Ca cao Phòng trừ sâu bệnh hại ca cao trong mùa mưa

Phòng trừ sâu bệnh hại ca cao trong mùa mưa

Tác giả Nguyệt Anh, ngày đăng 07/06/2018

Phòng trừ sâu bệnh hại ca cao trong mùa mưa

Hiện nay, ca cao là loại cây công nghiệp có nhiều triển vọng kinh tế để đưa vào hệ thống canh tác ở các tỉnh phía Nam. Với đặc tính chịu rợp, ca cao có thể trồng xen trong các vườn dừa, vườn cây ăn trái và những cây trồng khác. Ngoài ra, thị trường ca cao trên thế giới luôn có sẵn nên đầu ra rất ổn định. Vì thế, diện tích trồng ca cao hiện nay đang ngày càng mở rộng. Tuy nhiên,  giống như những loại cây trồng khác, ca cao cũng bị nhiều loại sâu bệnh tấn công. Trong đó phổ biến nhất là bọ xít muỗi và bệnh loét thân phát triển mạnh trong mùa mưa. 

Bọ xít muỗi là dạng bọ xít nhưng nhìn rất giống con muỗi, có tên khoa học là Helopeltis spp, thuộc bộ cánh nữa, họ bọ xít mù, gồm nhiều loài nhưng phần lớn tập quán sinh hoạt gần giống nhau. Nông dân dễ phát hiện chúng trên cây vì chúng có kích thước tương đối lớn. Con trưởng thành màu vàng nâu hay xám nhạt, mình mềm, dài khoảng 8 mm, có chân, râu rất dài và vòi chích hút dài, đầu màu nâu sẫm, cổ thắt nhỏ, có khoang vàng. Con cái đẻ trứng rãi rác vào các đọt non và trái non. Trứng nở bọ xít non màu vàng nhạt thấy rõ mầm cánh, bọ xít non chích hút nhựa trên đọt, cành non và trái non. Trái bị chích có nhiều vết thâm đen, dị dạng, ít hạt. Sự thiệt hại sẽ nặng nề hơn khi có sự kết hợp tấn công của nấm bệnh, vì vết chích là cửa ngõ tốt để nấm xâm nhập vào. Chủ yếu bọ xít muỗi gây hại trên ca cao, nhưng chúng còn gây hại cả trên ổi, siêm,… 

Phòng trừ

+ Vệ sinh vườn sạch, tỉa bớt những cành nhánh không cần thiết.

+ Bọ xít muỗi có thể phòng trừ rất hữu hiệu bằng cách nuôi kiến đen loài Dolichoderus thoracicus. Đây là loài thiên địch rất quan trọng và phổ biến trên ca cao. Vườn ca cao trồng xen dừa lại là điều kiện rất tốt để loài kiến này lưu trú bền vững…

+ Có thể phun các loại thuốc: Map Jono 700WP, SK-EnSpray 99, Actara 25WG,.... Phun thuốc trừ bọ xít muỗi vào lúc sáng sớm lúc côn trùng di chuyển chậm chạp sẽ dễ bị ảnh hưởng thuốc. Chú ý: để nông sản được an toàn,  khi phun thuốc cần đảm bảo đúng thời gian cách ly để trái không còn dư lượng thuốc BVTV.

Bệnh loét thân là bệnh chính trên ca cao, xuất hiện mọi nơi, mọi giai đoạn sinh trưởng từ vườn ươm (thối lá) đến khi cây lớn và thu hoạch (thối trái, loét thân). Bệnh do nấm Phytophthora palmivora gây ra. Trên lá, bệnh làm lá bị cháy thành từng mãng, cây còi cọc, sinh trưởng kém. Trên thân, bệnh gây những vết sũng nước gần gốc, bệnh phát triển nhanh vòng quanh thân, làm các lá bị vàng, rụng, bên trong thân mạch dẫn bị hóa nâu, bị nặng có thể làm chết cây. Trên trái, bệnh lúc đầu xuất hiện với những đốm mờ, khoảng 2 ngày sau khi nhiễm, các đốm chuyển sang màu nâu sô cô la, sau đó bị đen và lan rộng nhanh chóng khắp trái. Trong vòng 14 ngày, trái trở nên đen hoàn toàn và các mô bên trong bao gồm cả hạt, khô quắt lại. Trái khô quắt này là nguồn lây nhiễm chính của nấm P.palmivora.. Bệnh thường xuất hiện trong mùa mưa, ẩm độ cao, nhiệt độ thấp, độ PH đất thấp, vườn khó thoát nước là điều kiện thích hợp cho nấm phát triển và gây hại. 

Phòng trừ: Đất trồng phải được lên mô cao ráo, tơi xốp, thoát nước tốt, trồng xen với khoảng cách hợp lý, tránh độ ẩm cao ở phần gốc. Kết hợp với việc tỉa cành tạo tán giúp cho cây được thông thoáng để hạn chế bệnh phát triển. Khi trong vườn có cây bị bệnh, dùng dao cạo bỏ phần vỏ bị nhiễm và dùng thuốc Ridomyl Gold, Mataxyl 25WP hoặc Aliette 80WP pha với liều lượng 20 g/lít nước rồi dùng cây cọ sơn bôi thuốc lên chổ đã cạo nhiều lần đến khi vết bệnh khô hẳn. Trong giai đoạn cây cho trái cần phun ngừa định kỳ 10-15 ngày một lần để tránh bệnh xâm nhiễm làm trái bị thối bằng các loại thuốc như trên theo liều lượng khuyến cáo, có thể sử dụng thuốc Phosphonate để bơm vào trong thân cây cũng có tác dụng phòng ngừa bệnh rất tốt. Sau mỗi 3 tháng bơm một lần, tuy nhiên trong mùa mưa do lượng nước trên cây nhiều nên tốc độ bơm rất chậm. 

Vườn cây nên bón nhiều phân hữu cơ và cung cấp nấm đối kháng Trichoderma vào trong đất xung quanh gốc cây để nấm hoạt động và tiêu diệt các mầm bệnh. Gốc cây cũng nên được quét vôi mỗi năm từ 1 đến 2 lần, vào cuối mùa nắng hay đầu mùa mưa và cuối mùa mưa, chiều cao của vết quét ít nhất là 50 cm kể từ gốc cây, xung quanh gốc có thể rải vôi.


Sâu bệnh hại cây ca cao và các biện pháp phòng trừ (Phần 1) Sâu bệnh hại cây ca cao và các… Mô hình trồng ca cao xen dừa cho năng suất, lợi nhuận cao Mô hình trồng ca cao xen dừa cho…