Tin nông nghiệp Phòng trừ bệnh đốm rong gây hại cây ăn trái trong mùa mưa

Phòng trừ bệnh đốm rong gây hại cây ăn trái trong mùa mưa

Tác giả Huỳnh Hữu Đoàn -Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Châu Thành, ngày đăng 28/09/2018

Phòng trừ bệnh đốm rong gây hại cây ăn trái trong mùa mưa

Trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, mưa bão kéo dài, hiện nay trên các vườn sầu riêng, bưởi, chôm chôm,…ở huyện Châu Thành đang bị bệnh đốm rong gây hại và phát triển mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.

Nhiều nhà vườn không xác định được bệnh nên việc phòng trừ không mang lại hiệu quả làm các vườn cây ăn trái ngày càng bị suy kiệt. Để quản lý tốt vườn cây, nông dân cần nhận biết được đối tượng dịch hại để có biện pháp quản lý thích hợp, bảo vệ năng suất cây trồng.

Bệnh đốm rong là một trong những bệnh phổ biến trên cây trồng. Bệnh gây hại trên nhiều loại cây ăn trái như bưởi, sầu riêng, xoài, chôm chôm, nhãn… Bệnh do một loại tảo gây ra có tên là  Cephaleuros virescenns. Bệnh thường gây hại trên thân, cành và lá, ít gây hại trên trái, bệnh còn tấn công cả cây con trong vườn ươm. Triệu chứng nhận biết trên lá: vết bệnh là những đốm tròn khoảng 3-5mm, mọc hơi nhô lên bề mặt lá, nhìn giống như một lớp nhung mịn, có màu xanh xám hoặc màu đỏ nâu, khi vết bệnh củ chuyển sang màu xám nâu. Khi gặp điều kiện thích hợp, vết bệnh lan rộng nhanh, có khi bằng đầu ngón tay, ở mặt dưới của vết bệnh có thể thấy mô lá bị hoại và cả sợi tảo mọc xuyên qua có màu đỏ nâu.  Bệnh nặng, trên lá có rất nhiều đốm chi chít dày đặc, phủ kín mặt lá. Bệnh thường xuất hiện trên những lá đã trưởng thành. 

Triệu chứng nhận biết trên thân, cành: Bệnh thường gây hại trên thân chính hoăc những nhánh già bên trong tán, vết bệnh đầu tiên là những chấm nhỏ màu xanh, có hình tròn hoặc hình bầu dục sau đó lớn dần thành từng mãng, vết bệnh có lớp tơ mịn màu xanh rêu, giữa vết bệnh có màu đỏ nâu. Bệnh nặng lan dần lên các nhánh trên, đôi khi lan lên cả trái. Bệnh gây hại trên lá, làm lá bị thô cứng, ảnh hưởng rất nhiều đến  khả năng quang hợp, cây còi cọc, sinh trưởng kém; Gây hại trên thân, cành làm vỏ cây bị nứt và khô. 

Bệnh đốm rong gây hại trên thân

Nguồn bệnh dễ có trong tự nhiên và lây lan mạnh do tảo Cephaleuros virescenns là loại đa ký chủ, ký sinh trên nhiều loại cây trồng. Qua quan sát thực tế, bệnh phát triển mạnh ở những vườn rậm rạp không thông thoáng, thiếu chăm sóc, vườn phun nhiều phân bón lá hoặc những vườn cây lớn tuổi. Trong mùa mưa, nhất là trong những tháng mưa bão liên tục là điều kiện thuận lợi cho bệnh đốm rong phát triển.

Biện pháp phòng trừ

Để quản lý bệnh đốm rong, nhà vườn nên áp dụng các biện pháp phòng là chủ yếu:

- Nên chăm sóc cho cây phát triển khỏe mạnh, tưới nước đầy đủ trong mùa khộ và thoát nước tốt trong mùa mưa.

- Hàng năm sau thu hoạch nên vệ sinh vườn cây, cắt bỏ và tiêu hủy những cành già, lá già nhiễm bệnh, cành nằm trong tán không có khả năng cho trái để tạo thông thoáng vườn cây.

- Vườn cây trồng với mật độ vừa phải, hợp lý, không trồng quá dày.

- Bón phân đầy đủ và cân đối, tránh bón thừa đạm và nhất là không phun phân bón lá định kỳ. Tăng cường bón phân hữu cơ để cải thiện đất, hạn chế các yếu tố bất lợi cho sự sinh trưởng của cây.

-Thường xuyên thăm vườn khi phát hiện bệnh đốm rong xuất hiện trên lá sử dụng thuốc gốc Đồng (Coc 85, Kocide, Champion, Norshield,…) hoặc thuốc gốc lưu huỳnh (Kumulus, Sulox,…) phun trên lá. Nếu bệnh trên thân, cành có thể sử dụng thuốc gốc Đồng pha đậm đặc quét lên thân, cành. Trên những vườn thường xuyên bị nhiễm bệnh đốm rong có thể dùng vôi quét lên thân vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa để phòng ngừa bệnh./.


Độc đáo mô hình trồng rau khí canh Độc đáo mô hình trồng rau khí canh Nuôi heo rừng theo kiểu 'khác người' của anh Hai miền Tây Nuôi heo rừng theo kiểu 'khác người' của…