin về đậu tằm nuôi cá trắm giòn: Đậu tằm, đậu răng ngựa hay còn gọi là tàu kê (danh pháp khoa học: Vicia faba) là loài thực vật thuộc họ đậu bản địa của Bắc Phi và Tây Nam Á, hiện được trồng khắp thế giới. Hiện nay, đậu tằm được trồng ở khoảng 47 nước, diện tích đạt khoảng 2,63 triệu ha, năng suất hạt 15,3 tạ/ha, sản lượng 4,03 triệu tấn, trong đó nhiều nhất là Trung Quốc và châu Phi. Từ năm 2009 một số giống đậu tằm lần đầu tiên đưa vào trồng thử, cho đến nay đã được trồng ở nhiều nơi của Việt Nam. Hạt đậu tằm có hàm lượng protein 30%, đủ 8 loại axit amin thiết yếu tinh bột 49%, chất béo 0,8%. Vì vậy, đậu tằm là hạt giàu đạm, giàu tinh bột và ít chất béo. Điều đặc biệt của hạt đậu tằm là khi sử dụng để nuôi cá chép, cá trắm cỏ thì sẽ làm cho chúng từ cá thường trở thành cá giòn, làm tăng chất lượng thịt cá và tăng hiệu quả kinh tế đáng kể cho người nuôi. Để có sản phẩm cá giòn không được cho cá ăn cỏ, cần sử dụng đậu tằm làm thức ăn cho chúng. Trước khi cho cá ăn, ngâm đậu trong nước ít nhất 24 giờ. Để phòng bệnh cho cá rửa sạch đậu bằng nước muối 1% (1 kg muối ăn/100 lít nước).

Hỏi: Ếch bị lở loét đỏ chân, giảm ăn, di chuyển chậm, có những nốt đỏ trên thân, chân bị sưng và dấu hiệu rõ nhất là gốc đùi có tụ huyết. Xin hỏi cách khắc phục? (Trần Công Minh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội)

Trả lời:

Ếch bị lở loét đỏ chân là do vi khuẩn Aeromonas hydrophila phát triển khi môi trường nuôi bị bẩn và khi ếch bị stress. Chữa trị khi bệnh mới phát sẽ có tác dụng tốt. Dùng kháng sinh liên tục 5 - 7 ngày, có thể dùng: Norfloxaxine 5 g/kg thức ăn, hoặc Oxytetracycline 3 - 5 g/kg thức ăn. Ngâm ếch trong dung dịch Iodine (PVP Iodine 350: 5 - 10 ml/m3 nước trong 30 phút). Phòng bệnh bằng cách thường xuyên kiểm tra môi trường nước nuôi, nếu thấy nước dơ cần thay ngay bằng nước sạch, nuôi mật độ vửa phải, không gây ồn ào khiến ếch bị sốc. Bổ sung N9.100, Vitamin C Antistress vào thức ăn của ếch để tăng sức đề kháng. Khi phát hiện ếch bị bệnh phải tách những con bệnh ra khỏi đàn để tránh lây lan.


Máy cấy điện ắc quy, năng suất đạt 3 sào/giờ Máy cấy điện ắc quy, năng suất đạt… Rau lủi Phước Sơn Rau lủi Phước Sơn