Mít Phòng trị bệnh thối trái trên mít Thái

Phòng trị bệnh thối trái trên mít Thái

Tác giả Nguyên Khang, ngày đăng 07/03/2022

Phòng trị bệnh thối trái trên mít Thái

Ít công chăm sóc, ít kén đất, năng suất khá, nên thời gian gần đây, nhiều nông dân đã chuyển sang trồng mít Thái để nâng cao thu nhập.

Mít bị thối trái ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của nông dân.

Tuy nhiên, khi diện tích trồng tăng, một số nông dân chưa có kỹ năng trồng, phòng trừ bệnh trên cây mít đã khiến một số loài sâu bệnh gây hại cũng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng mít. Trong đó, gây thiệt hại khá nhiều là bệnh thối trái.

Theo ngành chức năng, trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp thì cây mít thích ứng khá tốt. Nhiều nông dân trồng mít cho biết, mít Thái là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và cho năng suất cao, đặc biệt là sau khi trồng gần 2 năm thì có thể cho thu hoạch vụ đầu tiên.

Song, việc đổ xô trồng mít Thái không tuân thủ theo các quy trình trồng, dẫn đến xảy ra nhiều bất cập như: thị trường tiêu thụ và xuất hiện nhiều sâu bệnh, gây khó khăn cho nông dân.

Nếu như trước đây, sâu bệnh trên mít không đáng kể thì thời gian gần đây, trong điều kiện thâm canh, sâu bệnh gây hại trên mít ngày càng tăng.

Trong đó, ở giai đoạn trái, một trong 2 đối tượng dịch hại phổ biến làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái, đó là bệnh thối trái.

Trồng hơn 2 công mít Thái xen canh với sầu riêng, chú Phan Văn Bảy (xã Chánh An, Mang Thít), cho hay: “Tôi trồng mít Thái hơn 4 năm rồi nhưng năm nào cũng có trái bị thối.

Có trái thối từ ngoài vào trong, lại có trái thối từ trong ruột, nhưng bên ngoài lại không bị gì, khi thương lái thu mua thử trái mới biết.

Dù nghiên cứu, dùng thuốc nhưng vẫn bị thiệt hại nhiều. Có đợt thu hoạch thối hơn 50% sản lượng, không bán được, đành phải cho cá ăn”.

Theo ngành chuyên môn, bệnh thối trái trên mít thường có 2 loại: bệnh thối trái non và bệnh thối nhũn. Trong đó, bệnh thối trái non gây hại phổ biến hơn.

Bệnh gây hại trên hoa và trái non, làm trái thối đen và rụng. Vết bệnh khởi đầu là đốm màu nâu đen, sau bệnh lan dần cả trái, làm cả trái bị thối đen.

Trên vết bệnh sản sinh các sợi nấm và túi bào tử màu đen mọc tua tủa. Bệnh có thể xuất hiện bất cứ vị trí nào của trái. Bệnh lây lan nhanh từ trái này sang trái khác.

Bên cạnh đó, bệnh thối nhũn phổ biến trên trái lớn. Triệu chứng nhận biết trên trái có một vài chấm nhỏ màu nâu đen, sau đó phát triển lan rộng thành vùng lớn hoặc cả nửa trái và ăn sâu vào múi, làm thịt trái bị nhũn thối, múi mít bị “bả nhừ”.

Trong điều kiện ẩm độ cao, vết bệnh hình thành những tơ nấm trắng, bệnh nặng làm thối cả trái và lây lan sang những trái khác. Bệnh thường gây hại giai đoạn trái lớn và cả trái sau thu hoạch.

Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, cho hay: Bệnh thối trái phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng và mưa nhiều, vườn cây rậm rạp, vườn kém thoát nước. Bệnh lây lan rất nhanh trong điều kiện có gió, mưa.

Nguồn nước tưới trong vườn cũng là yếu tố làm cho nấm phát tán, lây lan. Nấm lưu tồn chủ yếu trong đất, trong nước và trong các bộ phận bị bệnh của cây.

Mít thối trái còn có thể do bị rối loạn dinh dưỡng, mất cân đối khi bón phân, vi khuẩn tấn công trong mạch trái, khiến trái bị thối từ bên trong”- ông Đạo cho biết thêm.

Để phòng trừ bệnh thối trái, khuyến cáo nông dân nên trồng với mật độ thấp, tạo vườn cây thông thoáng, cao ráo, thoát nước tốt trong mùa mưa.

Hàng năm bổ sung phân hữu cơ kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học để hạn chế bệnh phát triển. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh vườn cây, thu gom những trái bệnh đem tiêu hủy.

“Để bảo vệ tốt cây trồng nên áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp. Dùng biện pháp sinh học tăng cường thiên địch, hạn chế dịch hại do sâu bệnh, sử dụng thuốc hóa học khi cần thiết.

Đồng thời, khi trồng cây gì nông dân cũng cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ, áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, hạn chế trồng ồ ạt theo phong trào”- ông Đạo khuyến cáo.

Song song đó, theo Sở Nông nghiệp- PTNT, người dân cần hạn chế mở rộng diện tích mít Thái một cách ồ ạt. Bởi mít chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, dễ dẫn đến nguy cơ cung vượt cầu, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.

Trong khi đó, kỹ thuật trồng mít còn hạn chế, chạy theo phong trào, không theo quy hoạch của ngành chuyên môn, không chỉ ảnh hưởng đến quy hoạch của địa phương mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy về sau.


Để trồng mít Thái hiệu quả cao Để trồng mít Thái hiệu quả cao Quy trình canh tác nâng cao chất lượng mít Thái Quy trình canh tác nâng cao chất lượng…