Phú Yên Giúp Người Trồng Mía Giảm Chi Phí
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên vừa triển khai mô hình cánh đồng mía mẫu sử dụng cơ giới hoá tại các huyện Sông Hinh, Sơn Hoà và Đồng Xuân, mỗi điểm 10ha.
Tham gia mô hình, nông dân được Công ty TNHH Kobuta Việt Nam cho mượn các loại máy móc thiết bị từ khâu làm đất, trồng mía đến làm cỏ, bón phân; Công ty Hoàng Long Vina hỗ trợ 30% tổng giá trị phân bón; Công ty Công nghiệp KCP Việt Nam và Tổng công ty cổ phần Mía đường Tuy Hoà cung ứng giống mía, thu mua nguyên liệu và hỗ trợ một phần chi phí.
Mô hình áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc và bón phân cho mía bằng các loại máy chuyên dùng của Công ty TNHH Kobuta Việt Nam: trồng hàng đôi, khoảng cách giữa 2 hàng mía từ 1,6-1,8m, khoảng cách hàng kép 30- 40cm nên rất thuận tiện trong bón phân, chăm sóc. Sử dụng các giống mía giống có năng suất tốt, chữ đường cao như KK3 (Khonkaen 3), K95-156, K88-65... Qua kiểm tra, theo dõi thấy, mía của mô hình sinh trưởng phát triển tốt, cây to, khỏe, không xuất hiện sâu bệnh.
Với việc sử dụng máy làm đất M9540 có công suất lớn nên tiết kiệm dầu khoảng 300.000 đồng/ha so với việc sử dụng máy Belarus trước đây. Trồng mía bằng máy tiết kiệm chi phí hơn so với trồng thủ công từ 1,2 - 2 triệu đồng/ha; làm cỏ, bón phân chi phí thấp hơn so với làm thủ công từ 2-2,5 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, bằng nguồn kinh phí từ dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2011- 2013, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên đã triển khai dự án cơ giới hóa trong sản xuất mía, gồm 2 loại máy: nâng xếp mía (15 máy) và làm đất đa năng (24 máy), được triển khai tại 3 huyện Đồng Xuân, Sơn Hoà và Phú Hoà, với tổng nguồn vốn thực hiện 1.097.600.000 đồng, 200 nông dân được hưởng lợi.
Theo đó, nông dân tham gia dự án được nhà nước hỗ trợ 75% kinh phí mua máy móc, thiết bị và được tham dự tập huấn kỹ thuật vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng máy móc, thiết bị. Bên cạnh đó, các điểm triển khai dự án là nơi 560 nông dân các xã có diện tích trồng mía trong toàn tỉnh đến tham quan, học tập.
Theo báo cáo tổng kết của Dự án cơ giới hoá trong sản xuất mía giai đoạn 2011-2013, các loại máy của dự án hoạt động khá tốt, phát huy được tính hiệu quả làm việc, được nhiều nông dân đánh giá cao. Cụ thể, máy nâng xếp có công suất làm việc thực tế 7,5 tấn/giờ (gồm 7 người + 1 máy), máy không chỉ giảm hơn 50% chi phí nâng xếp mía mà còn góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm công lao động vào thời kỳ chính vụ thu hoạch. Máy làm đất đa năng cho mía có công suất 500m2/giờ, với đơn giá 4.195.000 đồng/ha, giảm khoảng 37% chi phí so với lao động thủ công.
Đặc biệt, năm 2013, dự án cơ giới hoá trong sản xuất mía (mô hình máy làm đất đa năng) được triển khai đến nông dân là người dân tộc thiểu số tại xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hoà). Theo ông Y Nam, nông dân tham gia mô hình, máy làm đất đa năng tiện lợi cho việc làm cỏ, rạch hàng bón phân, sử dụng máy giảm chi phí thuê lao động từ 30-40%. Ngoài ra, máy làm đất đa năng còn có thể sử dụng cày đất làm cỏ cho hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày.
Qua một thời gian ứng dụng, đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên đã góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất mía từ khâu xuống giống đến thu hoạch và nâng xếp mía lên xe, từ đó tiết kiệm công lao động, tăng năng suất mía, đảm bảo tiến độ thời vụ gieo trồng. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình, cần sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp vì chi phí đầu tư máy móc tương đối lớn, một mình nông dân khó có thể thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ