Phòng trừ bệnh phấn trắng gây hại chôm chôm
Câu hỏi: Vườn chôm chôm của tôi có dấu hiệu bị bệnh phấn trắng. Trái non bị một lớp phấn màu trắng xám bao phủ, trái bị khô đen rồi rụng. Xin hỏi cách phòng trừ bệnh này? Lê Văn Hải (Hòa Ninh- Long Hồ)
Trả lời:
Anh Hải mến! Bệnh phấn trắng chôm chôm do nấm Oidium sp gây hại trên các bộ phận còn non như cành, lá, hoa và trái.
Giai đoạn chôm chôm ra hoa, trái nhất là trong mùa mưa cũng là mùa bệnh phát triển mạnh. Những vườn chôm chôm trồng quá dày, cây giao tán nhiều, tán lá rậm rạp, vườn không thông thoáng, làm cho độ ẩm tăng cao, thường bị bệnh gây hại rất nặng.
Để phòng ngừa, từ khi đọt lá non ra rộ đến khi trái lớn, anh phải thường xuyên kiểm tra vườn cây để phát hiện sớm và phun thuốc diệt trừ bệnh ngay.
Sau khi thu hoạch trái thì tiến hành cắt tỉa những cành già cỗi, cành mang mầm bệnh, phát hoa, trái khô đen bị nhiễm bệnh còn sót lại của vụ trước, tỉa cành giúp vườn cây thông thoáng.
Xới nhẹ gốc, bón nhiều phân hữu cơ hoai mục, tưới hoặc rải nấm đối kháng Trichoderma giúp nhanh hoai mục xác bã thực vật, diệt nấm gây hại trong đất, bón đầy đủ phân NPK.
Khi phun thuốc, anh nên tránh phun vào giai đoạn ra hoa rộ, phun ngừa sớm khi những phát hoa bắt đầu nở.
Có thể sử dụng Canazole super 320EC 10- 12 ml/bình 16 lít; Carosal 50SC (1 lít thuốc) + Anvil 5SC (1 lít thuốc): Pha 2 loại thuốc trên trong bồn 1.000 lít nước, dùng máy bơm áp lực phun đều trên tán lá; Cantop M 72WP pha 15- 20g/bình 16 lít; hoặc phun thuốc chứa lưu huỳnh (Kumulus) tuy nhiên anh cần chú ý khi phun lúc trời nắng, nhiệt độ cao có thể làm rụng bông.
Nên phun thuốc lần 1 khi phát hoa vừa bung chà, phun lần 2 cách lần 1 là 7 ngày, lần 3 khi trái đã kết thúc giai đoạn rụng sinh lý.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ