Phòng trừ sâu, bệnh hại cây có múi
Hiện nay tại nhiều địa phương trong tỉnh, một số loại sâu, bệnh đã phát sinh và đang bắt đầu gây hại trên cây ăn quả như: Bệnh ghẻ sẹo, bệnh chảy gôm, sâu vẽ bùa, sâu đục thân, ruồi đục quả… Diễn biến này đòi hỏi người nông dân cần chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ, đảm bảo điều kiện sinh trưởng, phát triển tốt cho vườn cây trồng.
Anh Hà Đình Dương, cán bộ khuyến nông huyện Hàm Yên (người đứng ngoài) kiểm tra và hướng dẫn người dân thôn Đồng Gianh, xã Đức Ninh (Hàm Yên) nhận biết sâu, bệnh phát triển đến ngưỡng để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Gần 1 tháng nay, vườn bưởi, cam của gia đình ông Vũ Văn Thuyên, thôn Đồng Gianh, xã Đức Ninh (Hàm Yên) xuất hiện sâu vẽ bùa, bệnh ghẻ sẹo gây hại trên lá, quả non. Ngay sau khi phát hiện có sự phá hoại của sâu, bệnh ông Thuyên đã chủ động phòng trừ bằng cách tỉa cành, tạo tán cho thông thoáng, tăng cường tưới nước và bón phân để cây ra lộc tập trung. Riêng đối với bệnh ghẻ sẹo ông Thuyên đang tiếp tục theo dõi nếu bệnh không có dấu hiệu giảm ông sẽ phun thuốc trừ.
Vườn bưởi hơn 500 gốc của ông Trịnh Văn Lực, thôn Đô Thượng 4, xã Xuân Vân (Yên Sơn) cũng đang bị sâu vẽ bùa, nhện đỏ, bệnh thán thư gây hại rải rác trên quả non và lá. Ông Lực cho biết, do thời tiết độ ẩm cao nên sâu, bệnh phát triển mạnh hơn so với những vụ trước. ông Lực thường xuyên thăm vườn theo dõi diễn biến để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Theo tổng hợp của Trạm Trồng trọt và BVTV các huyện: Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa sâu vẽ bùa, nhện đỏ, bệnh thán thư, ghẻ sẹo đang xuất hiện trên diện tích cây ăn quả với tỷ lệ hại phổ biến 2 - 3% số lá, quả một số nơi có tỷ lệ hại cao 5 - 10% số lá, quả. Trong đó, bệnh ghẻ sẹo đã có 18 ha diện tích nhiễm, nhện đỏ có 16 ha bị nhiễm, bệnh thán thư có 53 ha bị nhiễm tập trung tại 2 huyện Yên Sơn, Hàm Yên.
Dự báo trong thời gian từ nay đến cuối tháng 8, các đối tượng chính tiếp tục gây hại trên vườn cây có múi là bệnh ghẻ sẹo, bệnh loét, sâu vẽ bùa, rệp, nhện đỏ...
Trước diễn biến trên, Chi cục Trồng trọt và BVTV lưu ý nông dân phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây có múi cần tuân thủ nguyên tắc phòng trừ tổng hợp (IPM) bằng các biện pháp vệ sinh vườn, cắt tỉa những cây bị nhiễm bệnh ra khỏi vườn; sử dụng các thiên địch, canh tác... và chỉ sử dụng hóa chất bảo vệ khi sâu, bệnh vượt quá mức cho phép. Riêng đối với các bệnh do virus và siêu vi khuẩn phải chủ động phòng bằng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp chứ không chữa trị được bằng các loại thuốc hóa học, bắt đầu từ khâu nhân giống sạch bệnh tới các kỹ thuật canh tác, vệ sinh đồng ruộng, diệt trừ môi giới truyền bệnh...
Chi cục khuyến cáo, ngay từ bây giờ, các địa phương có diện tích cây có múi cao như Hàm Yên, Yên Sơn, Chiêm Hóa... cần chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh để hạn chế thấp nhất khả năng phát sinh và lây lan gây hại của sâu, bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ