Tin nông nghiệp Phòng trừ bệnh loét trên cây có múi trong mùa mưa

Phòng trừ bệnh loét trên cây có múi trong mùa mưa

Tác giả Nguyễn Thị Nguyệt - Chi cục Bảo vệ Thực vật, ngày đăng 02/06/2018

Phòng trừ bệnh loét trên cây có múi trong mùa mưa

Trong mùa mưa, cây có múi thường bị nhiễm nhiều loại sâu bệnh, trong đó phổ biến nhất là bệnh loét làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và phẩm chất trái.

Bệnh xuất hiện trên cành, lá non và trái, dễ thấy nhất là trên lá và trái. Vết bệnh lúc đầu nhỏ, sũng ướt, màu xanh tối, sau đó biến thành màu nâu nhạt, mọc nhô lên trên mặt lá hay vỏ trái. Kích thước vết bệnh thay đổi tùy theo loại cây, từ 1-2mm trên quýt, 3-5mm trên cam mật và hơn 10mm trên cam sành, bưởi. Chung quanh vết bệnh trên lá có quầng màu vàng lớn nhỏ tùy loại cây, bề mặt vết bệnh sần sùi. Trên trái, vết bệnh tương tự như trên lá nhưng khó thấy quầng vàng xung quanh. Bệnh nặng các vết bệnh liên kết lại với nhau thành từ mãng lớn và bất dạng, đặc biệt là bệnh nhiễm theo các vết đục của sâu vẽ bùa. Bệnh loét thể hiện trên cả hai mặt lá. Bệnh gây hại ở vỏ trái làm giảm giá trị thương phẩm, phần thịt của múi trái có thể bị chai, trong điều kiện ẩm độ cao trái bệnh bị nứt chảy nhựa cuối cùng trái vàng và rụng đi. Cành non cũng thường bị nhiễm nặng, các đốm sần sùi đóng dày đặc làm khô chết cành. 

Bệnh do vi khuẩn Xanthomonas axonopodis pv.citri (tên cũ là Xanthomonas campestris pv.citri) gây hại. Vi khuẩn có thể xâm nhiễm qua vết thương hay khí khổng ở các bộ phận của cây. Lá, cành non, trái thường bị nhiễm qua khí khổng khi có sương hay mưa làm ướt vết bệnh, vi khuẩn trong vết bệnh sẽ ứa ra và từ đó gió, nước mưa, côn trùng (sâu vẽ bùa) sẽ làm lây lan bệnh. Trong các lá bệnh rơi rụng, vi khuẩn có thể tồn tại đến 6 tháng và là nguồn bệnh lây lan quan trọng. Các vườn trồng dày, thiếu chăm sóc hoặc các vườn ươm cây con; bón nhiều phân đạm là điều kiện tốt cho bệnh phát triển. 

* Biện pháp phòng trừ:

- Trồng cây với mật độ vừa phải. 

- Bón phân cân đối N-P-K, tránh bón thừa đạm. Nên bón nhiều phân hữu cơ.  

- Tăng cường thêm lượng phân kali cho vườn cây bị bệnh. 

- Cắt bỏ và tiêu hủy các bộ phận bị bệnh để hạn chế mầm bệnh lây lan, tạo thông thoáng vườn cây. 

- Kiểm tra nghiêm các giống cây nhập từ các nơi, các nước có bệnh này. 

- Trồng cây con sạch bệnh, dụng cụ làm vườn cũng nên khử trùng bằng Javel. 

- Trong vườn nên quét vôi vào gốc vào cuối mùa nắng, xới gốc và bón vôi sẽ hạn chế mầm bệnh phát triển. 

- Khi trong vườn có bệnh xuất hiện, không nên tưới nước thẳng lên tán cây sẽ làm cho mầm bệnh lây lan mạnh, chỉ tưới vào gốc cây và không nên tưới thừa nước.  

- Phun ngừa bằng các loại thuốc gốc đồng như Copper Zinc 85 WP; Funguran-OH, Coc 85 WP với liều lượng 20-30g/8 lít, trước khi mùa mưa đến, hoặc trước khi tưới nước cho ra hoa. 

- Phun trị bệnh bằng các loại thuốc như Kasuran 50 WP, New Kasuran 16,6 WP, Kasumin 2L, Starner 20 WP.


Phòng trừ bệnh ghẻ nhám trên cây có múi Phòng trừ bệnh ghẻ nhám trên cây có… Phòng trừ nhện hại trên cây có múi trong mùa nắng nóng Phòng trừ nhện hại trên cây có múi…