Cà chua Phòng Trừ Bệnh Xoăn Lá Cà Chua

Phòng Trừ Bệnh Xoăn Lá Cà Chua

Ngày đăng 15/07/2012

Phòng Trừ Bệnh Xoăn Lá Cà Chua

Đó là các triệu chứng điển hình của bệnh xoăn lá virus. Bệnh này do virus gây ra và gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau, trong đó có nhóm cây rau thực phẩm bị hại nghiêm trọng nhất như cà chua, khoai tây, ớt, các cây họ bầu bí, các cây họ cà, thuốc lá, bông, đu đủ …Nếu không được phát hiện và có các biện pháp phòng trị kịp thời thì bệnh sẽ lan rộng, gây thiệt hại lớn làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm các loại rau quả, thậm chí có thể thất thu hoàn toàn.

Triệu chứng: Cây bị bệnh virus sinh trưởng kém, đốt thân hoặc các lóng ngắn lại và hơi uốn cong. Lá có màu xanh sáng, nhiều lá bị nhỏ lại, phiến lá gợn sóng, bề mặt lá trở thành láng bóng. Rìa lá uốn cong lên, xoăn lại thành hình lòng mo. Các lá non ở ngọn xoăn lại nhiều hơn. Bệnh thường xuất hiện rõ nhất vào giai đoạn ra nụ (đối với cà, ớt và cà chua). Cuối giai đoạn sinh trưởng, cây bị bệnh nặng sẽ lùn hẳn xuống, cành cong queo, quả rất ít hoặc hầu như không có.

Bệnh xoăn lá có thể xuất hiện ngay từ khi cây còn nhỏ trong vườn ươm cho tới khi trồng ra ruộng và tới khi thu hoạch. Bệnh xuất hiện càng sớm thì mức thiệt hại càng nặng. Tuy nhiên, trên cà chua và ớt nếu bệnh xuất hiện muộn thì chỉ ở những nhánh, lá non ra sau mới bị nhiễm bệnh, nhưng hoa và quả ở những nhánh trước đó cũng dễ bị rụng; nếu có quả thì quả nhỏ, không phát triển được, có vị đắng, không cho năng suất hoặc năng suất không cao.

Tác nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh:

Virus lây lan bằng dịch cây, bằng tiếp xúc cơ giới và chủ yếu là do các loại rệp muội (Brevicoryne brassicae L.) và bọ phấn (Bemisia tabaci) chích hút từ cây bệnh rồi truyền sang cây khoẻ. Mật độ bọ phấn và rệp càng cao thì tỷ lệ cây bị nhiễm bệnh xoăn lá càng nhiều. Thời tiết là yếu tố có ảnh hưởng nhiều đến mức độ phát sinh của bệnh. Hàng năm bệnh thường phát sinh, phát triển mạnh từ tháng 10 đến đầu tháng 11 (nhất là những năm có mùa đông ấm, nhiệt độ trên dưới 220C, nắng nhiều, ít mưa phùn) và gây hại nặng vụ cà chua xuân-hè tháng 3-4. Mức độ bị bệnh ở các giống khác nhau: các giống cà chua lai dễ bị nhiễm hơn các giống cà chua thuần; các giống mới nhập nội dễ nhiễm hơn các giống đã trồng qua nhiều năm; cà chua múi bị nhiễm nhiều hơn cà chua hồng; các giống cà chua bản địa có khả năng kháng bệnh virus rất cao...

Bệnh xoăn lá không lây truyền qua hạt giống mà nguồn bệnh lây lan chủ yếu do virus được giữ lại trong cơ thể của bọ phấn trắng. Mức độ phát sinh và gây hại của bệnh xoăn lá phụ thuộc rất nhiều vào qui luật phát sinh, phát triển và gây hại của các véc-tơ truyền bệnh như rệp muội và bọ phấn trắng. Khi mật độ của các loại rệp và bọ phấn này tăng lên thì tỷ lệ cây bị bệnh cũng tăng lên. Mà các loại côn trùng gây bệnh này phát sinh, phát triển gây hại mạnh nhất khi cây đang thời kỳ sinh trưởng mạnh, do đó bệnh xoăn lá cũng được lây lan nhanh chóng trong giai đoạn này và mức độ gây hại cũng tăng lên từ thời kỳ này cho tới khi thu hoạch.

Biện pháp phòng trừ: Nên sử dụng các giống chống chịu bệnh ở tỷ lệ thích hợp. Không trồng cà chua gần các loại cây trồng có cùng ký chủ với rệp muội và bọ phấn trắng như đã nêu trên để hạn chế lây lan virus. Làm sạch cỏ dại, hái bớt lá già cho thông thoáng nhằm hạn chế nơi trú ngụ của bọ trưởng thành. Bón phân cân đối giữa các nguyên tố đa lượng NPK, không bón quá nhiều đạm sẽ làm cho bộ lá phát triển tốt, thân lá mềm, tạo điều kiện cho rệp muội và bọ phấn chích hút lan truyền bệnh nhanh. Nhổ bỏ những cây bị bệnh đưa ra xa ngoài ruộng để hạn chế nguồn bệnh. Dùng bẫy đèn, bẫy dính màu vàng thu hút và bắt diệt bọ phấn.

Nếu mật độ rệp và bọ phấn nhiều có thể dùng một trong các loại thuốc trừ sâu sau để phun trừ: Ofatox 400EC, Polytrin 440 EC, Supracide 40 EC/ND; Selecron 500EC/ND v.v... pha theo nồng độ 0,10-0,15% (10-15 cc/bình 10 lít, phun 2-3 bình/sào Bắc bộ), phun kỹ trên tán, trong tán mới có tác dụng diệt sâu cao.


Giống Cà Chua Kim Cương Đỏ Chống Chịu Bệnh Sương Mai Giống Cà Chua Kim Cương Đỏ Chống Chịu… Kinh Nghiệm Chăm Sóc Cà Chua Trái Vụ Kinh Nghiệm Chăm Sóc Cà Chua Trái Vụ