Mô hình kinh tế Phòng trừ sâu bệnh phá hại lúa hè thu

Phòng trừ sâu bệnh phá hại lúa hè thu

Ngày đăng 29/08/2015

Phòng trừ sâu bệnh phá hại lúa hè thu

Rầy nâu đã và đang xuất hiện phá hại trà lúa hè thu. Để không xảy ra cháy rầy, ngành chức năng khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện để phun thuốc trừ rầy.

Vụ lúa hè thu năm 2015, nông dân xuống giống hơn 56.300ha. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu, hiện có hơn 4.100ha lúa hè thu nhiễm rầy nâu. Trong đó, diện tích lúa nhiễm rầy cần phòng trừ hơn 2.450ha. Mật số rầy từ 1.500 - 3.000 con/m2, có nơi 4.000 - 5.000 con/m2.

Ngành chức năng khuyến cáo, nếu nông dân không phòng trừ tốt, khả năng sẽ xảy ra cháy rầy. Vì thế, bà con phải thường xuyên thăm đồng, đồng thời cán bộ bảo vệ thực vật cùng nông dân bám sát đồng ruộng để kịp thời phát hiện rầy và phun thuốc phòng trừ. Địa phương có diện tích lúa nhiễm rầy nâu nhiều nhất là huyện Phước Long với 2.500ha, diện tích cần phòng trừ là 1.500ha.

Ngoài rầy nâu, bệnh đạo ôn cũng đang xuất hiện trên các trà lúa hè thu sắp cho thu hoạch. Huyện Vĩnh Lợi là điểm nóng về bệnh đạo ôn. Toàn huyện có 1.500ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn, nông dân đã ra quân phòng trừ triệt để 1.200ha.

Bà Hồng Kim Thư, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: “Hai đối tượng gây hại lúa hè thu mà nông dân cần quan tâm là rầy nâu và bệnh đạo ôn cổ bông. Đối với đạo ôn bông, bà con cần phun thuốc trên bông 2 lần trước khi lúa trỗ và sau khi lúa trỗ từ 5 - 7 ngày”.

Theo ngành chức năng, thời gian tới, nông dân cần chú ý các loại dịch bệnh như cháy bìa lá, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân, khô vằn, đạo ôn và lép hạt… Nhất là bệnh đạo ôn lá trên trà lúa hè thu xuống giống muộn trong giai đoạn đẻ nhánh làm đòng, và đạo ôn cổ bông ở các trà lúa sắp thu hoạch.


Vùng cao Quảng Nam kỳ vọng thoát nghèo từ sâm Ngọc Linh Vùng cao Quảng Nam kỳ vọng thoát nghèo… Tập huấn mô hình trồng nấm bào ngư, nấm linh chi Tập huấn mô hình trồng nấm bào ngư,…