Trồng lúa Phòng trừ rầy nâu hại lúa

Phòng trừ rầy nâu hại lúa

Tác giả Hồng Huệ, ngày đăng 27/09/2019

Phòng trừ rầy nâu hại lúa

Theo các nhà khoa học, trong các loại dịch hại trên cây lúa, rầy nâu là mối đe dọa nghiêm trọng hơn cả. 

Ngoài việc trực tiếp gây hại cho cây lúa, chúng còn là môi giới truyền các bệnh làm giảm năng suất và sản lượng lúa như bệnh lùn xoắn lá, bệnh lúa cỏ và bệnh vàng lùn.

Đặc điểm gây hại của rầy nâu là, vào thời kỳ lúa đẻ nhánh nếu bị hại thì hình thành các vết màu nâu đậm, nếu bị hại nặng thì làm cho cây vàng còi cọc, khô héo và chết. Lúa thời kỳ làm đòng, trỗ bông nếu bị rầy gây hại với mật độ cao, làm cây khô héo, hạt và bông lép đen một phần hoặc cả bông. Khi lúa bị gây hại đồng thời tạo điều kiện cho nấm, bệnh xâm nhập làm cây thối nhũn, đổ rạp có thể lan rộng ra cả ruộng, cả cánh đồng nếu không phòng trừ kịp thời.

Rầy trưởng thành có 2 dạng là cánh ngắn và cánh dài. Con cái dạng cánh dài có chiều dài khoảng 4,5 - 5 mm, con đực dài khoảng 3,6 - 4 mm. Trứng có dạng quả chuối tiêu, xếp thành hàng, nằm sát nhau theo kiểu úp thìa đầu nhỏ quay vào trong, đầu to quay ra ngoài của bẹ lá, trứng mới đẻ có màu trắng, gần nở có màu vàng xám. Rầy non có 5 tuổi, rất linh hoạt, tuổi 2 - 3 trở lên có màu nâu vàng, trưởng thành có màu nâu tối.

Ngoài ra, cây lúa bị áp lực ngày càng nặng bởi sự tấn công gây hại của các đối tượng sâu bệnh khác cũng khiến hàng năm nông dân phải tiêu tốn một khối lượng thuốc BVTV khá lớn để phòng trừ, vừa tốn kém vừa gây tác hại đến môi trường.

Nhằm hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững, TS. Hồ Văn Chiến, nguyên Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam cảnh báo nông dân cần thay đổi dần phương cách quản lý các loại bệnh và côn trùng gây hại lúa theo hướng thân thiện với môi trường. Đối với rầy nâu, để hạn chế tác hại của rầy, cần áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM trên đồng ruộng. Sử dụng giống kháng rầy, vệ sinh đồng ruộng, sạ cấy thưa, bón phân NPK cân đối.

Đồng thời, cần bảo vệ và tăng cường hoạt động của các loài ký sinh thiên địch như tạo nơi cư trú, hạn chế sử dụng thuốc hóa học trong giai đoạn đầu của cây lúa. Khi mật độ rầy khoảng 50 - 60 con/khóm, tương đương 1.500 con/m2 trở lên thì sử dụng thuốc đặc hiệu để phun trừ. Nếu mật độ cao cần phun 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 5 - 7 ngày.

Hiện nay, việc áp dụng "1 phải 5 giảm" chính là một trong những biện pháp được khuyến cáo áp dụng triệt để trong canh tác lúa thông minh. Đây được coi là tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa và khắc phục được những hạn chế của phương pháp "3 giảm, 3 tăng". Thực chất "1 phải 5 giảm" là gói kỹ thuật nâng cao từ "3 giảm, 3 tăng" gồm giảm lượng hạt giống, giảm lượng phân đạm bón thừa, giảm thuốc hóa học, giảm lượng nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch.

Cụ thể, các nhà khoa học khuyến cáo, bà con nên sạ thưa từ 80 - 100 kg giống/ha sẽ mang lại hiệu quả cao nhất. Chế độ bón phân để cây lúa khỏe, tăng cường khả năng phòng chống sâu bệnh hại là bón đúng thời điểm sinh trưởng của cây lúa và đủ liều lượng vào các giai đoạn như trước khi gieo sạ, nên bón lót phân chuyên dùng Đầu Trâu Mặn Phèn, với lượng bón 100 – 160 kg/ha.

Giai đoạn 7-10 ngày sau sạ, bón thúc 1, phân Đầu Trâu TEA1, lượng bón 100-150kg/ha

Giai đoạn 18-22 ngày sau sạ, bón thúc 2, phân Đầu Trâu TEA1, lượng bón 120-150 kg/ha

Giai đoạn 38-42 ngày sau sạ, bón thúc 3, phân Đầu Trâu TEA2, lượng bón 80-100 kg/ha

Hiện tại, nhiều địa phương không chỉ ứng dụng gói kỹ thuật "1 phải 5 giảm" mà còn kết hợp với quản lý sâu bệnh theo chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) vào sản xuất, từ đó thu được rất nhiều lợi ích.


Bón phân đón đòng cho lúa trong điều kiện thời tiết bất lợi Bón phân đón đòng cho lúa trong điều… Giải pháp tối ưu phòng trừ bệnh cháy bìa lá Giải pháp tối ưu phòng trừ bệnh cháy…