Phòng trừ sâu bệnh hại cây dâu đầu mùa mưa
Dâu là loại cây trồng ít kén đất, có tính thích nghi tốt, chịu được hạn nhưng không chịu úng. Bộ rễ dâu thường ăn nông, nên có thể trồng được ở các vùng đất không cần sâu lắm. Hiện nay, có nhiều giống dâu năng suất cao và chất lượng ngon, ngọt như dâu Hạ Châu, dâu xanh Gia bảo,… được trồng xen trong vườn cây ăn trái. Mặc dù cây dâu ít sâu bệnh nguy hiểm, nhưng cũng có một số dịch hại phổ biến, đáng quan tâm như rệp sáp và bệnh thối trái thường xuất hiện nhiều trong mùa nắng chuyển đầu mùa mưa.
Có hai loài rệp sáp gây hại trên cây dâu, đó là Crypticerya jacobsoni và Icerya aegyptiaca nhưng phổ biến nhất là Crypticerya jacobsoni. Thành trùng rệp sáp có hình bầu dục, mặt lưng ít nhô cao, phần đầu ngực hẹp hơn phần bụng. Cơ thể có màu cam, bên ngoài phủ một lớp sáp trắng như phấn. Chung quanh cơ thể có 10 đôi tua sáp xếp đối xứng nhau. Trứng có hình bầu dục, màu vàng tươi. Ấu trùng mới nở cũng có màu vàng tươi, hình bầu dục. Ấu trùng tuổi 2 đã phủ đầy tua sáp trắng. Rệp cái có khả năng đẻ rất sai. Thành trùng cái tiết ra các sợi tơ sáp như bông gòn ở phía dưới mặt bụng và đẻ trứng vào đó.Trứng được đẻ và được kết dính thành một khối bên dưới phần bụng. Khi rệp con nở ra có chân khoẻ và bò đi tìm nơi thích hợp để sống. Rệp sáp gây hại trên cành, lá và chùm trái. Rệp gây hại bằng cách chích hút các bộ phận non của dâu như đọt non, cuống trái và trái non. Tuy nhiên cả những trái lớn vẫn bị rệp tấn công. Rệp sáp thường sống tập trung với mật số cao trong suốt giai đoạn của trái. Trên lá, rệp chích hút làm lá bị vàng, có thể rụng sớm. Trên trái, rệp thường tập trung ở đầu trái, dưới lá đài, tiếp giáp với cuống trái hoặc tập trung ở những cuống chùm trái, chích hút cả trái non và trái lớn, làm trái non kém phát triển, nhỏ. Ngoài ra mật ngọt do rệp tiết ra còn hấp dẫn nấm bồ hóng phát triển bao kín các bộ phận lá, trái,… làm ảnh hưởng đến sự quang hợp của cây và làm cho trái mất giá trị thương phẩm. Rệp sáp thường gây hại nặng vào mùa nắng cho đến đầu mùa mưa.
Rệp sáp là loài côn trùng đa thực, chúng gây hại trên tất cả các bộ phận của cây dâu và tấn công trên nhiều cây trồng khác như chôm chôm, sầu riêng, mãng cầu,… cho nên việc phòng trừ chúng đôi khi gặp khó khăn vì nguồn thức ăn luôn có liên tục trong vườn.
* Biện pháp phòng trị rệp sáp
Để hạn chế tác hại của rệp sáp cần áp dụng nhiều biện pháp và phải thực hiện đồng thời trên các loại cây ký chủ của rệp trong vườn
- Không nên trồng xen trong vườn những cây dễ nhiễm rệp sáp như sua đũa, bình bát,…
- Dùng máy bơm nước có áp suất cao, tia nước mạnh xoáy vào những chổ bị rệp bám sẽ rửa trôi bớt rệp;
- Trong điều kiện tự nhiên thiên địch có nhiều loài thiên địch tấn công, phổ biến nhất là ong ký sinh thuộc giống Anagyrus và các thiên địch ăn mồi như kiến vàng, bọ rùa ,…
- Thường xuyên dọn dẹp vệ sinh vườn, không trồng mật độ quá dày để tạo thông thoáng vườn cây;
- Thường xuyên kiểm tra vườn nhất là giai đoạn ra hoa, trái non để kịp thời phát hiện rệp sáp khi mật số còn thấp và chưa phát tán rộng sẽ dễ xử lý. Sử dụng Dầu khoáng hoặc thuốc hóa học có hiệu quả trên rệp sáp như: Movento 150OD, AnBoom 40EC,… Lưu ý vì rệp sáp có một lớp sáp bao phủ bên ngoài nên khi phun phải thật kỷ hoặc có thể pha thêm chất bám dính vào dung dịch thuốc để đạt hiệu quả cao. Khi hết rệp sáp thì nấm bồ hóng cũng không còn phát triển.
Ngoài ra, bệnh thối trái khá phổ biến trên cây dâu. Bệnh do nấm Phytophthora sp. gây ra. Chúng thường gây hại phổ biến trên trái, lá, ít gây hại thân. Bệnh tấn công trên lá, làm cháy lá. Nguy hiểm nhất, nấm gây hại trên trái, làm trái bị thối hàng lọat. Vết bệnh khởi đầu một vài chấm nhỏ màu nâu đen trên trái. Sau đó, phát triển lan rộng đến nữa trái hoặc cả trái, vỏ trái chuyển màu nâu và ăn sâu vào thịt trái, làm thịt trái bị nhũn thối có mùi hôi chua, khó chịu. Ẩm độ cao, trên vết bệnh hình thành những tơ nấm trắng. Bệnh làm trái hư, rụng sớm, bệnh nặng làm thối cả trái và lây lan rất nhanh sang những trái khác. Bệnh thường gây hại ở giai đọan trái lớn và cả trái sau thu họach.
Bệnh phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng và mưa nhiều, vườn cây rậm rạp, đất ẩm thấp, trên những cùm trái phía dưới gần mặt đất hoặc những chùm nằm trong tán lá dày che phủ… Từ các vết bệnh ban đầu của sợi nấm sẽ sản sinh rất nhiều bào tử và lây lan rất nhanh trong điều kiện có gió, mưa. Nguồn nước tưới trong vườn cũng là yếu tố làm cho nấm phát tán, lây lan. Nấm lưu tồn chủ yếu trong đất, trong nước và trong các bộ phận bị bệnh của cây .
* Biện pháp phòng trừ bệnh thối trái
- Vệ sinh vườn cây cho thông thoáng, thu gom những trái bệnh đem tiêu hủy.
- Vườn cần cao ráo, thoát nước tốt trong mùa mưa.
- Hạn chế sử dụng phân bón lá hoặc thuốc kích thích sinh trưởng
- Bón phân chuồng hoai mục kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma để hạn chế bệnh phát triển.
- Phát hiện bệnh mới chớm phun các lọai thuốc trừ bệnh có hoạt chất Metalaxyl, Mancozeb, Fosetyl-aluminium, thuốc gốc đồng… Trong những đợt mưa kéo dài, ẩm độ cao có thể xử lý thuốc bệnh lần 2 sau lần thứ nhất từ 5 - 7 ngày.
Chú ý: khi sử dụng thuốc vào giai đoạn trái nên chú ý đảm bảo đúng thời gian cách ly để tránh dư lượng thuốc tồn trong trái sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ