Nuôi thỏ Phòng và trị bệnh cho thỏ - Phần 2

Phòng và trị bệnh cho thỏ - Phần 2

Tác giả Farmvina, ngày đăng 16/11/2018

Phòng và trị bệnh cho thỏ - Phần 2

5/ Bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ là bệnh hay lây, một vài con thỏ trong trại bị bệnh này thì không bao lâu các con khoẻ mạnh xung quanh cũng sẽ bị lây, và khi bệnh đã trở nặng thì rất khó trị.

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh này:

Do loài ký sinh là ve Cuniculi thường sống chui rúc trong tai thỏ. Cũng do các loại ký sinh khác như Sarcoptes scabiei chẳng hạn. Ký sinh trùng sẽ sinh sôi nẩy nở nhanh khi môi trường sống của thỏ quá ướt át, ẩm thấp, rau cỏ cho thỏ ăn vừa dơ bẩn, vừa ướt …

Ký sinh trùng bám chặt vào gốc lông thỏ ở vành tai, các kẻ chân rồi khoét sâu vào da để hút máu. Trước hết, chúng tạo nên những đám vảy nhỏ sần sùi ngoài mặt da, sau đó vết ghẻ lan rộng dần khiến trụi hết lông từng mảng.

Bệnh này gây cho thỏ lúc nào cũng cảm thấy bị ngứa ngáy khó chịu, đến nổi bỏ cả ăn cả uống. Chúng ngồi một chỗ đưa cao hai bàn chân trước lên vuốt tai (gãi) nên ký sinh trùng từ tai (nơi xuất phát) mới có cơ hội tốt lây sang các kẻ ngón chân, vốn thường nhớp nháp và ướt áp do sàn chuồng ướt và bẩn.

Và, từ đó bệnh lây lan dần khắp mình thỏ, nhưng nặng nhất vẫn là hai bộ phận tai và kẻ ngón chân.

Nên cách ly thỏ mới chớm bệnh này nuôi riêng để chữa trị. Nếu bệnh mới phát (thấy thỏ ưa gãi tai) cách chữa trị cũng dễ. Chỉ khi bệnh quá nặng, trông con thỏ như bị cùi hủi thì mới bó tay mà thôi.

Cách chữa trị theo dân gian là dùng bàn chải nhỏ (bàn chải đánh răng) chà xát cho tróc vảy ghẻ, sau đó sát trùng ngày vài lần, và liên tiếp năm bảy ngày. Hoặc sau khi chà xát cho vảy ghẻ tróc hết, dùng bột lưu huỳnh trộn với nhớt máy hoặc dầy ăn bôi lên cho đến ngày vết ghẻ khô mặt.

Ngày nay, nhiều người sát trùng vết thương với cồn 90 độ, sau đó xức thuốc đỏ hay thuốc xanh.

Phòng ngừa bệnh ghẻ bằng cách giữ môi trường sống của thỏ được khô ráo; thức ăn xanh như rau cỏ tươi cần được rửa sạch và hong gió cho ráo nước mới cho thỏ ăn.

6/ Bệnh bọ chét

Bệnh bọ chét của thỏ bị lây từ chó mèo sang. Bệnh do nhiều loại ký sinh trùng gây ra, trong đó có Ctenocephalides canis. Bệnh này cũng gây cho thỏ chứng ngứa ngáy khó chịu, trên mình lông cũng bị rụng từng mảng như khi bị bệnh ghẻ và ốm yếu dần do mất máu.

Thỏ bị bệnh này cũng biếng ăn, thân gầy gò kiệt sức dẫn đến chết mòn.

Phòng ngừa bằng cách ngăn ngừa triệt để chó mèo, không cho chúng xâm nhập và lai vãng gần khu vực nuôi thỏ. Tốt nhất là điều trị bệnh ve và bọ chét cho chó mèo và cả thỏ bệnh. Đồng thời phải làm vệ sinh chuồng trại cho sạch sẽ. Xịt thuốc trừ bọ chét của chó mèo lên mình thỏ đang bị bọ chét tấn công.

7/ Bệnh ăn lông

Thỏ có tật ăn lông của chính nó và ăn lông của thỏ khác nuôi chung đàn. Bệnh này chưa rõ nguyên nhân, có thể là do khẩu phần ăn thiếu bổ dưỡng, hoặc do cơ thể nó đang thiếu trầm trọng một chất gì đó, chẳng hạn như gà công nghiệp ăn lông lẫn nhau là do thiếu rau tươi trong khẩu phần ăn.

Lông vào miệng thỏ nếu số lượng nhiều dễ gây tắc nghẽn đường ruột khiến nhu động ruột yếu dần. Thỏ bệnh thường ủ rủ, hơi thở nặng nhọc khó khăn, biếng ăn, thỉnh thoảng nghiến răng, đi tiêu ít phân, viên phân nhỏ, hoặc lỏng, đôi khi có nhớt lầy nhầy. Nếu không có cách chữa trị kịp thời thỏ sẽ chết sau vài ba ngày.

Phòng ngừa bằng cách nuôi cách ly những con thỏ có triệu chứng ăn lông. Và điều trị bằng cách cho thỏ uống nước trái thơm (trái dứa) để dễ thông ruột. Hiện nay tại nước ta chưa có thuốc đặc trị bệnh ăn lông này cho thỏ.

8/ Bệnh giun sán

Có nhiều loại giun sán sống ký sinh trong ruột thỏ. Giun sán nói chung xâm nhập vào ruột thỏ qua thức ăn nước uống có lẫn trứng hoặc ấu trùng, sau đó sinh sôi nẩy nở ra nhiều và giết hại thỏ.

Giun tròn: Sống ký sinh trong ruột thỏ, ăn hết chất dinh dưỡng nuôi sống thỏ khiến thỏ bệnh suy kiệt sức lực dần do thường xuyên đau bụng, bỏ ăn nên xù lông, dáng mệt mỏi trông thảm hại. Nếu số lượng giun nhiều có thể gây chứng tắc ruột khiến thỏ bị chết. Nhưng thường thì có một số lượng giun và trứng bị lực nhu động của ruột thỏ tống khứ bớt ra ngoài qua ngã hậu môn. Và vòng đời của chúng lại tiếp tục.

Sán lá gan:  Sống ký sinh ở gan thỏ như loài Fasciola Hepatica, F. Gigantica có nhiều trong loài ốc nước ngọt ở các đầm lầy và đồng cỏ ngập nước tù đọng. Ấu trùng của sán xâm nhập vào ruột thỏ cũng qua đường tiêu hoá do ăn phải cỏ có trứng và ấu trùng sán bám vào.

Phòng ngừa bệnh giun sán bằng cách cho thỏ ăn rau cỏ đã được rửa sạch nhiều nước. Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và giữ gìn khô ráo.

Điều trị bệnh giun cho thỏ bằng thuốc Piperazine và điều trị bệnh sán lá gan cho thỏ bằng thuốc Thiabendazol hay Praziquantel.

Ngoài những bệnh thường gặp vừa kể trên, thỏ còn vướng phải nhiều thứ bệnh tương tự như các loài động vật khác như: viêm vú, viêm tinh hoàn …

Có điều nhiều bệnh ta có thể chữa trị lành được, nhưng gặp trở ngại là chi phí bệnh khá cao, tốn kém gấp nhiều lần giá trị con thỏ. Vì vậy lời khuyên của chúng tôi là nên dồn công sức vào việc ngừa bệnh cho thỏ.


Kinh nghiệm của người nuôi thỏ Newzealand, lãi 12 triệu/tháng Kinh nghiệm của người nuôi thỏ Newzealand, lãi… Phòng và trị bệnh cho thỏ - Phần 1 Phòng và trị bệnh cho thỏ - Phần…