Phú Yên giảm mật độ nuôi tôm thẻ chân trắng
Ông Nguyễn Văn Nhàn, một người chuyên nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã An Hải (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), cho hay: Tôi có đìa nuôi tôm rộng 2.000m2, nếu nuôi theo mô hình công nghiệp thì mỗi vụ thả gần 1 triệu tôm post, trong đó tôm post giống gần 100 triệu đồng. Cộng với công cải tạo hồ gần 30 triệu đồng nữa thì tổng cộng chi phí đầu tư ban đầu khoảng 130 triệu đồng.
Thế nhưng thời gian gần đây, tôi hạ chi phí đầu tư, đầu vụ chỉ thả 30 vạn con giống, tương đương 30 triệu đồng, công cải tạo hồ nữa thì hết 50 triệu đồng. Không chỉ tôi mà người nuôi tôm từ đây qua xã An Ninh Đông (huyện Tuy An), đìa nuôi nào cũng vậy.
Lý do ông Nhàn và nhiều người nuôi tôm quanh vùng chọn cách giảm mật độ nuôi đồng thời giảm chi phí đầu tư là đề phòng khi xảy ra rủi ro tôm chết thì lỗ ít, ngược lại trúng vụ thì thu nhập cũng không cao nhưng đó là giải pháp xoay xở đồng vốn.
Ông Đinh Văn Mới, một người nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), cho biết: Tôi có đìa nuôi tôm rộng 1.000m2, nếu nuôi theo công nghiệp cỡ ao nuôi của gia đình tôi thu 8-9 tấn tôm thành phẩm, vụ rồi tôi thả thưa chỉ thu 4 tấn, giá bán vừa qua 100.000 đồng/kg (100 con/kg), thu 400 triệu đồng, trừ chi phí lãi 150 triệu đồng.
Năm rồi, ông Mới nuôi tôm thẻ chân trắng sau 1 tháng nuôi tôm chết, mỗi vụ lỗ trên 60 triệu đồng. Vụ này trúng tôm nhưng số lượng nuôi thưa, số tiền thu được bù lỗ năm trước, còn dư số ít.
Cũng theo ông Mới, hiện nay môi trường ô nhiễm nên nuôi tôm ít khi suôn sẻ, vụ nào cũng có tôm chết, nếu phòng ngừa kịp thời thì tôm chết rải rác, có hồ nuôi chết sạch nên người nuôi chọn giải pháp nuôi thưa theo cách “ăn ít no lâu”.
Theo kinh nghiệm nhiều người nuôi tôm thẻ chân trắng ở các huyện Đông Hòa, Tuy An thì nuôi tôm phụ thuộc rất nhiều vào con giống. Chọn giống rõ nguồn gốc, sạch bệnh thì trong quá trình nuôi thường không xảy ra dịch bệnh, tuy nhiên nhiều người ham rẻ thả giống chất lượng thấp thì dịch bệnh tràn lan.
Ông Phạm Văn Tấn, một người nuôi tôm ở xã An Ninh Đông, bày tỏ: Tôi mua giống xịn, 100 vạn con giá 100 triệu đồng, có người ham rẻ mua 100 vạn giá chỉ 30-50 triệu đồng, sau một thời gian nuôi tôm bị bệnh, người nuôi xả nước ra môi trường, con nước chảy từ xã An Hải qua xã An Ninh Đông mang theo mầm bệnh, khi các đìa ở đây lấy nước vào thì dòng nước ô nhiễm ảnh hưởng toàn vùng nuôi nên tôm đìa nào cũng bệnh.
Không chỉ vùng này mà tôi vào vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở hạ nguồn sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) cũng chung tình trạng. Vậy nên, nuôi tôm “kiểu nào cũng chết”, nuôi dày thì tôm chết nhiều hơn nên nhiều người nuôi chọn giải pháp nuôi thưa, đầu tư ít là vậy.
Theo Sở NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thả nuôi 1.129ha tôm thẻ chân trắng, thu hoạch 2.094 tấn. Tuy nhiên, tuần qua, ngành chức năng phát hiện 6ha tôm thẻ chân trắng tại huyện Đông Hòa, Tuy An bị bệnh, trong đó 4ha bị bệnh gan tụy, 2ha bị bệnh do môi trường. Các trạm thú y đã cấp 925kg Sodium Chlorite để xử lý ổ dịch và hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh. Như vậy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có trên 110,3ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bị bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ