Phòng, trị bệnh ở cá tra
Hỏi: Cá tra có vệt trắng ở thân, đuôi mòn và cụt. Hỏi đây là bệnh gì và biện pháp chữa trị ra sao? (Phạm Hồng Thái, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre)
Trả lời:
Với những triệu chứng trên, cá tra có thể đã bị bệnh trắng đuôi do vi khuẩn F. columnare gây ra. Vi khuẩn có dạng hình que mảnh, dài, thuộc vi khuẩn gram âm. Bệnh xảy ra chủ yếu trên cá tra ở giai đoạn nhỏ và tỷ lệ chết rất cao trong vài ngày nhiễm bệnh, đặc biệt sau khi vận chuyển cá về thả nuôi. Bệnh do vi khuẩn gây ra nên có thể điều trị bằng một trong các loài kháng sinh như: Rifampicin, Ampicillin, Tetracyclin. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì. Trong quá trình nuôi, cần quản lý tốt môi trường nhằm hạn chế sốc cho cá là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Định kỳ 7 - 10 ngày sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước ao nuôi. Cho cá ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung men tiêu hóa cải thiện khả năng hấp thụ thức ăn của cá. Ngoài ra, cần bổ sung thêm Vitamin C, giải độc gan giúp tăng cường sức đề kháng cho cá.
Hỏi: Cá tra giống có biểu hiện ngứa ngáy, nổi từng đàn lên mặt nước, da cá chuyển màu xám, trên thân có nhiều nhớt màu trắng đục. Hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? (Nguyễn Phương Anh, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)
Trả lời:
Theo mô tả, cá tra có thể đã mắc bệnh do ký sinh trùng Trichodina gây ra, đây là loại gây bệnh phổ biến trên cá tra nuôi giai đoạn ương giống. Những cá bệnh nặng, mang tiết ra nhiều nhớt màu trắng đục (Woo, 2006; Hà Ký và Bùi Quang Tề, 2007). Cá bệnh nhẹ thì gầy yếu, nếu không điều trị kịp thời cá sẽ chết. Tỷ lệ nhiễm bệnh lên tới 90 - 100%. Trùng bám nhiều trên mang sẽ phá hủy cấu trúc của các tia mang, làm cản trở quá trình hô hấp, dẫn đến cá chết vì thiếu ôxy. Để phòng bệnh, trong quá trình ương nuôi cần kiểm tra ký sinh trùng trên da, vây, mang cá giống (30 con) trước khi thả nuôi; định kỳ vệ sinh các ao ương cá; khử trùng nguồn nước khi cấp vào ao; không thả nuôi cá mật độ quá dày. Để trị bệnh, có thể dùng một số biện pháp sau:
Dùng muối ăn (NaCl): liều lượng 2 - 3% (20 - 30 g/l) tắm cho cá 5 - 15 phút; liều lượng 2 - 3 kg/m3 tạt trực tiếp vào ao (không giới hạn thời gian).
Formalin: Tắm cá ở nồng độ 15 - 40 ppm/12 - 24 giờ; 166 ppm/1 - 2 giờ (thực hiện cách 1 tuần); 250 ppm/10 - 60 phút. Việc điều trị không nên lặp lại vì vào tháng nóng cá rất dễ bị ngộ độc khi sử dụng Formalin. Nhiệt độ trên 210C thì cần phải giảm liều Formalin dưới 170 ppm, tối đa 1 giờ. Nhiệt độ trên 270C thì không sử dụng Formalin vì sẽ gây ngộ độc cho cá (Noga, 2010).
KMnO4: Làm thay đổi quá trình trao đổi chất của cá. Vì vậy nên thận trọng trong khi sử dụng KMnO4 để trị bệnh trong thủy sản, KMnO4 gây độc cho cá và làm thay đổi màu sắc ở da và mang, làm hạ giá thành cá nuôi thương phẩm. Tắm cá với liều 1.000 mg/l trong 10 phút hoặc 10 - 20 mg/l trong 15 - 30 phút. Nếu ngâm thì dùng liều lượng 2 mg/l.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ